(Baonghean) - Những ai đã qua cảnh con vào lớp 1, giờ chắc đã thở phào. Còn với những bố mẹ có con sắp sửa nhập học, lòng đang bộn bề những lo toan. Con 6 tuổi, đầy ngơ ngác và bỡ ngỡ trước một môi trường mới…

"Đau đầu" chọn trường, chọn lớp

Những ngày này, từ loa phát thanh của các khối xóm, ban cán sự khối đã thông báo tới nhân dân về việc nạp hồ sơ vào các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn. Nhưng trước thời điểm này, nhiều bố mẹ đã rậm rịch chuẩn bị các phương án chọn lựa. Dù trên nguyên tắc, trẻ có hộ khẩu ở phường nào thì theo học ở các trường thuộc phường đó, tuy nhiên, hiện tượng “trái tuyến” vẫn phổ biến.

Điều này có nhiều lý do khác nhau: tiện lợi cho việc đưa đón con trên đường bố mẹ đi làm hay vì trường gần nhà ông bà nội, ngoại, vì có “người quen” ở trường, dễ bề theo dõi việc học, vì trường điểm, trường chất lượng… mà nhiều bậc phụ huynh đã “xin” con vào học ở những trường không thuộc địa bàn phường mình cư trú.

Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thanh Hoa, ở khu tập thể Quang Trung, có con gái vào lớp 1. Chị có nguyện vọng “xin” cho con vào học Trường Tiểu học Bến Thủy, vì nhà ông bà ngoại ở gần trường. “Tôi không biết có được không, và thủ tục như thế nào. Nhưng thực sự rất muốn cho con học ở trường này, vì bố đi công tác thường xuyên, mẹ bận rộn, lại còn có em nhỏ. Học ở đây sẽ cậy nhờ ông bà giúp sức…”.

Từ việc chuẩn bị thủ tục nhập học đến việc vào lớp nào cũng khiến nhiều phụ huynh đau đầu. Ngày 3/8 tới, các bé ở hầu hết các trường trên địa bàn thành phố sẽ có buổi tập trung để nhận cô, nhận lớp và nghe dặn dò những nội quy, quy định của nhà trường. Nhà trường, cụ thể là ban giám hiệu, đảm nhận việc phân chia lớp. Tuy nhiên, thế hệ trước “đồn” lại thế hệ sau, những cô giáo có uy tín được nhiều phụ huynh “chọn mặt gửi vàng”. Và tận dụng mọi mối quan hệ, các bố mẹ “xin” cho con vào lớp cô “uy tín”, dẫn tới việc lớp này đã “quá tải”, dù thời gian nhận lớp còn gần 2 tuần nữa.

Chị Nguyễn Thị Hiền, có con trai vào lớp 1, cho biết: “Tôi đã nhờ một cô giáo trong trường xin cho con vì cô này là hàng xóm. Cô bảo lớp “đặc biệt” này đã gần 40 em rồi (?!). Nhưng tôi vẫn muốn con vào học, thứ nhất, vì cô giỏi, thứ hai, vì có mấy bé cùng lớp mẫu giáo với con cũng đã được bố mẹ xin vào, nên con có bầu, có bạn ở trường mới…”.

799669_small_101669.jpg

                              Các “cử nhân mầm non” sắp sửa bước vào lớp 1.

Ngay từ lớp 1, việc chọn trường, chọn lớp gắt gao của bố mẹ đã không chỉ làm ức chế tâm lý bố mẹ, mà còn tác động tiêu cực tới tâm lý các trẻ. Sự vô tư, hồn nhiên với những suy nghĩ giản đơn của các con đã bị đẩy vào vòng xoáy những lo toan, sắp đặt khiên cưỡng của người lớn. Thực tế cho thấy, sự hướng dẫn của các bậc phụ huynh và ý thức tự giác của các bé góp phần lớn vào kết quả học tập, chứ không phải chỉ ở yếu tố trường chuẩn và lớp chọn.

Hốt hoảng giữa "rừng sách"

Sau khi làm các thủ tục nhập học cho con, các ông bố, bà mẹ lại tất tả đi mua sách. Thậm chí nhiều người đã mua trước từ hè, để con làm quen dần với các bài vở mới.

Trong khi làm thủ tục ở trường, chị Trần Thanh Hà ở phường Trung Đô đã được các cô lưu ý: “Mẹ mua sách phải chú ý. Năm nay không học cuốn Tiếng Việt như các khóa trước, mà học cuốn Tiếng Việt công nghệ, gồm 3 tập. Mẹ nhớ mua cho đúng để con học…”.

Chị lên Hiệu sách thiết bị trường học và thực sự “choáng váng” trước một “rừng sách” lớp 1. Sau khi hỏi, chị được nhân viên bán hàng đưa lại một giỏ sách đã được soạn sẵn, những: Toán, Vở bài tập Toán (2 tập), Tiếng Việt Công nghệ (3 tập), Bé tập viết (2 tập), Thực hành Mỹ thuật, Tự nhiên và xã hội gồm sách học và vở, sách Tiếng Anh và vở viết Tiếng Anh, Sách Tập đọc… cùng vô số sách tham khảo. “Tôi đếm được hơn 20 đầu sách tham khảo môn Toán và Tiếng Việt cho bé lớp 1. Nào là Toán nâng cao, Tuyển tập các bài Toán hay và khó, Toán phát triển trí thông minh, Bồi dưỡng Toán cho học sinh lớp 1, Ôn luyện Toán, Bài tập cuối tuần Toán 1, Giúp giỏi Toán, 36 đề ôn luyện Toán, Toán Violympic; Tiếng Việt thì có 35 đề ôn luyện Tiếng Việt, Kiến thức cơ bản và mở rộng Tiếng Việt, Mẹ dạy con học Tiếng Viêt, Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt… đủ thể loại, với sự tham gia của đông đảo các nhà xuất bản - Giáo dục, Sư phạm, Thành phố Hồ Chí Minh… thực sự hoa cả mắt và rất lúng túng”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều cuốn sách tham khảo lớp 1, phong phú về tiêu đề, bắt mắt về hình thức nhưng nội dung không khác nhau là mấy. Đôi cuốn gần như giống nhau, chỉ thay con số và khác trang bìa. Thế nhưng, đánh vào tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh, các cuốn sách được “tung” ra gây sự “nhiễu loạn”, dẫn tới những khó khăn trong việc lựa chọn, trong khi nguyện vọng của phụ huynh là mua vừa để đạt hiệu quả học tập, vừa hợp túi tiền. Mặt khác, trong khi học sinh lớp 1 cần những kiến thức cơ bản, nền tảng thì các cuốn sách muốn chứng tỏ tầm quan trọng của mình “giật tít” những là nâng cao, bồi dưỡng, càng tạo ra áp lực cho cả bố mẹ lẫn các bé.

Sau sách vở là đến các đồ dùng học tập. Cũng đủ loại: cặp sách, thước kẻ, bảng, phấn, que tính, giấy, kéo thủ công, bút chì, chì màu, sáp nặn, keo dán, hộp đồ dùng học Toán và Tiếng Việt… Nếu mua tương đối đầy đủ, cả sách vở và đồ dùng học tập, bố mẹ phải bỏ ra trung bình từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng để chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1. Chưa đặt nặng vấn đề tiền nong, mà cơ bản là, con em chúng ta có thể “cõng” được chừng ấy thứ không, khi mà sức khỏe, và cả sự non nớt của chúng còn chưa đảm bảo, và đang cần sự hỗ trợ đắc lực từ phía người lớn.

Đưa trẻ đến trường là nhiệm vụ của gia đình và toàn xã hội. Từ lớp 1, đến trường, trẻ sẽ thu nhận được thêm nhiều kiến thức và kỹ năng sống, nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần giúp trẻ có tâm thế tự tin, vững vàng để chúng còn nhận thấy được rằng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.


Nguyên Nguyên