Chuyến thăm “phi thường”
Trước khi chia tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Donald Trump đã gửi lời cảm ơn sự đón tiếp thịnh tình của nước chủ nhà - sự đón tiếp đã khiến cho chuyến thăm của ông trở nên rất đặc biệt - một chuyến thăm “phi thường” và “không thể nào quên”. Chắc chắn ông Donald Trump sẽ không thể quên đám đông hơn 100.000 người háo hức chờ đợi sự xuất hiện tại sân vận động cricket lớn nhất thế giới - cảnh tượng mà có lẽ ngay cả những cuộc vận động tranh cử quy mô nhất của ông tại nước Mỹ cũng không thể đạt tới.
Nhưng sự đón tiếp quá ấn tượng dành cho ông Donald Trump vẫn không thể phân tán sự chú ý của dư luận vào kết quả chuyến thăm cấp nhà nước hiếm hoi của một Tổng thống Mỹ tới Ấn Độ. Nhiều người còn so sánh những gì mà ông Donald Trump đạt được trong chuyến đi này quá khiêm tốn, đối lập với sự nhào nhoáng thể hiện trên truyền thông. Sau cuộc hội đàm tại dinh thự của ông Narendra Modi, hai nhà lãnh đạo có thể công bố là Ấn Độ đồng ý mua thiết bị quân sự của Mỹ, bao gồm cả máy bay trực thăng tấn công trị giá 3 tỷ USD, đồng thời 2 nước nhất trí tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực khác như chống khủng bố và đảm bảo an ninh cho mạng 5G trong tương lai.
Về thương mại, 2 nhà lãnh đạo đã không thể đạt được một thỏa thuận nào sau các cuộc hội đàm tại dinh thự của Thủ tướng Narendra Modi. Điểm sáng nhỏ duy nhất là lời hứa hẹn của ông Donald Trump về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại vào cuối năm, một lời hứa cho thấy các nhà đàm phán hai bên sẽ tiếp tục hiện thực hóa ý chí chính trị của 2 nhà lãnh đạo về hợp tác thương mại. Chính vì thế, không ít người còn hài hước ví von sự “phi thường” trong chuyến thăm của ông Donald Trump tới Ấn Độ là việc ông đã “lãng phí một chuyến thăm cấp nhà nước” khi ông rất cần một thành tựu đáng kể để ghi điểm với cử tri trong giai đoạn chạy đua tranh cử nước rút.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, ngoài thỏa thuận thương mại, Mỹ và Ấn Độ vẫn còn nhiều “món quà” khác có thể trao cho nhau: đó là tầm nhìn chung về an ninh khu vực, đó là mong muốn về một khu vực Nam Á ổn định và thịnh vượng, là quan điểm tương đồng về vai trò của Pakistan trong cuộc chiến tại Afganistan, là sự thận trọng trước viễn cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ trong khu vực…
Điều ông Donald Trump đã tạo lập được sau chuyến thăm tới Ấn Độ là định hình “mới và chưa từng có” trong quan hệ Mỹ - Ấn từ trước tới nay, đó không phải chỉ là mối quan hệ đồng minh theo kiểu cũ, không chỉ là mối quan hệ bạn bè kiểu thân tình giữa 2 nhà lãnh đạo, mà đó là đối tác chiến lược dựa trên sự hội tụ chiến lược về lợi ích.
Sứ mệnh “chuyển xanh thành đỏ”
Không thể phủ nhận đã có nhiều kỳ vọng được gửi gắm vào chuyến thăm của ông Donald Trump tới Ấn Độ, đặc biệt là những đột phá về mặt thương mại. Chính vì vậy, nhiều người nhấn mạnh vào chi tiết hai bên đã không đạt được tiến triển trong các cam kết về thương mại để đưa ra những nhận định bi quan về chuyến thăm này. Nhưng với cá nhân ông Donald Trump, có lẽ ngay từ đầu, ông đã không “đặt cược” thành công của chuyến thăm Ấn Độ vào vấn đề thương mại.
Cả thế giới đã biết đến chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump với một yếu tố quan trọng là thương mại công bằng. Trong khi đó, ông Narendra Modi cũng nổi tiếng là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy với chương trình đầy tham vọng “Make in India” nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm của Ấn Độ ra nước ngoài. Ngay trong chuyến thăm, ông Donald Trump cũng không ngại đưa ra nhận định rằng Thủ tướng Narendra Modi là một nhà đàm phán đầy khó khăn. Chắc chắn ông Donald Trump hiểu được những thách thức trong một cuộc đàm phán mà hai bên cùng duy trì lập trường cứng rắn và sẽ không đặt mình vào tình thế phải nhanh chóng đạt thỏa thuận bằng mọi giá.
Theo giới phân tích, chuyến thăm tới Ấn Độ của ông Donald Trump mang hình bóng của một cuộc vận động tranh cử tại một bang mà ông muốn chinh phục trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, một bang mà ông muốn chuyển từ “màu xanh” - thể hiện đảng Dân chủ chiến thắng, sang “màu đỏ” - màu dành cho sự chiến thắng của đảng Cộng hòa. Nhiều người vẫn nói, chuyến thăm của ông Donald Trump có ý nghĩa rất lớn với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - người đang đối diện với nhiều chỉ trích cả trong và ngoài nước về tỷ lệ thất nghiệp cao, vấn đề Kashmir và đạo luật gây tranh cãi về quyền công dân của những người Hồi giáo đến từ 3 nước láng giềng. Tuy nhiên, so với nhà lãnh đạo đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 và vẫn đang vững vàng ở vị trí của mình thì ý nghĩa chuyến thăm đối với ông Donald Trump chắc chắn lớn hơn, vì nhiệm kỳ 2 mới đang là cái đích mà ông cần đạt tới.
Hiện ở Mỹ có khoảng 4,5 triệu người Mỹ gốc gốc Ấn đang sinh sống. Dù ít về số lượng nhưng đây lại là lực lượng chính trị khá mạnh với những nhân vật có học thức và giàu có nhất cả nước. Nhưng trong cuộc bầu cử năm 2016, chỉ có 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu ủng hộ ông Donald Trump. Chính vì vậy, ông Donald Trump đang mong muốn tạo nên sự khác biệt trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 11 tới.
Trên thực tế, trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Donald Trump đã giành được chiến thắng hiếm hoi tại New Jersey - trung tâm của người Mỹ gốc Ấn, và chiến thắng này chính là tia hy vọng cho những nỗ lực “ghi điểm” với nhóm cử tri này của ông Donald Trump để giành chiến thắng tại những địa bàn quan trọng khác như California, New York, Pennsylvania, Michigan…
Ở Mỹ, dù cộng đồng người Ấn Độ rất da dạng, nhưng những người có xuất thân từ bang Gujarat vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Đó là lý do ông Donald Trump không lựa chọn đặt chân tới Thủ đô New Dehli đầu tiên như các tổng thống trước đó mà là tới Ahmedabad, bang Gujarat. Sự xuất hiện của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng những lời “Bạn chưa từng có một người bạn nào là tổng thống tốt hơn Tổng thống Donald Trump” chắc chắn sẽ là một cú hích chính trị, một chiến thắng về mặt hình ảnh cho ông Donald Trump trước thềm cuộc bầu cử sắp tới. Bởi thế, không phải không có lý do khi nhiều người nhận định rằng ông Donald Trump đã có một chuyến đi “mã đáo thành công” với một điểm đến không đối mặt với nhiều hóc búa nhưng lại dễ ghi điểm về mặt chính trị.