(Baonghean) - Vật liệu xây dựng (VLXD) không nung và VLXD xanh là sự lựa chọn tất yếu đối với sự phát triển của ngành Xây dựng trong tương lai. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất VLXD đang rất "quan tâm" đến hướng phát triển mới này. Nghệ An là điểm đến của các nhà đầu tư bởi lợi thế về tài nguyên rất phong phú.
VLXD xanh cho những công trình xanh
Tiến sỹ Hà Lê - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng và hiện là Chủ tịch Hội VLXD Nghệ An, là người tâm huyết với đề tài nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng VLXD xanh. Ông đã "khâu nối" với các bộ, ngành ở Trung ương và các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất VLXD xanh, không nung trong cả nước vừa tổ chức tại Hội thảo khoa học VLXD xanh cho những công trình xanh thu hút rất nhiều nhà khoa học đầu ngành về VLXD tham gia. Nỗ lực này không chỉ giúp cho các cấp, ngành và người dân ở Nghệ An có dịp tiếp cận với tiến bộ KH - KT mới trong sản xuất VLXD xanh, mà còn là " đòn bẩy" để thu hút các nhà đầu tư sản xuất VLXD công nghệ mới nhằm khai thác tài nguyên phong phú tại Nghệ An.
Nghệ An là điểm khá lý tưởng cho việc đầu tư phát triển ngành VLXD xanh, vì có nguồn vật liệu tự nhiên là đất đá Bazan và chất kết dính truyền thống là vôi Bazan rất phong phú. Bên cạnh đó là nguồn Silicat tự nhiên cũng như hữu cơ tự nhiên như phế thải nông nghiệp, công nghiệp... khá dồi dào. Sau một thời gian nghiên cứu, trên cơ sở là chất kết dính vôi - Puzolan ( trong đó Puzolan gồm đất và đá vùng Phủ Quỳ) cùng với một số khoáng vật tự nhiên như: sét trắng vùng Hưng Tây, Đại Sơn, đất Laterit vùng Nam Đàn, cao Silic vùng Nam Lộc, cát biển Thạch Hà và sản phẩm trấu, nước thải muối, nước thải nhà máy giấy..., tỉnh ta đã sản xuất thành công sản phẩm VLXD xanh ( không dùng xi măng Poortland, không dùng các hợp chất hóa học, lượng vôi dùng không quá 15%). Hiện nay cơ bản công nghệ sản xuất chất kết dính hỗn hợp Silicat - Polime vô cơ đã hoàn tất. Với thành công này, có thể khẳng định một hướng đi mới để đẩy nhanh các dự án đầu tư sản xuất các loại VLXD xanh tại Nghệ An.
"Trăm nghe không bằng một thấy", Hội VLXD Nghệ An quyết định đầu tư xây dựng 2 ngôi nhà ở cao tầng ở 2 vùng miền khác nhau (tại Thị xã Thái Hòa và Thị xã Cửa Lò) để kiểm chứng tính chịu tác động của môi trường, gió, bão... Sản xuất VLXD xanh thân thiện với môi trường, giảm thiểu tiêu hao điện năng, tiêu tốn ít tài nguyên, sử dụng các loại vật liệu tái chế... đang là xu hướng chung cho nhu cầu xây dựng trong nay mai. Không để "thua trên sân nhà" trong năm 2012, trên mảnh đất tiềm năng Nghĩa Đàn sẽ ra đời một nhà máy liên hiệp sản xuất VLXD xanh. Dự kiến cũng sẽ xây dựng làng tái định cư xanh tại Nghĩa Đàn và như vậy, VLXD xanh cho những ngôi nhà xanh đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành sản xuất VLXD ở tỉnh ta.
Tiến sỹ Hà Lê cho hay: Việc cần thiết định hướng cho nền công nghệ VLXD xanh vì một nền kiến trúc và công trình xanh phù hợp với điều kiện của Việt Nam và của Nghệ An càng khẩn thiết hơn bao giờ hết, để nhanh chóng hạn chế các lò gạch thủ công, các loại hình khai thác tài nguyên bừa bãi, các vi phạm về chất thải...
Gạch không nung do Công ty CP Xi măng & VLXD Cầu Đước sản xuất.
Hướng đi mới cho doanh nghiệp
Xu hướng sản xuất sản phẩm VLXD xanh và sạch, bảo vệ sức khỏe con người là mục tiêu hướng tới của ngành Xây dựng. Công ty CP kiến trúc và xây dựng Hoàn Thành rất năng động khi phối hợp Hội VLXD Nghệ An thực hiện nghiên cứu tận dụng nguồn vật liệu xanh từ đất Bazan để sản xuất gạch xây dựng, ngói, gạch lát đường và đang thí nghiệm, ứng dụng công nghệ xanh này vào sản phẩm tấm sàn, tấm tường. Tiến sỹ Lê Văn Thắng - Chủ trì đề tài cho hay: Mặc dù đặc thù chịu lực của tấm và gạch là khác nhau, nhưng có thể giải quyết được bằng cách áp dụng nhiều giải pháp tiếp cận như giải pháp phân cấp giới hạn phạm vi sử dụng, xác định kích thước tối ưu của tấm, kết hợp cùng với giải pháp tăng hơn nữa cường độ của vật liệu, gia tăng khả năng chịu kéo, kết cấu... Các sản phẩm xanh này sẽ được thử nghiệm và tiếp tục hoàn thiện với chất lượng tốt nhất trước khi đưa ra thị trường.
Công ty CP Him Lam Pha Din mới đây đã phối hợp với Hội VLXD Nghệ An lựa chọn một số cấp phối và chủng loại phụ gia tại địa phương để tạo ra một số cấp phối cho bê tông tự nhiên và pha chế ở dạng vữa khô để tiện lợi cho người sử dụng. Sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khắt khe tại những công trình lớn. Thành công này giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, chất lượng công trình đảm bảo và ý nghĩa hơn đó là góp phần khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu xanh rất phong phú ngay tại địa phương.
Tập đoàn Công nghiệp Xi măng Việt Nam cũng rất "mặn mà" với dự án đầu tư lớn vào Hoàng Mai là dây chuyền sản xuất gạch không nung khai thác nguồn nguyên liệu tại địa phương. Công ty CP xây dựng ASEM, Công ty CP gạch ngói và xây lắp Hưng Nguyên... cũng đang vào cuộc tích cực tìm hiểu, tiếp cận với công nghệ sản xuất VLXD xanh.
Nghệ An và nhất là TP Vinh, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và như vậy, nhu cầu sử dụng VLXD cũng tăng theo. Đáp ứng cho nhu cầu đó, thì việc phát triển ngành sản xuất VLXD xanh là cách lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên để những loại sản phẩm mới này từng bước thay thế các sản phẩm VLXD truyền thống, cần có cơ chế chính sách hợp lý thu hút nhà đầu tư, tăng cường công tác tuyên truyền để thấy rõ lợi ích thiết thực của sản phẩm.
Nghệ An là vùng có nhiều đất đá Bazan với trữ lượng của toàn vùng lên đến 250 m3. Đất đá Bazan tập trung tại vùng Tây Bắc, như: Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa, Quỳ Hợp... Việc tận dụng được nguồn nguyên liệu từ đất đá Bazan tại địa phương làm VLXD là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm. |