(Baonghean) - 6 bản của xã Chi Khê (huyện Con Cuông) gồm: Nam Đình, Liên Đình, Trung Đình, Sơn Khê, Tổng Chai và Bãi Văn mấy năm gần đây người tự đầu tư lắp đặt van và ống dẫn nước từ đường ống dẫn chính của nguồn nước tự chảy để dẫn nước sinh hoạt vào tận nhà. Bà con còn đóng góp mỗi hộ 10.000 đồng/tháng để cử người quản lý công trình từ đầu nguồn về bản...
 
images966433_2mna.jpgĐưa nước về tận hộ ở bản Nam Đình.
 
Đến khu dân cư của 6 bản nói trên, dễ nhận thấy nhà ai cũng có hệ thống dẫn nước sinh hoạt được lắp đặt vào tận vườn nhà. Khác với các địa phương vùng cao khác, hàng ngày người dân phải dùng xô, can, thau chậu đến các bể nước cộng đồng để gánh nước về nhà sinh hoạt, thì ở đây bà con chỉ việc bước xuống cầu thang là có nước. Vì vậy, những cái bể nước sinh hoạt cộng đồng ở 6 bản nói trên, được Nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của Chương trình 134 cách đây 7 năm, nay thỉnh thoảng mới có người đến sinh hoạt, dù còn sử dụng tốt. 
 
Ông Lữ Văn Tâm - Trưởng bản Nam Đình, cho biết: Bản có 117 hộ, được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy năm 2007, với 9 bể nước cộng đồng. Tại mỗi bể nước, được lắp đặt van đóng mở, xây dựng sân, nhà tắm…  Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, do ý thức của một số người dân về bảo vệ công trình kém, dẫn đến một số thiết bị hư hỏng, hơn nữa tại các bể nước, không có hệ thống thoát nước nên nước thải ứ đọng, gây mất vệ sinh chung. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, người dân đi làm về đổ dồn đến các bể chứa nước tắm giặt, rửa ráy… dẫn đến tình trạng tranh giành, chen lấn nhau. Tình trạng đó kéo dài năm này qua năm khác mà không có giải pháp khắc phục.
 
Trong các cuộc họp bản, nhiều ý kiến đưa ra cách này cách khác, vẫn không hiệu quả. Năm 2010, xuất phát từ một ý kiến của người dân, các hộ nên đầu tư lắp đặt hệ thống dẫn nước về tận từng nhà, thì khi đó sẽ khắc phục được các tình trạng nói trên. Cách làm là, mỗi hộ dân đầu tư mua van đóng mở, ống dẫn nước, bể chứa nước… để lắp đặt từ đường ống dẫn nước chính vào nhà. Được cả bản nhất trí, HĐND xã đồng ý, chỉ trong 2 tháng của năm 2011, gần 100% số hộ lắp đặt được hệ thống dẫn nước về tận nhà. Tùy theo thực tế của từng hộ để đầu tư, hộ nào ít nhất đầu tư 300 nghìn đồng, nhà nhiều nhất 1 triệu đồng.
 
Bà Lô Thị Thám, người dân bản Nam Đình, phấn khởi nói: Trước đây, mỗi khi tắm giặt đều phải ra bể nước cộng đồng, dùng xô xách nước về rửa rau, nấu cơm, những lúc trời mưa, người già vất vả lắm. Nay có nước về tận nhà, mình sử dụng thoải mái, tiện lợi hơn. Gia đình mua một cái thùng luôn chứa đầy nước, khi giờ cao điểm, nhà nào cũng sử dụng nước, dẫn đến nguồn nước chảy yếu là mình múc nước trong thùng sử dụng. Không những tắm giặt, gia đình còn dùng nước tưới vườn rau rất thuận lợi.
 
Ông Lô Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê, cho biết: Toàn bộ 6 bản nói trên có 415 hộ, xuất phát từ ý tưởng của người dân. Tháng 8/2010, HĐND xã có nghị quyết phê chuẩn quản lý, sử dụng công trình nước tự chảy về tận hộ. Tháng 8/2011, các bản bắt đầu triển khai lắp đặt, đến nay đã có 403/415 hộ đã lắp đặt được hệ thống dẫn nước về tận hộ. Xã hợp đồng với 2 người dân trong vùng có trách nhiệm quản lý công trình nước luôn đảm bảo thông suốt để bà con có nước sinh hoạt. Số tiền mỗi hộ đóng góp 10.000 đồng/tháng, một phần để trả thù lao hàng tháng cho 2 người này, một phần dành sửa chữa khi công trình nước bị hư hỏng. Tuy nhiên, đối với những hộ là ông bà cao tuổi, đặc biệt khó khăn, thì miễn nộp khoản tiền này. Thấy cách làm hay của 6 bản, bản Chằn Nằn năm ngoái cũng đề xuất với xã xin làm theo. HĐND xã đã đồng ý, hiện bà con trong bản đang triển khai lắp đặt hệ thống dẫn nước về tận hộ để sử dụng hiệu quả từ công trình nước tự chảy. 
 
Cách sử dụng nguồn nước tự chảy như các bản của xã Chi Khê cho thấy là không tốn kém nhiều, hiệu quả lại cao. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy cho đồng bào vùng cao, nên áp dụng cách làm này. Nếu vậy, phần xây dựng các bể chứa nước cộng đồng dành để hỗ trợ cho người dân lắp đặt hệ thống dẫn nước vào tận hộ...
 
Xuân Hoàng