(Baonghean) - Bé Bim nhà mình năm nay vào lớp Một. Tối nào con bé cũng ôm sách giáo khoa ngồi ê a tập ghép chữ, đánh vần. Một hôm mình ngồi nghe thấy con bé đọc vanh vách thế này:
 
- Bé Hà kể. Bà để bé kể. Bà hả hê…
 
Mình ngạc nhiên hỏi: 
 
- Bim đọc cái gì thế?
 
- Bim tập đọc ấy mà. Trong sách viết đây cậu này!
 
- Sao ngày xưa cậu học đọc là phải học chữ cái, học ghép vần trước nhất. Sao cậu không thấy Bim đánh vần lúc nào cả. Hay là chương trình giáo khoa mới có phương pháp gì hay, dạy cho các cháu biết đọc ngay tắp lực?
 
- Thực ra Bim đọc theo cô chứ nhiều từ Bim cũng chẳng biết, chẳng hiểu cậu à…
 
Mình tò mò cầm cuốn sách của con bé lên xem. Đúng là sách toàn lấy những câu hoàn chỉnh ra làm mẫu, mà nhiều câu lại tối nghĩa vô cùng, thậm chí có cả từ địa phương ở trong đó! Thắc mắc với mẹ Bim thì nhận được câu trả lời: 
 
- Hôm trước đi họp phụ huynh cho cháu nó, chị cũng hỏi cô giáo là tại sao không dạy các cháu đánh vần, ghép vần trước mà cho đọc cả câu, thậm chí là mấy câu ghép lại như thế. Rồi lại có những câu văn “củ chuối” như kiểu “Bố mẹ ra phố, Nga ở nhà nghe ra-đi-ô. Ra-đi-ô rè rè, Nga bỏ ra hè nhà”, hay là “Cỡ ba giờ, cô Hoa đến!”. Cô giáo giải thích là: giáo trình dạy mới dựa trên cơ sở những từ, tiếng ngắn, càng ít nghĩa càng tốt, cấu trúc ngữ pháp mới là ưu tiên hàng đầu. Một đồng nghiệp cơ quan chị có con năm nay học lớp Hai thì bảo: “Nghe con đọc ê a những câu tối nghĩa như vẹt, cũng nóng ruột lắm. Nhưng lên lớp Hai rồi chúng nó cũng biết đọc, biết viết hết nên cực chẳng đã đành “phó mặc” cho cô giáo và sách giáo khoa. Đằng nào thì tư duy sư phạm của bố mẹ ngày xưa cũng không áp dụng được vào chương trình mới để kèm thêm cho con…”. 
 
Mình nghe xong mà ngao ngán. Nhìn lại cuốn sách “vỡ lòng” của cô cháu gái với những câu chữ tối nghĩa, những hình ảnh minh hoạ đôi khi có phần ngớ ngẩn đến buồn cười, lại nghĩ đến một dạo dư luận xôn xao về những bài học lạ lùng trong cuốn sách dạy Kỹ năng sống dành cho học sinh Tiểu học. Những bài học về đi chân trần trên thuỷ tinh vỡ, tập cười với cỏ cây hoa lá,…đối với người lớn chúng ta là những thứ kỳ quặc đến mức ngớ ngẩn, nhưng đối với nhận thức non nớt của các em, biết đâu lại có sức tác động mà chúng ta không lường hết được?
 
Nhưng tác động ở đây là theo hướng tiêu cực. Ấy là khiến cho các em tư duy, nhận thức lệch lạc đi, hiểu sai về một khái niệm, sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Như ví dụ “Bé Hà kể. Bà để bé kể. Bà hả hê”, hoàn toàn trái ngược với thực tế trong cuộc sống, ít nhiều mang tính phản giáo dục. Mình nhớ trong chương trình mà mình từng học, hình ảnh người bà bao giờ cũng gắn liền với việc kể những câu chuyện cổ tích cho cháu nghe. Ví dụ như vậy vừa đảm bảo mục đích giảng dạy, vừa mang tính chất giáo dục nhân văn về tình cảm bà cháu, gia đình. 
 
Dạy các em học sinh tập đọc theo giáo trình mới, có hiệu quả hơn chương trình cũ không? Mình không dám phủ nhận nhưng đồng thời, đến nay cũng chưa có ý kiến nào khẳng định sự ưu việt nổi trội của chương trình mới cả. Trong khi đó, rõ ràng ý nghĩa giáo dục nhân văn thì có những hạn chế dễ dàng nhìn ra. Đổi mới là để đem lại những gì tối ưu hơn, hiệu quả hơn, nếu không đáp ứng được những tiêu chí đó, có cần thiết phải thay đổi không? Hay sự đổi mới ở đây mới chỉ dừng ở “cải” hình thức, chứ chưa “cải” nội dung, cải cách?
 
Hải Triều