(Baonghean)
- Hôm nay đưa bé Bim đi mua coca, Bim hí hửng nói với mình:
- Ước gì trong chai coca có con ruồi chết cậu nhỉ?
- Sao Bim lại ước mất vệ sinh thế?
- Cậu biết không, có một người vừa mới phát hiện chai nước giải khát có con ruồi ở bên trong, suýt tý nữa thì được bồi thường 500 triệu. Chẳng may bị cảnh sát bắt quả tang và kết luận đây là hành vi tống tiền. Nếu là Bim, Bim không cần nhiều tiền như thế đâu, chỉ cần cho Bim uống nước ngọt miễn phí trong một năm là được rồi!
Mình phì cười trước suy nghĩ ngây thơ của con bé. Lại nói đến việc khách hàng bị “tố ngược” sau khi “tống tiền” một công ty nước giải khát vì phát hiện chai nước có xác ruồi bên trong, thật là một tình huống éo le! Thực ra trên thế giới và ngay ở Việt Nam mình, đã có không ít trường hợp phát hiện dị vật trong các sản phẩm giải khát, đồ ăn đóng hộp. Đó là chuyện hy hữu nhưng có thể hiểu được, bởi với những dây chuyền tự động không có người trực tiếp theo dõi thì việc một con ruồi “sa cơ lỡ bước” mà không bị phát hiện ra không phải là không có khả năng.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khách hàng cũng dùng đến biện pháp “tống tiền” công ty như nhân vật trong câu chuyện nói trên. Có người đọc tin và bình luận: “Những 500 triệu cơ mà, tham thì thâm thôi. Phải chi anh này đưa ra “mức giá phải chăng” hơn thì đâu nên nỗi…”. Mình thì lại không đồng tình với ý kiến nói trên. Ở nước ngoài, đã có nhiều trường hợp mà nhà cung cấp sản phẩm phải bồi thường hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn USD cho khách hàng vì những sơ suất vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Số tiền 500 triệu không phải là nhỏ, nhưng vấn đề thực sự nằm ở lựa chọn phương thức giải quyết vấn đề của vị khách hàng nói trên. Bởi, với hành động có thể được ví với hành vi “tống tiền” cá nhân, không hề thông qua các cơ quan chức năng, rõ ràng vị khách này không mong muốn giải quyết vấn đề với tinh thần thiện chí, xây dựng mà chỉ nhằm “đục nước béo cò”, trục lợi cá nhân. Tham thì thâm, âu cũng là một bài học cho những ai không có ý thức tôn trọng những quy định, quy tắc của xã hội. Từ suy nghĩ thiển cận vì cái lợi nhỏ trước mắt, bước chân qua bên kia ranh giới pháp luật chỉ trong gang tấc mà thôi!
Nhưng suy đi cũng phải nghĩ lại, công ty nước giải khát kia cũng chẳng “fair play” hơn là bao, khi mà sau khi thoả hiệp với vị khách, lại “lén lút” báo công an, nhằm đưa khách hàng “vào tròng”. Phản ứng như vậy thể hiện sự thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp và thiếu cả sự tôn trọng khách hàng trong khâu xử lý hậu khủng hoảng. Nếu như khách hàng không chủ động đề xuất giải quyết vấn đề một cách thiện chí, sòng phẳng và có biểu hiện tiêu cực, đáng lẽ bản thân nhà cung cấp phải viện dẫn sự can thiệp của các cơ quan chức năng, thay vì bày lên “tấn kịch” không mấy “quân tử” như thế này. Hay chính bởi, bản thân họ cũng muốn lấp liếm, trốn tránh trách nhiệm khi mà họ thừa biết lỗi sai thuộc về mình đầu tiên trong vụ việc?
“Khách hàng là thượng đế”, đó là câu nói cửa miệng của giới kinh doanh. Tất nhiên không phải vị “thượng đế” nào cũng dễ yêu, dễ chiều, nhưng người kinh doanh phải luôn luôn giữ quy tắc tôn trọng và thành thực với khách hàng của mình. Một thời gian nữa, khi câu chuyện trên trôi vào dĩ vãng, người ta sẽ ít nhớ đến một vị khách vô danh vì nổi lòng tham mà đòi 500 triệu tiền “chuộc” một chai nước có ruồi. Nhưng sự e dè và ác cảm dành cho một doanh nghiệp “bày mưu” đưa khách hàng “vào bẫy”, e rằng sẽ còn lâu lắm mới xoá bỏ được!
Hải Triều