Điểm đến hấp dẫn

Địa bàn huyện Con Cuông là trung tâm của Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát với hệ thống động - thực vật phong phú, cộng đồng dân tộc Thái và Đan Lai vẫn lưu giữ được những nét bản sắc. Hai yếu tố quan trọng này đã giúp địa phương có điều kiện để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Trên thực tế, những năm qua Con Cuông đã xây dựng được thương hiệu du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh, thậm chí thu hút được nhiều du khách nước ngoài.

017580655_16102021.jpgRừng nguyên sinh ở VQP Pù Mát (Con Cuông). Ảnh tư liệu

Nói đến du lịch sinh thái ở Con Cuông, du khách gần xa đều biết đến thác Khe Kèm, khe Nước Mọc, sông Giăng, đập Phà Lài và vùng lõi VQG Pù Mát. Mỗi điểm đến đều chứa đựng những nét đặc biệt và toát lên vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng như dòng sông trong xanh, con thác đổ xuống từ độ cao hàng chục mét, con đập nên thơ hay cây sa mu dầu hơn 1.000 năm tuổi…

Gần đây có thêm rừng tre đẹp, được đánh giá là không thua kém cảnh phim trường của “Thập diện mai phục” ở xã Châu Khê cũng thu hút được nhiều du khách đến thưởng ngoạn. Nói cách khác, về với núi rừng Con Cuông là về với cảnh vật nguyên sơ và tươi đẹp, về đây để có dịp được hòa mình với phong cảnh đại ngàn, gác lại những ưu phiền trong cuộc sống.

Vẻ đẹp non nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát. Ảnh tư liệu: Lê Quang Dũng

Còn với du lịch cộng đồng, những điểm đến như bản Khe Rạn (Bồng Khê), bản Nưa (Yên Khê) và bản Xiềng (Môn Sơn) mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt du khách đến trải nghiệm. Nét đặc sắc về phong tục, tập quán và đời sống văn hóa của đồng bào Thái đã tạo nên sức hấp dẫn đối với những người khách đến từ miền xuôi và các thành phố lớn. Những sản vật như xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt nướng, cá mát, canh ột và rượu men lá đều mang hương vị đặc trưng của núi rừng.

Qua bàn tay chế biến khéo léo của các mẹ, các chị, những sản vật ấy trở thành “món ngon nhớ lâu”, thưởng thức một lần sẽ muốn lần sau có dịp trở lại. Rồi những làn điệu khắp, lăm, nhuôn, xuối mượt mà; tiếng khèn bè và cồng chiêng vang ngân; điệu múa sạp rộn ràng và điệu lăm vông quyến rũ mang đến những trải nghiệm thú vị về mảnh đất, tình người ở “Miền Trà Lân”.

Cây sa mu dầu cổ thụ ở vùng lõi VQG Pù Mát (Con Cuông). Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó là những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được làm ra bởi sự khéo léo và tinh tế của đồng bào vùng cao (sản phẩm dệt thổ cẩm, mây - tre đan) cũng góp phần làm nên nét đặc sắc của bản làng, mang đến những thú vị trên hành trình trải nghiệm. Đặc biệt, ghé thăm HTX Dệt thổ cẩm ở bản Xiềng (Môn Sơn), không ít du khách thực sự hứng thú khi được trải nghiệm quá trình hoàn thiện một sản phẩm. Từ khâu bật bông, xe sợi, nhuộm chỉ đến dệt vải, thêu hoa văn, mỗi công đoạn là một sự bất ngờ, mang lại bao điều thú vị ở “cuộc sống quanh ta”.

Niềm hy vọng từ một dự án

Từ tháng 4/2021 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các hoạt động du lịch ở Nghệ An nói chung và huyện Con Cuông nói riêng phải tạm dừng hoạt động. Hiện tại, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, các hoạt động du lịch sắp sửa được khôi phục và mở cửa trở lại, các cơ sở và hộ gia đình kinh doanh du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng.

Điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông) hấp dẫn du khách bằng nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Ảnh: Sách Nguyễn

Đồng thời, Con Cuông đang nhận được sự tiếp sức từ Dự án Phát triển Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm VQG Pù Mát do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SPG) tài trợ. Dự án được triển khai tại xã Môn Sơn (Con Cuông) và Tam Đình (Tương Dương) nhằm hướng tới mục tiêu trước mắt là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững với phát triển du lịch sinh thái.

Tại huyện Con Cuông, Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình Phát triển du lịch sinh thái, làng nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững được xây dựng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn. Người dân nơi đây được tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch phục vụ du khách cho cộng đồng và tập huấn về bảo vệ, khoanh nuôi, rừng và bảo tồn, phát triển cây nhuộm màu tự nhiên.

Phụ nữ dân tộc Thái bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) thực hiện công đoạn bật bông làm nguyên liệu dệt thổ cẩm. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Sau khi cán, bông được vò thành từng nắm nhỏ rồi dùng dụng cụ để kéo thành sợi dài. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Lớp tập huấn đã giúp các học viên và chính quyền địa phương hiểu biết và nắm bắt thêm các nghiệp vụ trong hoạt động kinh doanh, phục vụ du khách khi đến tham gia các hoạt động cộng đồng tại các thôn, bản. Bà con được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, quá trình tổ chức đón tiếp và phục vụ du khách.

Chị Hà Thị Hằng, người dân bản Xiềng cho biết: “Tham gia các lớp tập huấn do Dự án tổ chức, tôi thực sự hiểu thêm nhiều vấn đề bổ ích xung quanh mô hình du lịch cộng đồng. Khi hoạt động du lịch được khôi phục, chắc chắn bản Xiềng sẽ đón tiếp và phục vụ du khách tốt hơn”.

Để tấm vải có màu sắc, trước khi dệt, bà con vào rừng tìm một số loài cây về nấu cho đến khi nước có màu sắc rồi nhúng cuộn sợi vào nước khoảng 30 phút, sau đó đem phơi khô. Mỗi loại cây có một màu sắc, để có nhiều màu, chị em thường dùng nhiều loại cây khác nhau hoặc pha chế để phối màu màu theo kinh nghiệm dân gian. Ảnh tư liệu: Công Kiên
Sợi được ngâm màu và phơi khô, đảm bảo độ săn, dai, bền và chắc sẽ được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải theo ý muốn của người dệt. Công đoạn dệt cũng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, nhịp nhàng của đôi chân và tinh tế của đôi mắt để làm nên những sản phẩm có đường nét nhuần nhuyễn, màu sắc hài hòa, hoa văn tinh xảo. Ảnh tư liệu: Công Kiên

Đồng thời, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh cho các gia đình làm điểm homestay, nâng cấp nhà trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm thổ cẩm của làng thổ cẩm bản Xiềng. Đặc biệt, Dự án đã hỗ trợ xây dựng mô hình Bảo tồn phát triển cây nhuộm màu tự nhiên trong rừng, trồng dâu nuôi tằm cho HTX Dệt thổ cẩm ở bản Xiềng.

Trong đó, mô hình trồng dâu nuôi tằm có 10 hộ tham gia với diện tích mỗi hộ 300m2; mô hình khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên, bảo tồn phát triển và trồng bổ sung cây cho màu dệt thổ cẩm với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng (11 hộ tham gia/diện tích 24 ha). Hiện nay, mô hình cơ bản đã sẵn sàng đưa vào phục vụ du khách khi hoạt động du lịch được phục hồi và mở cửa trở lại.

Du khách trải nghiệm các công đoạn dệt thổ cẩm tại bản Xiềng (Môn Sơn – Con Cuông). Ảnh: Công Kiên

“Những năm gần đây, huyện Con Cuông đã khai thác được thế mạnh để phát triển du lịch. Hy vọng với sự tiếp sức của Dự án Phát triển Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm VQG Pù Mát, bà con nơi đây sẽ tiếp tục phát huy được thành quả, từng bước nâng cao nguồn thu nhập và bảo vệ, phát triển rừng bền vững”.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An