(Baonghean) - Để từng bước cải thiện việc cung cấp năng lượng, nâng cao đời sống cho cán bộ, chiến sỹ các Đồn Biên phòng xa lưới điện, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An đã đặt hàng Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời và thủy điện nhỏ) xây dựng mô hình cung cấp điện năng cho các Đồn Biên phòng xa điện lưới ở Nghệ An - giai đoạn 1”.
Trong thời gian triển khai thực hiện (từ 12/2011-3/2013), nhóm thực hiện dự án đã điều tra, khảo sát, đánh giá được hiện trạng cung cấp và sử dụng năng lượng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, đặc biệt là các Đồn Biên phòng thuộc miền núi.
Các trạm chưa có điện lưới, hiện tại đều đang sử dụng máy phát điện chạy xăng, dầu với công suất 3 - 5 KW, so với các máy phát điện cùng loại ở vùng đồng bằng thì chi phí vận hành đắt gấp 2 lần. Do chi phí phát điện cao, nguồn kinh phí ngân sách cấp cho các Đồn để phát điện rất ít, nên thời gian chạy máy phát thường vào những lúc cần thiết, cấp bách và thường xuyên chỉ chạy 2 - 4h/ngày. Một số đơn vị gần suối có sử dụng máy phát điện thủy điện nhỏ có công suất từ 1 - 2 KW tua bin trục đứng hoặc tua bin gáo.
Tuy nhiên, công suất phát không đảm bảo theo thiết kế, chất lượng điện năng và độ tin cậy rất thấp, đó là chưa kể máy phát vào mùa mưa thường bị lũ cuốn trôi. Vì vậy, việc sử dụng năng lượng tái tạo được coi là một giải pháp đáng quan tâm. Qua điều tra, nhiều Đồn, Trạm biên phòng tại tỉnh Nghệ An đóng quân ở khu vực có tiềm năng về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas… Việc khai thác hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ này sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng hiện tại, chi phí phù hợp hơn. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng này mới được các Đồn khai thác ở mức độ thấp, dẫn đến hiệu suất chưa cao.
Lắp thuỷ điện nhỏ ở Đồn Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Hải Thượng.
Qua khảo sát tổng thể hiện trạng cung cấp, nhu cầu sử dụng năng lượng, tiềm năng năng lượng tái tạo tại các Đồn biên phòng trên tuyến núi của tỉnh Nghệ An, Viện Khoa học năng lượng đã lựa chọn 2 địa điểm mà trong thời gian dài chưa thể có điện lưới quốc gia nhưng có tiềm năng tái tạo để khảo sát chi tiết nhằm xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tái tạo và nhân rộng mô hình cho các Đồn, Trạm biên phòng khác có đủ điều kiện.
Các Đồn, Trạm được lựa chọn để khảo sát xây dựng mô hình gồm có: Đồn Biên phòng Keng Đu (Đồn 531), huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, dự kiến khai thác năng lượng gió và mặt trời; Trạm Kiểm soát Buộc Mú, thuộc Đồn Biên phòng Na Ngoi (Đồn 545), huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, dự kiến khai thác năng lượng thủy điện nhỏ.
Dự án đã đo, khảo sát chi tiết tiềm năng năng lượng gió, mặt trời, thủy năng tại các địa điểm trên và đã nghiên cứu tính toán, lựa chọn các phương án hợp lý cung cấp năng lượng tái tạo cho các Đồn, Trạm với các công nghệ phù hợp, hồ sơ thiết kế chi tiết. Dự án đã đưa ra được nhóm các mô hình cung cấp năng lượng cho các Đồn biên phòng như: Mô hình cung cấp năng lượng mặt trời, mô hình cung cấp năng lượng gió, mô hình trạm thủy điện nhỏ, mô hình lai ghép cung cấp năng lượng tái tạo.
Cụ thể, cung cấp điện năng từ nguồn thủy điện nhỏ cho Trạm Buộc Mú với 2 phương án: Công suất 4,5KW, tổng mức đầu tư 262.441.000 đồng; Công suất 5,5KW, tổng mức đầu tư 302.233.000 đồng; Cung cấp điện năng từ nguồn thủy năng lượng gió, mặt trời cho Đồn Biên phòng Keng Đu với 3 phương án: Cung cấp điện năng từ nguồn năng lượng gió với mức đầu tư khoảng 9.000 USD/KW, cung cấp điện năng từ nguồn năng lượng mặt trời với suất đầu tư 7.000 USD/KW, cung cấp điện năng từ nguồn năng lượng mặt trời, gió, diesel với suất đầu tư 6.700 USD/KW.
Sau khi so sánh và tính toán các phương án được lựa chọn, dự án đã đề xuất nội dung triển khai xây dựng trong giai đoạn II. Đó là, xây dựng trạm thủy điện nhỏ cho Trạm Buộc Mú, Đồn Biên phòng Na Ngoi với công suất lắp đặt 5,5 KW, mực nước dâng bình thường: 1902,00m (so với mực nước biển), chiều cao cột nước tính toán 45,60m, tổng mức đầu tư: 302.233.000 đồng; Xây dựng trạm điện lai ghép sử dụng năng lượng gió, mặt trời (máy phát diesel dự phòng) cấp điện cho Đồn Biên phòng Keng Đu, công suất tua bin gió 3 KW (ắc quy, inverter…), hệ thống điều khiển lai ghép tự động, tổng mức đầu tư khoảng 720 triệu đồng. Đây là các phương án rẻ hơn so với phương án kéo điện lưới bởi khoảng cách kéo điện lưới rất xa.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của dự án cho thấy, việc sử dụng giải pháp cung cấp năng lượng tại chỗ bằng các nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng để phục vụ nhu cầu năng lượng cấp bách cho các tập thể chiến sỹ biên phòng sống và làm việc tại các vùng cô lập với lưới điện quốc gia là một giải pháp hợp lý, góp phần tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo công tác quốc phòng an ninh.
Việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 là hết sức cần thiết. Khi mô hình thí điểm của giai đoạn II thành công và phát huy hiệu quả, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các cơ quan quản lý trong tỉnh sẽ tích cực tìm kiếm thêm các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương, từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác để nhân rộng kết quả của mô hình.
Cung cấp điện từ năng lượng tái tạo cho các đồn biên phòng
Trần Khoa (Trung tâm Thông tin KHCN và Tin học)