Vì sao Trump nóng lòng?
Không có gì bất ngờ với quyết định mở cửa trở lại để phát triển kinh tế của Tổng thống Donald Trump bởi kể từ khi nước Mỹ chưa đến giai đoạn đỉnh dịch Covid-19, ông Trump đã rục rịch lên kế hoạch cho giai đoạn hồi sinh nền kinh tế. Trong chuyến thăm nhà máy sản xuất khẩu trang y tế của Tập đoàn Honeywell International có trụ sở tại Phoenix, bang Arizona, ông Donald Trump khẳng định “đã đến lúc mở cửa trở lại” dù dịch bệnh sẽ khiến nhiều người bị tổn thương hơn.
Tuyên bố này được xem là lời phát động nước Mỹ mở cửa trở lại sau hơn 1 tháng “đóng cửa” để kiểm soát dịch bệnh mặc dù đến nay Mỹ vẫn đang là “tâm dịch” của thế giới với hơn 1,2 triệu người nhiễm và hơn 70.000 người thiệt mạng tính đến nay.
Ông Trump dường như muốn những tuyên bố của ông được chú ý nhiều nhất tại một bang quan trọng cho chiến dịch tranh cử.
Và cũng không phải ngẫu nhiên ông lựa chọn một nhà máy ở bang Arizona cho chuyến đi đầu tiên ngoài Washington sau hơn 1 tháng. Ông Trump dường như muốn những tuyên bố của ông được chú ý nhiều nhất, tại một bang chiến địa quan trọng cho chiến dịch tranh cử.
Nếu nhìn qua các “ổ dịch” khác của thế giới như Pháp, Italy, Tây Ban Nha - nơi các ca nhiễm vẫn gia tăng hàng ngày, rõ ràng kế hoạch mở cửa trở lại của nước Mỹ là quá sớm khi các chuyên gia y tế đều cảnh báo, dỡ bỏ các hạn chế quá sớm sẽ khiến dịch càng bùng phát nhanh, thậm chí sẽ có một làn sóng thứ hai. Tuy nhiên, có thể lý giải cho sự quyết định của ông Donald Trump ở thời điểm này.
Thứ nhất, kinh tế vốn được xem là “con bài” quan trọng nhất cho chiến dịch tái tranh cử của ông chủ Nhà Trắng. Đại dịch Covid-19 ập đến, dường như đã xóa sạch mọi nỗ lực tạo công ăn việc làm của Mỹ trong 13 năm qua, xóa đi nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp của Tổng thống Trump trong 4 năm nhiệm kỳ tới giờ. Nhưng đó chỉ là những khó khăn ban đầu, dự đoán tới đây tỷ lệ thất nghiệp và phá sản sẽ còn lớn hơn. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ sớm tăng vọt lên mức kỷ lục 15%. Nếu vực dậy nền kinh tế, tránh một cuộc suy thoái mà tương lai thế giới phải đối mặt, ông Trump sẽ ghi những điểm tích cực, rộng đường cho cuộc đua tái cử vào cuối năm nay. Đó là lý do ông cân nhắc việc mở cửa trở lại từ cách đây vài tuần, khi nước Mỹ vẫn đang trong cao điểm của dịch bệnh…
Thứ hai, quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ ngay từ đầu đã coi SARS- CoV-2 như một loại cúm thông thường vậy nên ông cho rằng, không sớm thì muộn dịch bệnh cũng đi qua. Trong bài phát biểu mới nhất ở Phoenix, ông Trump một lần nữa bày tỏ sự lạc quan rằng “virus sẽ biến mất dù có vaccine hay không”. Thậm chí ông cho rằng, kể cả khi tái bùng phát, Covid-19 cũng có thể bị dập tắt nhanh chóng.
Một chi tiết được truyền thông đặc biệt chú ý khi ông Trump thăm nhà máy sản xuất khẩu trang y tế, đó là ông chỉ đeo kính mắt bảo hộ mà không hề đeo khẩu trang, trong khi các công nhân, cánh báo chí và nhân viên tháp tùng đều làm theo khuyến cáo của giới chức y tế. Giới quan sát cho rằng, với hành động không đeo khẩu trang, ông Trump muốn chứng tỏ mối đe dọa Covid-19 đang suy giảm. Và đó cũng là “lý thuyết” để ông chứng minh cho quyết định mở cửa trở lại của mình.
Người Mỹ là “những chiến binh”?
Dù với lý do gì thì quyết định mở cửa đất nước để phát triển kinh tế của Tổng thống Trump thời điểm này được cho là một “canh bạc” rủi ro với nước Mỹ và cả tương lai chính trị của ông. Tuyên bố mới nhất của ông Trump không chỉ vấp phải sự phản đối của giới y khoa mà còn dấy lên làn sóng chỉ trích của nhiều chính trị gia, thậm chí ngay trong đảng Cộng hòa.
Người ta sẵn sàng “đổi mạng sống lấy chỉ số Dow Jones”.
Ông Rick Wilson, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa nói: “Chính phủ đã quyết định theo một cách rất thực dụng rằng thiệt hại chính trị từ nền kinh tế sụp đổ lớn hơn thiệt hại chính trị do hơn 90.000 người Mỹ sẽ chết vào tháng 6”. Ông Wilson gọi đây là “một loại chính trị hiện thực tàn khốc”, khi người ta sẵn sàng “đổi mạng sống lấy chỉ số Dow Jones”.
Trong khi đó, lời kêu gọi các bang nới lỏng giãn cách, cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại của ông Trump không hoàn toàn nhận được sự ủng hộ. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố “kế hoạch mở cửa trở lại của chúng tôi không có sự đánh đổi”, điều đó đồng nghĩa một khi dịch bệnh được khống chế, New York mới tính chuyện nới lỏng. Còn ông Gavin Newsom, thống đốc bang California kiên quyết “không thể lựa chọn giữa sức khỏe cộng đồng và mở lại nền kinh tế”.
Những quan điểm này có thể cũng sẽ là “lỗ hổng” để các đối thủ trong đảng Dân chủ tấn công Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. Dù cho nền kinh tế có hồi sinh ở mức độ nào nhưng nếu có thêm hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người tử vong do Covid 19 vào những tháng tới, sự tín nhiệm dành cho ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ tiêu tan.
Người dân của đất nước chúng ta nên nghĩ họ giống như những chiến binh.
Với nước Mỹ, rõ ràng, việc nới lỏng giãn cách xã hội ở thời điểm số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày vẫn ở con số hàng nghìn, cho thấy nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nói như Tổng thống Trump, người Mỹ nên nghĩ mình là “những chiến binh” khi đối diện với thực tế này. Tuy nhiên, khuyến cáo này có vẻ không trấn an được người Mỹ khi một cuộc thăm dò của Washington Post-và đại học Maryland được công bố hôm 5/5 cho thấy 74% người Mỹ nói rằng họ phản đối việc mở lại các nhà hàng và tiệm nail ở bang của họ, trong khi 8/10 người Mỹ cho biết các rạp chiếu phim chưa nên mở trở lại.
Có lẽ, với nhiều người Mỹ, không ai muốn đánh đổi bằng sinh mạng để có được “miếng cơm, manh áo”, kể cả khi họ được coi như những “chiến binh” thì cái giá phải trả vẫn là quá đắt.