Coi trọng việc phòng dịch

Xuất phát từ tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn, dịp đón Xuân Nhâm Dần 2022, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo dừng tổ chức các lễ hội và hạn chế số lượng người tham gia các hoạt động mừng thọ, tảo mộ, giỗ chạp, cưới hỏi… để thích ứng an toàn.

bna_43761797_3112022.jpgMột góc xã Trù Sơn (Đô Lương) đêm Giao thừa Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Nguyễn Đạo
Người dân xã Trù Sơn (Đô Lương) tập hợp theo nhóm nhỏ cùng đốt lửa sưởi ấm chờ thời khắc Giao thừa. Ảnh: Nguyễn Đạo

Cũng như người dân khắp mọi miền đất nước, với người dân Nghệ An, Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, các thành viên trong đại gia đình cùng sum vầy, đoàn tụ để chia sẻ tâm tư, nỗi niềm và hướng tới những hy vọng tốt đẹp trong năm mới. Nhất là ở những gia đình có người lớn tuổi, đêm Giao thừa là thời điểm các thế hệ cháu con đoàn viên, cùng dâng nén hương lên bàn thờ tổ tiên tỏ lòng hiếu kính.

Những năm gần đây, người dân Nghệ An còn có xu hướng tập trung ở các điểm công cộng như quảng trường, sân vận động, nhà văn hóa thôn xóm để vui múa hát, đốt lửa trại đón Giao thừa. Không gian rộng lớn và số lượng người đông khiến cho không khí đón năm mới thêm phần vui tươi, náo nức.

Đại gia đình ông Bùi Công Tiềm, xóm Quyết Thắng, xã Tường Sơn (Anh Sơn) yêu cầu các gia đình nhỏ đến dâng hương trước bàn thờ tổ tiên theo mỗi khung giờ để tránh tập trung đông người. Ảnh: Công Khang

Nhưng Giao thừa năm nay, các tuyến đường từ thành phố đến thôn quê đều khá vắng vẻ, những điểm vui chơi công cộng vẫn thưa thớt người. Bởi hầu hết mọi người ở nhà sum vầy cùng gia đình, người thân trong thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ và năm mới.

Ông Bùi Công Tiềm ở thôn Quyết Thắng, xã Tường Sơn (Anh Sơn) là tộc trưởng của chi họ, đêm Giao thừa những năm trước con cháu thường đến rất đông để dâng hương và soạn mâm cỗ, cùng ăn và chuyện trò hàng giờ đồng hồ. Năm nay, con cháu khắp nơi về quê ăn Tết, tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp nên không tập trung ăn uống đông người.

Mỗi gia đình nhỏ chỉ sắp xếp 1 – 2 thành viên dự tiệc tất niên, con cháu cũng không tập trung dâng hương trong cùng một thời điểm và được chia theo từng khung giờ để hạn chế tiếp xúc. “Vẫn biết tập trung đông đủ con cháu trong chi họ cùng ngồi nói chuyện hàn huyên sẽ vui hơn. Nhưng dịch bệnh còn phức tạp, chúng ta phải vừa coi trọng việc phòng dịch, vừa giữ không khí ấm cúng của đại gia đình” – ông Bùi Công Tiềm nói.

Hơi ấm đoàn viên

Thành phố Vinh năm nay cũng không tổ chức bắn pháo hoa đêm Giao thừa nên gia đình bà Uông Thị An (85 tuổi) ở phường Lê Lợi quyết định ở nhà quây quần bên nồi bánh chưng. Bà Tiến biết gói bánh từ năm chưa đầy 20 tuổi, dịp Tết hằng năm đều truyền dạy cách gói bánh đẹp, vuông vắn cho thế hệ sau.

Bà Uông Thị An, phường Lê Lợi (thành phố Vinh) cùng gói bánh chưng để kịp nấu và vớt bánh cúng Giao thừa. Ảnh: Đức Anh
Đêm Giao thừa, bà Uông Thị An kể cho thế hệ sau những câu chuyện xúc động về Tết của ngày xưa... Ảnh: Đức Anh

Năm nay, từ chiều 29 Tết, bà Tiến cùng các cháu nhỏ miệt mài gói bánh chưng cho cả mấy gia đình của con, cháu. Bánh đã được gói xong, cả nhà đang quây quần ngồi đun bánh chưng để kịp vớt trước lúc Giao thừa cúng tổ tiên. Bên bếp lửa nồng đượm, bà Tiến kể cho con cháu nghe về những cái Tết năm xưa, kể chuyện cổ tích cho các cháu nhỏ, không khí gia đình thêm phần vui vẻ và ấm cúng.

Anh Nguyễn Hải Phong, phường Trường Thi (thành phố Vinh) cho biết: “Hồi trước, Giao thừa tôi thường đưa các cháu ra Quảng trường ngắm pháo hoa, nhưng năm nay cả gia đình sẽ về quê Hưng Nguyên đón Giao thừa cùng ông bà. Các cháu rất thích vì ở quê yên tĩnh, được ông bà kể cho nghe nhiều chuyện về ngày Tếtxa xưa. Quan trọng nhất là được hưởng không khí gia đình đầm ấm, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”.

Đêm Giao thừa ở thị trấn Thạch Giám (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân
Trong đêm Giao thừa, Ban quản lý khối Hòa Tây, thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) dâng hương, dâng lễ trước bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà văn hóa khối. Ảnh: Đình Tuân

Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ ở thành phố Vinh và huyện Anh Sơn mà nhiều khắp các vùng từ Diễn Châu, Thanh Chương, Đô Lương lên huyện vùng cao biên giới Tương Dương, đêm Giao thừa, người dân có xu hướng đoàn tụ, đón năm mới cùng gia đình và quan tâm phòng, chống dịch bệnh.

Có thể nói năm nay nhiều gia đình ở Nghệ An đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Phần lớn mọi người đều ở nhà, không tập trung tụ họp, ăn uống đông người và các địa phương cũng không tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ tại địa điểm công cộng trong đêm Giao thừa. Điều này giúp cho không khí trong mỗi gia đình thêm đầm ấm, vui vẻ, đúng nghĩa là Giao thừa đoàn viên.