Theo hãng tin tài chính Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (MSN), tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng qua lên mức 1,2 tỷ USD. Đây là cơ sở để Bloomberg xếp ông Nguyễn Đăng Quang trở thành tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam, sau ông Phạm Nhật Vượng chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo VietJet.

Theo số liệu trên sàn chứng khoán, là chủ tịch nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 10 cổ phiếu của tập đoàn này. Tuy nhiên, thông qua CTCP Masan (Masan Corp) - doanh nghiệp đang trực tiếp và gián tiếp nắm giữ 50% cổ phần của Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang được xem là cổ đông chính của  MSN và có khối tài sản nói trên.

170200-2.jpg

Masan Group là một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt. Vốn hóa của Masan hiện đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này kinh doanh các lĩnh vực Thức ăn chăn nuôi (Proconco, Anco), hàng tiêu dùng (Omachi, Chinsu, Vinacafe,...), khoáng sản (mỏ núi Pháo), ngân hàng (Techcombank),...

Ông Quang khởi nghiệp từ những năm 90 sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga với lĩnh vực sản xuất mỳ gói. Sau này, công việc kinh doanh mở rộng sang cả ngành sản xuất đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2001, ông Nguyễn Đăng Quang chuyển toàn bộ nhà máy về Việt Nam.


Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam có 3 tỷ phú được Forbes và Bloomberg công nhận. Ông Phạm Nhật Vượng có tài sản 4,7 tỷ USD (theo đánh giá của Forbes) và khoảng 4,9 tỷ USD theo tính toán cổ phiếu trên sàn. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài sản 2,7 tỷ USD theo xếp hạng của Forbes (xếp 929 trên thế giới).

Trước đó, ông Bùi Thành Nhơn Novaland cũng được tính toán là tỷ phú trên TTCK Việt Nam nhưng chưa được các tổ chức nước ngoài xếp hạng.

Xếp hạng theo gia đình, nhà ông Vượng nắm giữ hơn 6 tỷ USD, ông Quyết khoảng 2,5 tỷ USD, sau đó đến nhà bà Thảo, ông Nhơn và gia đình ông Trần Đình Long chủ tịch HPG với hơn 1 tỷ USD.