(Baonghean.vn) Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, các đoàn nghệ thuật quần chúng (NTQC) của các huyện khu vực miền núi có dịp hội ngộ tại Qùy Hợp để tham gia Hội diễn văn nghệ - Giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ hai.
Thời gian của Hội diễn và giao lưu chưa đầy 3 ngày nhưng đã để lại bao dư âm trong lòng khán giả và hơn 300 diễn viên, nghệ nhân đến từ 10 huyện, thị khu vực miền Tây. Có thể nói, đây là những ngày hội tụ thanh sắc của núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Bởi dịp này, những làn điệu dân ca, dân vũ và nhạc cụ của đồng bào các dân tộc được vang lên rộn ràng giữa đất trời Quỳ Hợp. Đó là các làn điệu dân ca khắp, lăm, nhuôn, điệu múa xòe, khắc luống và các loại nhạc cụ như: cồng chiêng, khèn bè, sáo, pí của dân tộc Thái. Là làn điệu tơm, mừng nhà mới và tiếng pí tơm, đao đao của dân tộc Khơ mú. Là khúc cự xia, lù tẩu, điệu xòe, múa khèn và tiếng khèn môi của dân tộc Mông. Là khúc hát Đu đu điềng điềng, Tập tính tập tang cùng tiếng khèn sâu ma, cồng chiêng của dân tộc Thổ... Và đây cũng chính là cơ hội để các huyện miền Tây xứ Nghệ có dịp quảng bá hình ảnh quê hương, con người cũng như những thành quả đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tiết mục "Mừng lúa mới" của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Tương Dương.
Thành công lớn nhất của hội diễn là quy tụ được những tiết mục văn nghệ khá đặc sắc, mang đậm giá trị bản sắc của từng dân tộc và từng địa phương. Có thể kể ra những tiết mục tiêu biểu như: "Hội cầu mùa" (Thị xã Thái Hòa), "Hát giữa rừng mơ" (Tân Kỳ), hát tơm "Hạnh phúc gia đình" (Kỳ Sơn), "Mừng nhà mới" (Qùy Châu), "Mừng lúa mới" (Con Cuông), "Hát ru" (Anh Sơn), "Đu đu điềng điềng" và "Tập tính tập tang" (Qùy Hợp), "Mùa xuân trên bản Huồi Cọ" (Tương Dương) và "Xây đắp bản làng" (Thanh Chương)... Đây là những tiết mục được đầu tư khá công phu, bài bản và thể hiện đậm nét bản sắc. Đồng thời, đây là những tiết mục minh chứng sinh động cho sự tồn tại bền vững giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Có những nét đẹp văn hóa tưởng chừng như bị lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những hoạt động và sản phẩm của cuộc sống xô bồ, nhưng vẫn được bà con lưu giữ và khơi dậy sức sống trong điều kiện mới.
Một thành công nữa là hội diễn đã quy tụ được một lực lượng diễn viên quần chúng khá đông đảo và thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau... Chúng tôi khá ấn tượng khi được tiếp xúc Đoàn NTQC huyện Kỳ Sơn.Bởi vì hầu hết các diễn viên của đoàn đều là những người lao động chân chất, mộc mạc,thể hiện ở đôi bàn tay và bàn chân thô ráp. Nhưng khi bước lên sân khấu, họ lại hết sức tự tin và biểu diễn các tiết mục một cách nhuần nhuyễn. Nòng cốt của đoàn là Đội văn nghệ bản Na (xã Hữu Lập), và họ luôn tự hào là "diễn viên quần chúng 100%". Khán giả rất đỗi khâm phục những diễn viên tuổi đã cao nhưng nhiệt huyết và niềm say mê vẫn không hề vơi cạn.
Đã trên 70 tuổi, nhưng bà Lô Thị Hương (Anh Sơn) vẫn giữ được chất giọng khỏe khoắn của 3 năm trước (ở hội diễn lần thứ nhất tại Con Cuông) khi thể hiện làn điệu khắp. Còn ông Vang Văn Phùng (Tương Dương) vẫn luôn miệt mài dàn dựng các tiết mục đặc sắc cho Đội văn nghệ bản Phòng, nòng cốt của Đoàn NTQC huyện. Ông Lương Văn Nghiệp (Con Cuông) vẫn say sưa dàn dựng cho đoàn 2 tiết mục quan trọng là bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc và hát múa "Mừng lúa mới". Bên cạnh những diễn viên và nghệ nhân lớn tuổi, hội diễn lần này cũng xuất hiện những diễn viên "nhí" đến từ các đoàn NTQC huyện Quỳ Hợp, Tương Dương. Đặc biệt, sự xuất hiện của em Ngân Thị Lệ (Quỳ Hợp) với tiết mục biểu diễn làn điệu dân ca Thái đã khiến đông đảo khán giả và diễn viên của các đoàn hết sức mến phục. Cùng với đó là tiết mục "Mùa xuân trên bản Huồi Cọ" do gia đình anh Và Bá Đùa đến từ huyện Tương Dương biểu diễn cũng đem đến những giây phút thú vị cho người xem.
Hội diễn cũng là nơi để các diễn viên đến từ các địa phương có dịp để giao lưu tâm tình, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, từ đó thắt chặt thêm mối đoàn kết, thân ái giữa các địa phương và các dân tộc. Trao đổi với chúng tôi, anh Moong Thái Nhi, Trưởng đoàn NTQC huyện Kỳ Sơn khẳng định: "Hội diễn chính là một dịp để khơi dậy công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, cũng là dịp để giao lưu, học hỏi các đơn vị bạn. Nhưng tôi nghĩ rằng công tác bảo tồn cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục mới có thể đạt được kết quả như mong muốn".