(Baonghean) - Lâu nay, hễ nói đến những người, những thứ có chỉ để làm vì, theo kiểu “hữu danh vô thực” không có một chút quyền năng, tác dụng cụ thể nào cả thì người ta thường ví von với hình ảnh “bù nhìn giữ dưa”. Dựa trên hiện tượng người nông dân dựng các hình nộm giống người gọi là bù nhìn ở các thửa ruộng để dọa chim chóc, muông thú. Hù dọa suông thôi, chứ thực tế là không gây hại được, dù chỉ là một chút nhỏ.
 
Thế nhưng, thời thế đổi khác “bù nhìn” kiểu mới cũng có tác dụng thiết thực tới mức có khi còn hơn cả người thật. Như chuyện độ hơn một tuần nay, trên QL91, QL80 đoạn qua địa bàn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ người ta dựng nhiều  mô hình CSGT cầm thiết bị đo tốc độ ô tô chạy trên đường to cỡ  người thật ở các ngã ba, ngã tư và khu vực đông dân cư. Cũng giống như “bù nhìn giữ dưa”, anh cảnh sát bằng bìa các-tông này, tuy chẳng cử động được nhưng  cũng khiến cho nhiều tài xế giật mình mà chạy xe chậm lại. Vừa chạy, vừa xem đồng hồ đo tốc độ coi thử mình chạy đã chuẩn chỉnh chưa. Lắm anh thú thực là biết mình không vi phạm gì nhưng nhìn thấy bóng áo vàng đứng ngay ngắn bên đường cũng thấy hốt nên chạy xe cẩn thận hơn. Thậm chí có bác tài thừa biết đó là mô hình, nhưng cũng thấy gai người, tự động lái xe chậm lại, đi đúng làn đường và không dám phóng nhanh, vượt ẩu nữa.
 
Người dân và cả cảnh sát giao thông ghi nhận từ ngày có mấy cái mô hình đó, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, đậu sai làn đường, vượt đèn đỏ và đặc biệt là tai nạn giao thông… đã giảm rất nhiều. Và ngay trong ý thức của chính người dân hai bên đường, việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ cũng trở nên nghiêm túc hơn trước. Thế mới biết “bù nhìn” cũng có khi có giá trị. 
 
images1195371_csgtcammaybantocdo3.jpgMô hình CSGT cầm máy bắn tốc độ ở Cần Thơ. Ảnh: Internet
Nhưng từ đây lại bật ra câu hỏi là tại sao những anh cảnh sát giao thông bằng xương, bằng thịt, biết cử động, đi lại, biết thổi còi dừng xe vi phạm để phạt và cũng có cả súng bắn tốc độ như mô hình, nghĩa là độ “nguy hiểm” cao hơn rất nhiều lần sao lại không làm tốt được cái việc kéo giảm tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ như mấy anh cảnh sát giấy?  Như chính ông Trưởng Công an quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ thừa nhận với báo giới thì quý I-2015, tình hình vi phạm an toàn giao thông trên địa bàn, đặc biệt là tuyến QL91 đoạn qua quận gia tăng đột biến. Sau khi kiểm tra thực tế, chính đồng chí chủ tịch UBND quận đã gợi ý công an quận nên thử nghiệm dựng mô hình cảnh sát giao thông ở các điểm nóng về trật tự an toàn giao thông. Không ngờ hiệu quả đạt được lại khả quan đến như vậy. Thế nghĩa là cảnh sát giấy tác dụng hơn cảnh sát thật. Rất không khó để lý giải hiện tượng  ngược đời giả hơn thật này. Bởi anh cảnh sát giấy bồng súng tốc độ, đứng nghiêm túc, đĩnh đạc, đường hoàng giữa thanh thiên bạch nhật ngay bên đường nên ai cũng thấy, cũng chờn, cũng sợ mà cẩn thận tay lái. Nên các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ giảm đáng kể là nhờ thế. Còn các cảnh sát thật thì thường ôm súng “núp lùm” đâu đó trong quán nước, bụi cây ven đường bí mật bắn tốc độ nên không ai thấy, không ai sợ nên cứ thế mà “phi nước đại”. Chỉ khi bị tuýt còi dừng xe nộp phạt thì mới biết là đã bị “dính đạn” ở đâu đó. Nhưng “dính” mà không hay biết nên vẫn phóng nhanh, vượt ẩu. Thành ra, nộp phạt thì nhiều mà tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ gây ra tai nạn vẫn không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. 
 
Thế là, chỉ bằng một sự thay đổi nhỏ theo hướng công khai, minh bạch kết quả phòng chống vi phạm an toàn giao thông đường bộ và giảm thiểu tai nạn giao thông đã tạo ra ngay những chuyển biến tích cực. Điều này, không phải bây giờ người ta mới ngộ ra mà đã biết từ lâu. Nên mới có chuyện yêu cầu cảnh sát giao thông phải “đứng hiên ngang” đúng vị trí chứ không được tác nghiệp ở góc khuất. Tiếc là, yêu cầu đó đã không được tuân thủ nghiêm. Vì một lẽ, “trăng trường, trắng nước khó làm ăn”. Đứng phơi mình ra đó, người ta sợ, người ta không vi phạm thì biết phạt ai. Không có ai để phạt thì không có ai xin xỏ, đút lót để cho qua. Không có ai để phạt thì không đủ chỉ tiêu được giao. Không đủ chỉ tiêu thì hụt thưởng. Mà hụt thưởng thì…Cho nên, dẫu biết vậy, nhưng ít người muốn làm vậy. Thế nên việc hoàn thành chỉ tiêu xử phạt lỗi vi phạm hấp dẫn hơn nhiều lần so với việc hoàn thành chỉ tiêu  giảm vi phạm, giảm tai nạn giao thông. Cho dù, việc giảm vi phạm, giảm tai nạn giao thông mới là mục đích chính. Mục đích mang tầm quốc gia.
 
Đây rõ ràng là người ta đã “tham bát, bỏ mâm”.
 
Bụt Sơn