(Baonghean.vn) - Côn Đảo - quần đảo bao gồm 16 đảo lớn nhỏ nằm ở phía Đông Nam đất nước, là một trong những nơi lưu giữ lại ký ức đau thương và tội ác bạo tàn của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. "Địa ngục trần gian" trong tâm tưởng của của những thế hệ đi trước, nay hiện diện như một bóng hình quá khứ với sức lay động và tính giáo dục hết sức to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau.
Năm 1862, người Pháp bắt đầu cho xây dựng hệ thống nhà tù lớn nhất Đông Dương tại Côn Đảo, nhằm mục đích biệt lập các tù nhân chính trị "nguy hiểm" khỏi cộng đồng, đàn áp, tra tấn nhằm ép buộc ly khai, giết dần giết mòn về mặt thể xác lẫn tinh thần, ý chí chiến đấu. Nhiều chiến sỹ cách mạng đã hy sinh dưới đòn roi tàn bạo của kẻ thù, máu của họ đổ xuống mảnh đất này, biến nơi đây thành một "địa ngục" khổng lồ.
Trung tâm cải huấn Trại Phú Hải - một trong số những trại tù ở Côn Đảo. Cổng vào Trại Phú Tường, ẩn giấu bên trong là Chuồng cọp Pháp - nơi giam giữ các tù nhân chính trị "đặc biệt nguy hiểm". Trại do thực dân Pháp xây dựng năm 1940, với tổng diện tích 5.475m2. Trại Phú Bình - Chuồng cọp Mỹ, được xây dựng năm 1971 sau khi Chuồng cọp Pháp bị đoàn kiểm tra phát hiện và lên án bởi báo chí, dư luận. Tổng diện tích trại 25.768m2. Được xây dựng trên hòn đảo mà nơi gần đất liền nhất cách tới 30 hải lý, hệ thống nhà tù này đã che mắt dư luận, che giấu những tội ác dã man của bè lũ tay sai, thực dân và đế quốc trong suốt 113 năm. Đến rạng sáng ngày 1/5/1975, sau khi Sài Gòn giải phóng, tù chính trị trên Côn Đảo vùng lên, chiếm lại quyền kiểm soát nhà tù. Từ đây, chấm dứt 113 năm tăm tối, 153 cựu tù ở lại đảo tham gia xây dựng chính quyền. Ngày nay, Côn Đảo trở thành một địa điểm du lịch tâm linh, lịch sử, trong đó, hệ thống nhà tù do người Pháp và người Mỹ xây dựng là những địa danh không thể không đến trong hành trình tìm về với lịch sử khi đặt chân lên Côn Đảo.
Bảng ghi chú số tù nhân trong một trại tù. Dãy phòng giam trong trại tù do thực dân Pháp xây dựng. Mỗi phòng có thể giam giữ 120 -150 tù nhân, tuỳ thời điểm và tình hình chính trị. Các nhà tù dưới thời Pháp được xây dựng rất kiên cố, các ô cửa thông khí được xây trên cao, lắp chắn song và rào thép gai từ bên ngoài. Hầm xay lúa - "địa ngục của địa ngục trần gian". Người tù bị xiềng chân vào quả tạ nặng trên 5kg, đẩy cối xay dưới sự giám sát của các cặp rằng (tù thường phạm được cai ngục chọn để đàn áp tù chính trị). Câu chuyện về lòng bác ái đã cảm hoá được những người tù của Đồng chí Tôn Đức Thắng - Nguyên Chủ tịch nước diễn ra ngay chính tại hầm xay lúa này. Cánh cửa nhỏ dẫn vào Chuồng cọp Pháp. Để che mắt dư luận và các đoàn giám sát, Chuồng cọp không có cổng chính mà dùng cổng phụ thay đổi luân phiên, nguỵ trang trong vườn rau. Sau này, một số tù nhân về lại đất liền đã mô tả cách thức, lối vào và giúp đoàn kiểm tra nhân quyền khám phá ra địa điểm đen tối này. Chuồng cọp gồm 120 phòng biệt giam chia thành 2 khu. Bên dưới là tù nhân bị xiềng chân, bên trên có song sắt để cai ngục giám sát, áp bức. Rắc vôi bột, dội nước bẩn là một trong những cách thức được kẻ thù sử dụng thường xuyên nhất. Người tù trong phòng biệt giam phải đi vệ sinh trong thùng gỗ, ăn cơm lẫn với sạn, vỏ trấu, ruồi,...Điều kiện vệ sinh nghèo nàn, chế độ ăn uống tồi tệ, thường xuyên bị hành hạ, tra tấn, tù nhân không chết vì đòn roi cũng bị các loại bệnh tật khiến cho họ chết dần chết mòn. Trong ảnh, bên trái là khu biệt giam, bên phải là dãy phòng Tắm nắng - phòng giam không có mái che. Chỉ một số tù nhân được thả ra ngoài để đổ thùng gỗ vệ sinh vài ngày một lần. Có 60 phòng Tắm nắng, chia thành 4 dãy. Đây cũng là nơi tra tấn, ép buộc người tù cộng sản ly khai. Trong ảnh là hình thức tra tấn đánh tứ trụ. Không vì vậy mà tinh thần đấu tranh của người tù cách mạng giảm bớt. Họ hô hào, tuyệt thực và thậm chí là mổ bụng lôi ruột tự sát. Trong số đó, có cả phụ nữ. Khác với Chuồng cọp Pháp, Chuồng cọp Mỹ "trá hình" khi đưa các công trình nhân đạo lên phía trước, ngay gần cổng trại. Nhà bếp... ...Bệnh xá...Tất cả đều chỉ để ngụy trang cho tội ác khủng khiếp che giấu phía sau. Chuồng cọp Mỹ có 384 phòng biệt giam, chia thành 4 khu AB, CD, EF, GH. Nhà giam ở đây xây bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm trên nền xi măng ẩm thấp, thường xuyên ngập trong phân và nước tiểu. Khoảng sân rộng giữa hai dãy nhà giam được trồng cây xanh, nhằm khiến người tù bị giam trong cảnh tối tăm, chật hẹp phải thèm khát tự do. Mỗi lần được ra ngoài, họ giấu cỏ và lá bàng để ăn nhằm tăng chất xơ do cơm tù không có rau xanh. Bãi Nhát, nơi tù nhân vượt ngục kết bè, trốn về đất liền. Nếu trốn vào mùa Đông khi có gió Đông Bắc thổi về phía đất liền, trong vòng 30 tiếng bè sẽ cập bờ. Nhưng chỉ rất ít nguời trốn thoát, hầu như đều bị bắt lại và tra tấn dã man hơn. Thục Anh