(Baonghean) - Con người ngày càng có xu hướng tìm về với thiên nhiên như tìm về với cội rễ, cho nên đã lựa chọn loại hình du lịch sinh thái để thưởng ngoạn.
Trên địa bàn Nghệ An, đặc biệt là các huyện miền núi, nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn: Lòng hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong), lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), thác Khe Kèm (Con Cuông), thác Sao Va, thác Bảy tầng (Quế Phong), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, rừng Săng lẻ...
Mặc dù, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhưng sự phát triển du lịch sinh thái ở Nghệ An hầu như mới ở giai đoạn khởi đầu, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như: Quy mô và hình thức hoạt động du lịch sinh thái còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa rõ nên ít có khả năng thu hút khách.
Huyện Quế Phong giáp với nước bạn Lào, nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tự nhiên, khá hấp dẫn: Thác Sao Va, thác Bảy tầng, hang Mẹ Mòn, lòng hồ thủy điện Hủa Na, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt... kết hợp với du lịch nhân văn, đó là bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, làng Thái cổ...
Trong một chuyến trải nghiệm trên lòng hồ thủy điện Hủa Na, chúng tôi được thưởng ngoạn cảnh đẹp kỳ vĩ của sông núi, sự hùng vĩ của hồ nước nhân tạo rộng tới hàng nghìn ha mặt nước. Trên lòng hồ đã xuất hiện một số mô hình nuôi cá lồng, vịt trời, hình ảnh khai thác đánh bắt cá tự nhiên của ngư dân...
Tuy nhiên, lòng hồ Hủa Na thực sự chưa thu hút được khách du lịch, bởi lẽ: Chưa có thuyền vận chuyển khách du lịch; trong lòng hồ chưa có điểm dừng chân cho khách nghỉ ngơi, ăn uống; các dịch vụ ăn theo chưa có...
Ông Lô Văn Tiến - Giám đốc HTX nông, lâm, ngư nghiệp Đồng Tiến (xã Đồng Văn) cũng là người lái thuyền đưa chúng tôi đi, nói rằng: “Trên lòng hồ hiện chưa có đội thuyền dịch vụ đưa, đón khách du lịch, do vậy khi có khách muốn tham quan lòng hồ, phải hợp đồng với các chủ thuyền công suất lớn, chuyên vận chuyển tre, lùng trong lòng hồ, rất bất tiện, bởi chủ thuyền ít hiểu biết về địa danh và nhiều hạn chế khác, khiến du khách không được hài lòng”. Trong khi đó, chúng tôi được biết, ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, dịch vụ đưa đón khách du lịch bằng thuyền đã đáp ứng nhu cầu, trong lòng hồ cũng đã xuất hiện một số trang trại chăn nuôi, phục vụ ăn, nghỉ cho khách qua đêm.
Du lịch sinh thái gắn với phát triển kinh tế tổng thể
Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Xác định tiềm năng sẵn có và những tồn tại hạn chế của con người về phát triển du lịch sinh thái, huyện đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016 - 2020”.
Đề án nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Pù Hoạt, nơi có nhiều cánh rừng nguyên sinh, gỗ quý hiếm, phong phú động vật hoang dã. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên du lịch, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc và di tích danh thắng... Mở rộng nâng cấp hệ thống nhà nghỉ, trong đó một số khách sạn nâng lên hạng sao.
Để đạt được mục tiêu đó, huyện Quế Phong xác định rõ từng sản phẩm du lịch trên địa bàn, trong đó thác Xao Va và lòng hồ thủy điện Hủa Na là du lịch sinh thái. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực để khai thác tiềm năng sẵn có, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương.
Có chính sách hỗ trợ người dân và các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương; khuyến khích tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm du lịch; đầu tư xây dựng các điểm, loại hình du lịch theo quy hoạch.
Đặc biệt đối với các điểm du lịch sinh thái, huyện đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông vào đến nơi thuận lợi. Trên cơ sở của vẻ đẹp sẵn có của thác Sao Va, tập trung cải tạo mặt bằng, tạo không gian rộng, thoáng mát, trồng thêm cây xanh và xây dựng một số công trình phụ, ki-ốt bán hàng giải khát... phục vụ khách du lịch.
Tận dụng lòng hồ thủy điện Hủa Na huy động các tổ chức, cá nhân đầu tư thuyền, bè để phục vụ vận chuyển khách khi có nhu cầu tham quan, vãn cảnh trên lòng hồ. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi cá lồng, trang trại trong lòng hồ, tạo điểm dừng chân thú vị cho du khách.
Với tiềm năng to lớn về tự nhiên, cùng với nhu cầu thực tế của cuộc sống, phát triển du lịch sinh thái là tất yếu và chắc chắn ngày càng được mở rộng tại nhiều địa phương. Biết rằng, để phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững là một bài toán khó, nhưng không phải thiếu cách “giải”, nếu có sự vào cuộc của người kinh doanh, cộng đồng địa phương và cả cơ quan quản lý ở các cấp đều được nêu cao.
Xuân Hoàng