(Baonghean) - Những thùng rác công cộng bắt đầu xuất hiện nhiều ở Vinh từ sau năm 2000, và được thành phố đầu tư nhiều vào năm 2003 sau khi công trình Quảng trường Hồ Chí Minh hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các thùng rác công cộng được bố trí rải rác ở các tuyến đường trung tâm như Hồ Tùng Mậu, Trường Thi, Lê Mao, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai...
Chỉ là những thùng rác công cộng trên địa bàn đô thị song nó thể hiện thái độ nghiêm túc của chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển tiến bộ của xã hội. Hệ thống bồn rác công cộng ở Thành phố Vinh cũng không nằm ngoài mong muốn chung của nhiều người là làm cho Vinh trở nên xanh - sạch - đẹp và văn minh.
Trong xu thế phát triển, ở Thành phố Vinh đã hình thành nhiều trung tâm thương mại, văn hóa - thể thao, các trung tâm vui chơi, giải trí... thu hút nhiều người dân và du khách tham gia. Chính lúc này, các thùng rác công cộng trở nên hữu ích, thực hiện chức năng gom rác thải tránh gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị Vinh cho hay, vào năm 2008 - thời điểm Vinh được Chính phủ công nhận là Đô thị loại I (trước 2 năm so với kế hoạch), thành phố đã đầu tư mua 220 thùng rác công cộng và bố trí rải rác trên vỉa hè các tuyến phố chính. Các thùng rác này chủ yếu được làm bằng chất liệu nhựa cứng hoặc vỏ sắt. Việc trang bị các thùng rác công cộng trên địa bàn trung tâm đô thị Vinh dường như mang tính trang trí nhiều hơn là giải quyết các vấn đề về môi trường. Đã có giai đoạn công nhân Công ty Môi trường đô thị Vinh lúc đó (hiện nay là Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Nghệ An) đã không muốn thu gom rác thải trong các bồn rác công cộng.
Bởi lẽ, theo quy định lúc đó, họ chỉ thu gom các loại chất thải hữu cơ, trong khi các bồn rác chủ yếu là gạch, đá cùng các loại phế thải vật liệu xây dựng (?!)... Và điều đáng nói hơn là có không nhiều người tự giác bỏ rác vào thùng. Nhiều người vẫn giữ thói quen buông tay xả rác thải bất cứ đâu họ muốn. Cho dù vậy cũng chưa thấy cơ quan chức năng nào nhắc nhở hay xử phạt những hành vi này. Chính vì vậy, trong khi chính quyền địa phương càng cố gắng làm cho thành phố sạch sẽ và văn minh hơn bằng những thùng rác thì sự thiếu ý thức của nhiều người làm cho chúng trở nên vô duyên. Và như một lẽ tự nhiên, những thùng, những bồn chứa rác bằng nhựa, bằng sắt “có thì thừa mà không có lại thiếu” bắt đầu hư hỏng. Thứ thì do sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung, thứ thì do tác động của con người. Vậy nên việc thu gom rác tại những điểm công cộng hoàn toàn phụ thuộc vào công sức của những công nhân vệ sinh môi trường.
Năm 2013, Thành phố Vinh tròn 50 năm thành lập. Lãnh đạo thành phố đã tập trung nhiều cho công tác chỉnh trang đô thị để chào mừng sự kiện quan trọng này, trong đó có mục tiêu làm cho đô thị Vinh trở nên thân thiện và mỹ quan hơn. Sau khi tham khảo, học tập mô hình ở một số địa phương như Đà Lạt, Vũng Tàu, Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Nghệ An đã tham mưu cho Thành phố Vinh đầu tư lắp đặt 76 bồn rác xanh. Bồn rác mới được làm bằng bê tông mỏng, kết cấu phần dưới chứa rác, phần trên trồng hoa, cây xanh. 76 bồn rác được bố trí, lắp đặt ở các tuyến đường xung quanh khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh như: Hồ Tùng Mậu, Trường Thi, Lê Mao... Việc lắp đặt các thùng rác với kết cấu có một phần trồng cây xanh dường như lãnh đạo Thành phố Vinh muốn tạo ra nét hài hòa, thẩm mỹ về cái dụng cụ chứa rác thải. Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, thành phố đã chi 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống bồn rác xanh nói trên. Số tiền có thể không lớn, điều đáng nói ở đây là việc quản lý các bồn rác này. Thường thì nhiệm vụ quản lý, thu gom, xử lý rác thải tại các thùng rác công cộng thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị. Nhưng phần chăm sóc cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ lại thuộc về Công ty cổ phần công viên cây xanh thành phố. Cuối cùng trên 1 thùng rác nhưng chia đều cho 2 đơn vị quản lý, chăm sóc. Người thu rác dưới, kẻ tưới cây trên.
Sẽ chẳng có gì để nói thêm về những bồn rác xanh ấy nếu chúng không phát sinh những vấn đề mới. Đầu tiên là Công ty công viên cây xanh phản ánh rằng, có rất ít cây, hoa thích nghi được với môi trường khắc nghiệt của xứ ta. Bên cạnh đó, phần diện tích dành cho cây quá nhỏ nên ảnh hưởng đến điều kiện sống, sinh trưởng của cây, hoa. Hiện tại cây được trồng trên các bồn rác chủ yếu là sam, thạch thiên thảo, hoa mười giờ... khó tồn tại trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt... Trong hợp đồng cam kết thực hiện chăm sóc cây, hoa ở các bồn rác xanh giữa Công ty cổ phần công viên cây xanh với Thành phố Vinh, công ty phải tưới 180 lần/năm. Nhưng trên thực tế công ty này phải tưới 260 lần/năm. Bởi lẽ bồn cây có ít đất, thiếu độ ẩm, đặc thù thời tiết nếu muốn cây tồn tại được phải tưới nhiều lần.
Các tuyến đường đặt bồn rác xanh đều không có họng nước nên không thể chủ động được nguồn nước tưới tại chỗ. Vì vậy, công ty phải điều xe ô tô chuyên dụng để tưới nước. Theo tính toán của ông Phan Xuân Bảo - Giám đốc Công ty cổ phần công viên cây xanh thì với xe ô tô chứa 6 m3 nước phải thực hiện việc tưới cho bồn rác xanh trên 4 tuyến đường, mỗi tuyến có 2 làn. Vào thời điểm tiết trời mát mẻ thì 2 ngày tưới 1 lần, còn vào mùa hè mỗi ngày phải huy động một chuyến xe. Tính ra mỗi lần như vậy phải chi phí từ 2 - 3 triệu đồng. Cũng theo ông Giám đốc Công ty cổ phần công viên cây xanh thành phố, giai đoạn đầu mới tiếp nhận việc chăm sóc bồn rác xanh, công ty đã trồng 456 bụi cây cho 76 bồn. Và sau 1 năm thì không thể tính được đã phải thay, dắm cây thêm bao nhiêu lần. Bình quân mỗi tháng công nhân công ty phải thay từ 20 - 25% số cây, hoa do bị chết và mất cắp.
Chuyện những cái thùng rác công cộng những tưởng là việc tiểu tiết trong cuộc sống đô thị, góp phần làm cho thành phố sạch đẹp hơn nhưng vì quản lý không tốt, nó trở thành cái sự chướng tai, gai mắt đối với nhiều người. Hiện nay, sau một năm “bồn rác xanh” được đầu tư lắp đặt đã có nhiều cái hư hỏng, vỡ nát trơ ra lõi thép hoen gỉ. Những bồn còn dùng được thì không ai thèm bỏ rác vào thùng. Những cái khác đặt ở các địa điểm có người kinh doanh vỉa hè thì trở thành bãi tập kết rác thải. Nào bã mía, túi ni lông, chuột chết, bột bả…tất cả đều được đổ sát cạnh “bồn rác xanh”.
Với những gì đã đề cập trên đây, hẳn nhiều người sẽ trăn trở: “Có nên giữ lại các thùng rác công cộng?” Chắc chắn phải giữ! Có điều mỗi một khi tư duy của nhà quản lý chưa thay đổi, ý thức của người dân vẫn bừa bãi, những hành vi xả rác trái quy định chưa bị xử lý thì thùng rác công cộng vẫn là câu chuyện đáng buồn.
Bài, ảnh: Xuyến Chi