(Baonghean) - Hơn 60 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhớ lại giây phút được đi giữa lòng Thủ đô Hà Nội, cùng diễu binh trong đoàn quân chiến thắng, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động, dâng trào cảm giác sung sướng, tự hào được sống, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân.

Những năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta bắt đầu bước vào giai đoạn khẩn trương, khốc liệt hơn bao giờ hết. Toàn thể nhân dân đều dồn sức người, sức của cho kháng chiến. Quê tôi có biết bao lớp trai làng tòng quân đánh giặc, những ngày tháng cam go của cuộc chiến, chúng tôi tuy còn ngồi trên ghế nhà trường mà sục sôi ý chí ra trận. Gia nhập thiếu sinh quân, tôi cùng bạn bè lọt thỏm giữa dòng người đưa tiễn, vai khoác ba lô cùng nét mặt hăm hở, phấn khích xăm xăm hành quân theo hiệu lệnh. Tham gia huấn luyện một thời gian ngắn, nhiều người trong lớp thiếu sinh quân chúng tôi được cấp trên cử đi tu nghiệp ở Liên Xô cũ. Chẳng ai muốn rời xa đất nước lúc này, tuy rằng đi học cũng là một nhiệm vụ nặng nề, bởi học để mai này trở về kiến thiết xây dựng quê hương.

images1708888_bna_57f8af6896879.jpgĐại tá Nguyễn Văn Thạch

Thời điểm năm 1954 cục diện chiến trường đang rất có lợi cho quân ta, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng công kích ở Điện Biên Phủ, đánh đòn quyết định nhằm chấm dứt cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Toàn bộ 87 thiếu sinh quân chúng tôi nhất định xin tạm hoãn việc học hành để ra trận và được điều động đến mặt trận Điện Biên Phủ. Năm đó tôi 17 tuổi, phơi phới tình yêu Tổ quốc và hừng hực nhiệt huyết chiến đấu. Vừa hành quân vừa huấn luyện, chúng tôi tiến thẳng về Điện Biên. Thời điểm chúng tôi tiếp cận địa bàn ở Điện Biên Phủ thì cuộc chiến đã đi vào giai đoạn quyết định tổng công kích với phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Nơi lòng chảo Điện Biên Phủ, để tiếp cận với các lô cốt địch, bộ đội ta đã đào hàng trăm cây số giao thông hào để có thể tiến sát mục tiêu. 

Tôi cùng đơn vị được giao nhiệm vụ chia thành từng tổ tác chiến chờ đợi hiệu lệnh tổng công kích sẽ ôm bộc phá xông lên hạ gục các lô cốt để bộ binh ta xông lên đánh chiếm cứ điểm. Sau hiệu lệnh là tiếng nổ long trời lở đất của khối thuốc nổ gần một tấn phát ra, tôi cùng hai đồng đội khác ôm bộc phá đánh chiếm một trong những lô cốt gần đồi A1. Người thứ nhất xông lên rồi hy sinh, người thứ hai tiếp tục ôm quả bộc phá tiếp cận gần hơn mục tiêu. Anh ấy hy sinh, là người cuối cùng trong nhóm, nén lòng trước sự hy sinh của đồng đội, tôi xông thẳng đến lô cốt địch cùng quả bộc phá trong tay. Tôi tiếp cận được mục tiêu, sau một tiếng nổ đinh tai, người tôi bị nhấc bổng ném ra xa. Sau khi tiêu diệt xong quân địch trong lô cốt, bộ đội ta ào lên tấn công.

Đại tá Nguyễn Văn Thạch gặp lại đồng đội từng chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Cùng với những cứ điểm khác, chỉ trong một thời gian ngắn quân ta đã giành thế chủ động trên chiến trường. Không lâu sau đó, khi tôi còn điều trị tại trạm xá thì nhận được tin chiến thắng. Tướng Đờ - cát - tơ - ri đã chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Tin chiến thắng được loan báo bằng những ánh mắt, những nụ cười rực sáng hy vọng, tự hào. Sau khi giải phóng Điện Biên, bộ đội ta hăm hở tiến về Hà Nội giành lại Thủ đô yêu dấu sau 9 năm kháng chiến trường kỳ.

Tuy không được trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô, nhưng tôi may mắn được đi trong hàng ngũ quân chiến thắng của lễ diễu binh mừng thắng lợi to lớn này của dân tộc ngày 10/10/1954. Trước thời điểm đó, để chuẩn bị cho lễ diễu binh, từ Phú Thọ chúng tôi được điều động về Gia Lâm để cùng các đơn vị khác tiến hành luyện tập và làm công tác chuẩn bị cho lễ diễu binh. Kể từ thời điểm nhận được tin chiến thắng, những người chiến sỹ như chúng tôi, không kể tuổi tác, quê quán, không ai nói nên lời nhưng tôi cảm nhận được trong mỗi ánh mắt nụ cười, mỗi hành động, lời nói của đồng đội đều toát lên niềm tự hào và tin tưởng vào tương lai, vào một thắng lợi ngày mai đang đến rất gần.

Tôi cảm nhận thật rõ tình đoàn kết keo sơn, tình yêu Tổ quốc dạt dào hơn bao giờ hết. Mỗi trái tim cháy bỏng trong mỗi con người chiến sỹ lúc này đều bùng lên ngọn lửa kiên cường, quyết tâm đi theo con đường cách mạng, mong ước một ngày thật gần giang sơn sẽ thống nhất, non sông thu về một mối. Hai miền Nam, Bắc sẽ “về chung một nhà”. Với tâm thế của người chiến thắng, dù được giao nhiệm vụ nào chúng tôi cũng hăng hái thực hiện, cố gắng hoàn thành tốt nhất. 

Hơn hai tháng diễn tập cho lễ diễu binh là khoảng thời gian tôi được sống cùng đồng đội trong ngập tràn niềm vui và tự hào. Không ai bảo ai, tất cả đều tự giác luyện tập và đều hồi hộp mong chờ đến giây phút trang nghiêm tiến qua lễ đài, đến giây phút được sống trong thời khắc lịch sử huy hoàng của dân tộc. Và rồi ngày trọng đại ấy cũng đã đến.

Với Đại tá Nguyễn Văn Thạch, những ký ức một thời oanh liệt vẫn còn vẹn nguyên

Hành quân về Hà Nội, bước vào cửa ngõ Thủ đô, dù trước đó chưa một lần đến, nhưng không ai trong chúng tôi thấy xa lạ. Ngược lại, một cảm giác thân thuộc, mến thương ùa về khi chứng kiến người dân Hà Nội đổ ra đường cờ hoa rợp trời chào đón bộ đội. Bà con đứng hai bên đường, dường như ai cũng chọn mặc bộ đồ đẹp nhất, và đặc biệt ai nấy đều có nụ cười tươi, gương mặt bừng sáng niềm vui vỡ òa sau bao năm mong đợi. Mọi người tay cầm hoa, cầm cờ Tổ quốc chào đón đoàn quân chiến thắng chỉnh tề, hùng dũng tiến bước giữa dòng người. Những người chiến sỹ bước đi kiêu hùng với vị thế của đoàn quân chiến thắng, sắt son một niềm tin vào tương lai của dân tộc. 

Trong những phút giây ấy, tôi chợt ngậm ngùi tưởng nhớ đến các đồng đội đã hy sinh. Các anh đã không có được may mắn chứng kiến ngày Thủ đô yêu dấu đón chào chiến thắng, nhưng non sông đất nước, đồng đội sẽ mãi mãi biết ơn các anh, nhớ ơn các anh đã cống hiến trọn đời mình cho độc lập tự do của dân tộc. Tôi nhớ đến những giây phút cận kề sinh tử nơi chiến địa, lại càng yêu quý hơn những ngày tháng hòa bình, những phút giây mình được sống trong không khí hân hoan của quân và dân Thủ đô Hà Nội ngày giải phóng.

Những tưởng nhớ ấy như nốt nhạc trầm hùng điểm tô cho bản hùng ca của đất nước thêm vang vọng. Tôi thầm hứa với lòng mình sẽ sống và chiến đấu sao cho xứng đáng với các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp, hy sinh và bảo vệ non sông Việt Nam. Và tôi tin rằng những đồng đội của mình cũng vậy, họ đều chung một tâm trạng, một quyết tâm và đồng lòng chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu. Ngày 10/10/1954, chúng tôi đã được bước những bước chân nghiêm trang trong đoàn diễu binh tiến qua lễ đài, tiến bước theo sau lá cờ Tổ quốc ngạo nghễ tung bay. Tiếp sau chúng tôi là những đoàn xe chở pháo, chở bộ đội rầm rập hùng tráng diễu qua giữa một rừng cờ hoa và ngút ngàn lời mừng vui của nhân dân Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Văn Thạch hiện tham gia nhiều công tác tại địa phương, được chính quyền và người dân tin tưởng.

Ngày ấy, sau lễ diễu binh, tuy không có phương tiện thông tin báo, đài nhưng tin tức và tinh thần của ngày 10/10 được lan truyền nhanh chóng. Không chỉ vậy, cảm xúc, tinh thần của lễ kỷ niệm ngày ấy đến hàng chục thập niên sau vẫn được chúng tôi lưu giữ trọn vẹn trong trái tim. Nó đã trở thành niềm động viên khích lệ giúp lớp lớp chiến sỹ chúng tôi vững tâm, tin tưởng vào tương lai, chúng tôi đã mang theo tinh thần ấy đi khắp các chiến trường, đánh hàng trăm nghìn trận để có thể đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Những chiến sỹ tham gia lễ diễu binh tại Thủ đô năm ấy tuy người còn người mất, nhưng tất cả đều đã sống và chiến đấu với nguồn cảm hứng bất tận được thắp lên từ những sự kiện trọng đại của dân tộc như thế.

Hoài Thu
(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Thạch, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn)

TIN LIÊN QUAN