(Baonghean) - Nghe nói ngày xưa đi học, anh Chắt giỏi văn lắm?

- Xứ Nghệ ta thì ai mà nỏ có chút máu văn chương trong người.
- Dĩ nhiên rồi, nhưng vẫn có người nổi trội hơn chơ. Mà anh là một trong số đó!
- Nổi trội hơn thì nỏ dám nhận, nhưng mà có lẽ cũng có chút năng khiếu.
- Rứa thì chắc anh còn nhớ cái truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của nhà văn Phạm Duy Tốn đăng trên tạp chí Nam Phong tháng 12/1918, sau được đưa vào sách giáo khoa.
- Tưởng chi chơ chuyện đó thì cần chi phải giỏi văn mới nhớ, mà người học cùng thời hỏi ai mà nỏ biết. Mà răng bữa ni ả Nhiêu lại hỏi đến truyện ngắn nớ?
- Dĩ nhiên là có chuyện thì mới nói đến. Nỏ có chi là tự nhiên, là bỗng dưng cả!
- Có chuyện là chuyện chi?
- Tuy nghe nói ở xã nọ của một huyện vốn vùng địa đầu, tự nhiên mọc lên một xưởng tái chế bao bì bên sông...
- Dân huyện ấy nổi tiếng năng động trong làm ăn kinh tế. Mọc lên một cái chơ vài cái nữa cũng nỏ có chi là lạ cả!
- Không lạ về cái xưởng mà lạ là chính quyền không hề biết. Chỉ đến khi người dân bức xúc quá, tố cáo thì các công bộc mới hay là có chuyện đó.
- Răng dân lại bức xúc, tố cáo; hay là có chuyện “trâu buộc ghét trâu ăn”?
- Không có chuyện ghen ăn tức ở mô anh Chắt. Người ta tố là vì chất thải từ xưởng mới và ở nhà máy xay bột cá khiến nước sông ô nhiễm làm chết tôm dân nuôi. Thiệt hại nghe nói 
 
lên đến nhiều tỷ đồng. Đồng tiền liền khúc ruột. Mất tiền như đứt ruột người ta, ai mà nỏ xót xa, phẫn nộ. Nếu cứ để tình trạng đó kéo dài mãi thì bao nhiêu ao nuôi tôm ở đây phải để hoang hóa, dân không biết mần nghề chi mà sống nữa cả!
- Nếu đúng là có chuyện đó thì thật là không ổn, là gay to rồi. Rứa khi dân tố chính quyền nói răng?
- Họ nói không biết, là do xã “lầm tưởng” đó là cơ sở chế biến hàng đông lạnh thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt. Nhưng mà rồi vẫn thòng thêm một câu rằng, quan điểm của chính quyền địa phương là ủng hộ tất cả các doanh nghiệp, ít ra họ cũng tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân.
- Những người có trách nhiệm mà đã nói rứa thì e cái xưởng tái chế gây ô nhiễm đó khó mà bẩy đi được. Rứa là…
- … Là tui mới nhớ đến cái chuyện “Sống chết mặc bay” đó!
- Ừ, chuyện cũ mà hóa ra vẫn mới, vẫn mang tính thời sự ả Nhiêu nhỉ! 
 
Tri Kỷ