(Baonghean) - “Một con gà mà bị đè ra thu đến 14 loại phí, trời đất ơi!” - đó là lời than của người đứng đầu Quốc hội nước ta khi được xác nhận rằng, thông tin mà đại biểu chất vấn ông “tư lệnh” ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc một con gà phải “gánh” tới mười mấy loại phí tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi là chính xác. Đó cũng là tiếng than của dân và của cả nền kinh tế nước nhà!
 
Nói vậy là vì, người chăn nuôi cả nước đang lao đao vì giá thành sản phẩm làm ra tại chỗ cao hơn cả hàng nhập khẩu từ bên ngoài về. Đơn cử như trên thị trường hiện nay, giá đùi gà của Mỹ đưa về Việt Nam chỉ có hơn 20 nghìn đồng/kg. Rẻ như rau. Dĩ nhiên là rẻ hơn gà dân nuôi rất nhiều. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu 2015, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu gần 70 nghìn tấn thịt gà các loại (gà nguyên con, đùi gà, cánh già, thịt gà khác), tổng giá trị lên tới 63,7 triệu USD. Giá trung bình đùi gà Mỹ nhập khẩu trước thuế là 0,91 USD/kg, tương đương 19.600 đồng/kg. 
 
Cứ cho là công nghệ nuôi gà của người Mỹ tiên tiến hơn ta, thức ăn chăn nuôi của họ cũng rẻ hơn bên ta, nên giá thành hạ xuống nhiều. Nhưng phải vận chuyển nửa vòng trái đất cộng với tiền thuế, phí các loại nữa, chắc cũng không thể rẻ đến mức như vậy. Thế có nghĩa là, gà của họ chưa chắc đã rẻ mà có thể là do giá gà của ta quá cao. Mà cao là phải thôi. Đã có lần, người ta thống kê được một quả trứng từ ổ gà lên đến bàn ăn gánh chịu  năm, sáu loại phí. Và một con gà từ khi chui ra khỏi vỏ đến khi nhúng nước vặt lông phải gánh tới 14 loại phí cơ mà. Phí cao, phí nhiều, phí dày đặc như thế thì giá thành sản phẩm không cao mới là lạ. Mà giá thành quá cao, cao hơn cả hàng nhập khẩu thì còn đâu sức cạnh tranh. Và hệ quả tất yếu là sức cạnh tranh của cả nền kinh tế vì thế mà yếu đi. Thế mới biết, gánh nặng thuế, phí không chỉ làm hao mòn sức dân, mà còn làm hao mòn sức mạnh của cả nền kinh tế.
 
Điều đáng lo ngại hơn cả là tình trạng đó khó có thể cải thiện trong một sớm một chiều. Nhìn vào các con số do chính người đứng đầu Bộ Tài chính cung cấp thì thấy ngay điều đó. Cho dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tích cực rà soát để bỏ nhiều loại, song hiện vẫn còn  937 khoản phí và 90 lệ phí trong riêng lĩnh vực nông nghiệp. Hơn 1.000 loại phí, lệ phí đè lên các sản phẩm, các hoạt động từ sản xuất, kinh doanh cho đến dịch vụ ăn uống, đi lại, chăm sóc sức khỏe…  thì có cố đến mấy cũng khó mà phát triển nhanh, mạnh và bền vững được. Từ đó có thể thấy, thuế, phí đang là một gánh nặng đè nặng lên cuộc sống của tất cả mọi người và của cả nền kinh tế. Gánh nặng này có thể sẽ còn nặng hơn nữa nếu ngân sách tiếp tục bội chi như hiện nay và phải dùng thuế, phí để bù đắp. 
 
Thế nên, cần phải tìm cách hạn chế, giảm thiểu các loại thuế, phí về mức hợp lý để vừa khoan sức dân vừa tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.  Đó chính là cởi ách để cho nền kinh tế nước nhà phát triển.
 
Duy Hương