(Baonghean.vn) Cũng như nhiều huyện miền núi vùng cao khác, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề giao thông ở huyện Con Cuông trong những năm qua đang được sự quan tâm và đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện,tập trung nguồn lực cho phát triển giao thông trên địa bàn . Tuy còn nhiều khó khăn nhưng giao thông miền núi Con Cuông đã có những cải thiện đáng kể.
Ngoại trừ Thị trấn Con Cuông đa phần đã được bê tông hóa đường liên khối và có hệ thống cống thoát nước khá hoàn thiện, thì giao thông tại các xã khác còn gặp nhiều khó khăn, nhất là 9 xã nghèo là: Bình Chuẩn, Cam Lâm, Châu Khê, Đôn Phục, Lạng Khê, Lục Dạ, Mậu Đức, Môn Sơn, Thạch Ngàn thì hầu như các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn còn là đường đất hoặc đang trong qúa trình thi công, nên vào mùa mưa đường lầy lội, bị lún, sạt lở nghiêm trọng dẫn đến giao thông trì trệ, khó khăn cho người tham gia giao thông.
Trong 5 năm trở lại đây, Con Cuông tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Trong đó điện, đường, trường, trạm và các công trình phục vụ đời sống dân sinh, kinh tế được ưu tiên hàng đầu. Một năm hai đợt huyện Con Cuông mở chiến dịch giao thông: Chiến dịch giao thông đầu năm và chiến dịch giao thông thuỷ lợi nhân ngày 16/10 (Ngày Toàn dân ra quân làm giao thông.
Làm đường giao thông ở Con Cuông
Ba năm lại đây, Con Cuông đã có 19 công trình giao thông nông thôn tổng giá trị là 40.745 triệu đồng. Trong đó, huy động dân đóng góp 8.572 triệu đồng, chiếm 21,038% tổng giá trị công trình, ngoài ra chưa kể hàng trăm ngàn ngày công lao động làm đường liên thôn, bản, làm giao thông nội vùng và làm thuỷ lợi.
Có thể kể ra đây những con đường mang đậm dấu ấn việc huy động sức dân, khẳng định nội lực của huyện nghèo vùng cao biên giới như: Đường từ Bồng Khê đi xã Môn Sơn dài gần 20 km; đường từ Thị trấn Con Cuông đi Khu du lịch Thác Kèm dài hơn 20 km; đường từ thôn Liên Tân đi Lam Trà (Bồng Khê) nối với khối 7 Thị trấn đã được nhựa hoá; đường từ Khe Rạn (xã Bồng Khê) đi Lam Khê (xã Chi Khê) dài gần 10km; đường từ xã Mậu Đức đi Thạch Ngàn dài gần 15 km.
Hiện nay, trọng tâm của việc phát triển giao thông miền núi Con Cuông chính là xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xã, từ trung tâm các xã đi các thôn, bản ở xa và xây dựng các tuyến đường giao thông đô thị. Huyện đã hoàn thành một số tuyến đường như: đường giao thông liên bản Thanh Bình - Tổng Xan (xã Thạch Ngàn) với chiều dài 1km vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng; đường Trung tâm xã Yên Khê nối đường Thị trấn đi Thác Kèm, tổng mức đầu tư 3.850 triệu đồng, vay vốn ưu đãi từ ngân sách 2 tỷ và hoàn thành việc cắm mốc chỉ giới giao thông.
Có một số tuyến đường đang xây dựng như: Đường giao thông từ Trung tâm xã Thạch Ngàn đến Khu tái định cư số 3 (Pá Hạ) dài 18 km với tổng mức đầu tư đã duyệt là 38.181 triệu đồng, đã hoàn thành 12 km; đường Bồng Khê đi Bình Chuẩn có chiều dài 28 km với tổng mức đầu tư 128.836 triệu đồng đã xây dựng đươc 7 km, đường giao thông từ Trung tâm xã Môn Sơn đi bản Cò Phạt xã Môn Sơn dài 20 km với tổng mức đầu tư đã duyệt là 241.000 triệu đồng, đến nay đã hoàn thành 10 km; đường giao thông bản Châu Sơn xã Châu Khê dài 2 km, đã hoàn thành 1 km. 4 tuyến đường đang bắt đầu khởi công và giải phóng mặt bằng nằm trong công tác xây dựng đô thị đợt đầu của huyện là: đường đô thị Con Cuông từ Quốc lộ (QL) 7A vào khu công nghiệp nhỏ, đường giao thông từ QL 7A vào Bệnh viện vùng Tây Nam Nghệ An, đường đô thị Con Cuông từ QL 7A vào khu công nghiệp nhỏ, đường từ QL 7A vào sân vận động. 4 công trình này có tổng mức đầu tư là 203,7 tỷ, đã bố trí 31,8 tỷ, còn thiếu 171,7 tỷ.
Những năm về trước, để qua lại giữa hai bờ sông Lam người dân chỉ có cách đi bằng đò, thuyền, bè nên mỗi mùa mưa lũ người dân lại phải đối mặt với nguy cơ tai nạn đường thủy. Nhưng hiện nay, ngoài cầu treo Thanh Nam (xã Bồng Khê), Con Cuông đã xây dựng thêm một số cầu treo nhỏ khác như: cầu Chôm Lôm (Lạng Khê), cầu Khe Rạn (Bồng Khê), cầu Lam Khê (Chi Khê) cầu bãi gạo Châu Khê, Tuy nhiên, một số tuyến đường giao thông liên xã, nội vùng chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hạn hẹp và sự đóng góp của người dân, qua nhiều năm sử dụng không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên đã xuống cấp, đi lại rất khó khăn trong mùa mưa lũ. Trong thời gian tới, khi triển khai dự án nâng cấp cải tạo một số tuyến đường ở miền núi, các ngành chức năng cần tính đến việc nâng cao hệ thống cầu, tràn và một số điểm thường xuyên bị ngập lụt,sạt lở để các phương tiện có thể triển khai nhiệm vụ ứng cứu trong mùa mưa lũ.