(Baonghean) - Tại một số xã như Cam Lâm, Lục Dạ, Môn Sơn huyện Con Cuông hiện đang tồn tại những chiếc cầu tạm qua sông, suối do người dân làm để thu tiền người đi đường. Những cây cầu này tồn tại đã nhiều năm nay, vấn đề đặt ra là những cây cầu tự phát này không đảm bảo an toàn và mức phí đặt ra của những “chủ cầu” đưa ra liệu đã hợp lý?

Bạch Sơn là một trong những bản giao thông khó khăn nhất xã Cam Lâm và cũng là xã khó khăn nhất về giao thông ở Con Cuông. Trước đây, để vào được bản chỉ với 73 hộ dân này phải lội qua con suối Sì Vàng khá sâu. Mùa lụt bản thường bị cô lập nhiều ngày, học sinh buộc phải nghỉ học. Qua suối lại vượt một ngọn núi nữa mới đến bản. Muốn có gạo ăn, dân bản phải đi đường vòng qua bản Yên Hòa, xã Lạng Khê rồi đi đò ngang sang Quốc lộ 7A để xuống chợ. Dẫu quãng đường có xa gấp đôi, nhưng hết muối, hết gạo, nhiều người đành phải chấp nhận trả giá cao để được đi đò vượt sông Lam. 
images964713_c_u_t_m_do_ngu_i_d_n_l_m_d__thu_ti_n_t_i_b_n_nam_son___m_n_son___con_cu_ng__1_.jpgCầu tạm do người dân làm để thu tiền tại bản Nam Sơn (Môn Sơn, Con Cuông).
 
Từ cuối năm 2013, tình trạng đi đường vòng ra chợ mua gạo và việc đến lớp của học sinh bản Bạch Sơn có được cải thiện đôi phần. Có được điều này là nhờ gia đình ông Lang Văn Kim đầu tư làm chiếc cầu tạm. Gọi là cầu nhưng chỉ có vài tấm ván gỗ đặt dọc trên những chiếc trụ bên ngoài là rọ tre trong chất đá hộc. Tìm hiểu được biết, tổng đầu tư cho “công trình” này là 7 triệu đồng. Kinh phí hoàn toàn do gia đình ông Kim bỏ ra. Làm cầu xong, gia đình này cũng dựng luôn 1 lều gác để thu tiền người đi đường. Khách lạ vào bản nếu có xe máy phải đóng 10.000 đồng, có thời điểm lên đến 15.000 đồng mỗi người. 
 
Bí thư chi bộ bản Bạch Sơn ông Vi Thái Ngọc cho biết: Cách đây một vài năm, người dân có huy động vật liệu làm cầu tạm qua suối nhưng đều bị lũ cuốn trôi. Dân bản đâm nản không tiếp tục làm cầu nữa. Sau khi chiếc cầu tạm của gia đình ông Kim đi vào hoạt động, mỗi hộ dân trong góp 100.000 đồng để khỏi phải đóng tiền cầu. Số tiền thu từ dân bản tính theo số hộ dân trong bản đã đủ trả khoản đầu tư của gia đình làm cầu nhưng ông Kim vẫn thu tiền người đi đường. Điều này được giải thích là để “trang trải bảo dưỡng” cầu, gia đình làm cầu sẽ chịu trách nhiệm thay thế ván bị hỏng. Cũng theo ông Ngọc thì chính quyền xã cho phép hộ làm cầu thu tiền người đi đường nhưng không có quy định cụ thể nào về mức thu.
 
Con đường từ bản Yên Thành đi bản Lục Sơn (Lục Dạ) cũng có cây cầu tạm tồn tại khoảng 6, 7 năm nay. Cây cầu được ghép bằng những tấm ván gỗ ngang trên thân cầu được đóng sơ sài. Cầu tạm bợ chỉ rộng hơn 1m, không có lan can bảo vệ, được làm bởi gia đình ông Lương Xuân Thuyền, trú bản Yên Thành. Từ nhiều năm nay, công việc của bà Thuyền (vợ ông Thuyền) hàng ngày là ngồi trên chiếc chòi canh thu tiền người đi đường. Từ ngày đầu làm cầu thu tiền, đã nhiều lần cầu bị nước lũ cuốn. Gia đình bà Thuyền nhiều lần làm lại cầu. Riêng năm 2013 phải làm lại 4 lần. Bên lều gác cầu có treo bảng gỗ niêm yết giá cho những đối tượng với mức thu khác nhau. Người đi xe máy: 5000 đồng/người, giáo viên dạy tại các bản lẻ đi qua đây mỗi người phải đóng 40.000 đồng/tháng. Riêng đối tượng học sinh được đi miễn phí. Dĩ nhiên, đây cũng là giá do người làm cầu tự quy định. 
 
Cây cầu tạm bắc qua sông Giăng nối bản Thái Sơn với bản Nam Sơn, xã Môn Sơn cũng đã tồn tại khá nhiều năm. Hàng năm, sau một đợt lũ lớn tháng 9, tháng 10, cây cầu có trụ bằng rọ tre này lại bị cuốn trôi. Khi lũ rút, hộ ông Hà Văn Luận cùng với một số hộ khác ở bản Nam Sơn chung nhau góp vật liệu làm lại cầu. Đây là cây cầu có lưu lượng người và xe máy qua lại khá lớn. Ngoài bản Nam Sơn thì các bản Thái Hòa, Làng Yên khi ra trung tâm xã cũng phải cái cầu. Xem ra thì đây là một trong số rất ít cây cầu tạm người dân làm để thu tiền có sự quản lý về mức phí của chính quyền xã. Chủ tịch UBND xã Môn Sơn - bà Ngân Thị Hà cho biết, xã chỉ cho phép những  chủ cầu thu khách vãng lai có phương tiên xe máy đi qua cầu không quá 3.000 đồng/người. Giáo viên thu 25.000 đồng/người/tháng. Xã không thu thuế của những chủ hộ này và coi như tạo việc làm cho hộ dân làm cầu. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, những người gác cầu tại bản Nam Sơn đã không tuân thủ quy định của xã. Họ vẫn thu 5.000 đồng mỗi người cho một lượt đi và về. 
 
Điều đáng nói, cầu treo bắc ngang sông Giăng trên tuyến đường vào bản Cò Phạt đã hoàn thành. Cây cầu chỉ cách chiếc cầu tạm bản Nam Sơn chừng nửa cây số. Tuy vậy, người dân bản Nam Sơn và các bản vùng phía bên kia sông Giăng vẫn phải đi cầu tạm. Khi cầu tạm bị cuốn nơi đây sẽ lại tái hình thành một bến đò ngang. Nguyên nhân người dân chưa thể đi trên cầy cầu treo là bởi đoạn đường nối cầu treo với bản Nam Sơn chưa được thông tuyến. Cũng theo Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, bà Ngân Thị Hà thì kinh phí cho việc thông tuyến rất hạn hẹp. Trong các cuộc họp HĐND huyện, UBND xã cũng đề nghị chủ đầu tư thông tuyến đoạn đường từ mố cầu đến bản Nam Sơn trước mùa mưa bão để người dân thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, cả chính quyền xã và người dân cũng chỉ biết chờ đợi nguồn vốn đầu tư từ cấp trên.
 
Chính những khó khăn trong xây dựng công trình giao thông, ngân sách hạn hẹp đã khiến “nghề” làm cầu tạm thu tiền của người dân vẫn còn lý do tồn tại. Và cũng không ai dám chắc rằng những chiếc cầu tạm như thế liệu có an toàn đối với người qua lại? Trong khi họ vẫn phải đóng phí cho người làm ra những cây cầu không có một quy chuẩn nào? Trong khi chờ đợi những cây cầu được xây kiên cố hơn thì những người “lụy”… cầu tạm vẫn phải chịu những mức phí do người làm cầu tự quy định mà không có sự quản lý hay quy định của chính quyền. Đến bao giờ thì tình trạng này chấm dứt?
 
Bài, ảnh: Hữu Vi