Khoảng cách giữa nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Phạm Nhật Vượng thu hẹp lại khá nhanh do tổng tài sản của nữ tỷ phú duy nhất Đông Nam không giảm nhiều trong cơn địa chấn “nhuốm máu” vừa qua.

Phiên giao dịch ngày 6/2 tiếp tục là một ngày đen tối với thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK). Sau một phiên giảm 53 điểm, chỉ số VN-Index có lúc giảm tới hơn 63 điểm, trước khi chốt phiên giảm 37 điểm. 

211455-2.jpg

Hàng loạt các cổ phiếu tiếp tục nằm sàn. Một số mã đóng góp vào sự thu hẹp sắc đỏ trên thị trường như Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang… HPG tăng 1,8%, MSN tăng 1,5%, NVL tăng 0,2%, VIC đứng giá tham chiếu.

Sau 2 phiên hoảng loạn, vốn hóa trên TTCK Việt Nam đã bốc hơi khoảng 14 tỷ USD. Riêng ông Phạm Nhật Vượng, theo tính toán của Forbes, mất khoảng 1-1,1 tỷ USD xuống còn 4,5 tỷ USD. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo mất khoảng 200 triệu USD xuống còn 3,1 tỷ USD.

Như vậy, khoảng cách giữa bà Thảo và ông Vượng đã thu hẹp lại khá nhiều. Ông Vượng vẫn là tỷ phú USD giàu nhất tại Việt Nam, trong khi bà Phương Thảo là nữ tỷ phú duy nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Do tài sản bốc hơi khá nhanh, thứ hạng trong bảng người giàu thế giới của ông Vượng đã rót từ khoảng 370 xuống vị trí thứ 473. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo rớt từ vị trí 728 hồi cuối tháng 1 xuống 755 hiện tại.

Mặc dầu tài sản giảm nhanh nhưng trên thực tế cổ phiếu Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng chỉ giảm sàn 1 phiên và là cổ phiếu hiếm hoi đứng giá trong phiên đen tối vào ngay 6/2. Cổ phiếu Vincom Retail (VRE) của nhà ông Vượng giảm sàn 2 phiên nhưng có khối lượng giao dịch khổng lồ. Cổ phiếu này khớp lệnh trên sàn trong phiên 6/2 đạt hơn 450 tỷ đồng. Khối ngoại mua thỏa thuận 94 triệu cổ phiếu ngay trong phiên này, trị giá 4.500 tỷ đồng. 

 

Cổ phiếu của CTCP Vincom Retail (VRE) từ trước khi lên sàn đã gây bão và sau khi lên sàn đã chứng tỏ sức mạnh của mình với mức tăng giá 54% so với giá chào sàn trong vòng 2 tuần. Đây là donah nghiệp hiếm hoi trên TTCK từng vượt lên ngưỡng vốn hóa 100.000 tỷ đồng.

VRE được kỳ vọng lớn bởi vị thế là công ty thành viên quản lý và vận hành các trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup, sở hữu và vận hành hệ thống TTTM có quy mô lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam.

Cổ phiếu VIC cũng là cổ phiếu hiếm hoi có vốn hóa trên 10 tỷ USD trên TTCK Việt Nam (chỉ sau Vinamilk).

Mặc dù tụt giảm mạnh trong 2 phiên qua, TTCK Việt Nam vẫn đang hút dòng tiền rất mạnh. Trong phiên đỏ sàn ngày 6/2, tổng cộng giá trị giao dịch vọt lên tới gần 17.000 tỷ đồng, con số kỷ lục chưa từng có.

TTCK Việt Nam hiện đang ở thời kỳ sôi động chưa từng có trong lịch sử. Sau hơn năm tăng điểm gần như liên tục, TTCK đang ở đỉnh cao hơn 10 năm. Áp lực chốt lời có thể kéo thị trường đi xuống như thường thấy.

Theo đánh giá của nhiều CTCK, áp lực bán sẽ giảm bớt trong các phiên tới và thị trường có thể sớm hồi phục trở lại nhờ sức cầu bắt đáy với niềm tin của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào triển vọng dài hạn của thị trường cũng như nền kinh tế.

SHS dự báo, trong phiên giao dịch ngày 7/2, lực cầu bắt đáy gia tăng có thể giúp VN-Index hồi phục trở lại để hướng đến lấp khoảng gap được tạo ra giữa hai phiên 5/2 và 6/2 trong khoảng 1.026-1.048 điểm.

SSI Retail Research thì cho rằng thị trường có thể sẽ còn giảm mạnh trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng giá 1030-1035 điểm. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, SSI Retail Research đánh giá thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục ngắn hạn khi chỉ số VN-Index rơi về vùng giá trên.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/2, VN-index giảm 37,11 điểm xuống 1.011,6 điểm; HNX-Index giảm 3,31 điểm xuống 115,64 điểm. Upcom-Index giảm 1,98 điểm xuống 54,95 điểm. Thanh khoản đạt gần 620 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 17 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.