(Baonghean.vn) - Ngày 20/7/2014 tại khuôn viên đền Đệ Nhất thuộc xóm Tân Phong, xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) đã long trọng diễn ra lễ đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh do UBND huyện Diễn Châu và UBND xã Diễn Nguyên tổ chức theo Quyết định 2697/QĐ.UBND của UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 16/06/2014.
Đền Đệ Nhất xây dựng từ thời Hậu Lê để thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn; Đền được xây dựng ở vị trí cảnh quan đẹp- Sách xưa có ghi: “Lưỡng Kiên án ngự, Bùng giang bao bọc, Hổ Lĩnh chầu về, Kim Quy, Mỏ Phượng, Kỳ Lân hướng vào, Son, Ấn, Tàn, Mục phô bày rực rỡ…”.
Khởi thủy, đền Đệ Nhất chỉ là một ngôi đền nhỏ lợp tranh. Sau cuộc dời đền theo phong thủy của thầy Tả Ao, thì đền Đệ Nhất mới dần dần được xây dựng với quy mô lớn, các hạng mục công trình của đền được xây dựng trong nhiều năm, nhiều thời điểm khác nhau. Đền xưa có khuôn viên rộng khoảng 03 mẫu đất, và nằm trong một quần thể đầy đủ: Đền, chùa, nhà thánh… Do những biến thiên của lịch sử nên hiện nay, khuôn viên của đền chỉ còn Thượng điện, cổng chính của Tam quan, sân vườn, giếng nước và bia Văn Hội, tổng diện tích gần 3.000m2, các công trình này đều nguyên gốc và mang dấu ấn của thời Nguyễn.
Hiện nay, ngoài thờ chính là Sát Hải Đại Vương, tại đền Đệ Nhất còn phối thờ các vị Phật, Thánh, Thần được rước từ các đền chùa trong xã và các xã lân cận về phối tự, như: Phật Bà Quan Âm, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đông Phương Thái Giám, Bắc Phương Thái Giám, Tây Phương Thái Giám, Nam Phương Thái Giám, Hưng Đạo Đại Vương, Tam Tòa Thánh Mẫu, Khổng Tử, Song Đồng Ngọc Nữ của làng Văn Vật (xã Diễn Liên), Bản thổ Thành hoàng của làng Đông Phú (xã Diễn Nguyên), Bản Xứ Anh linh của làng Đông Phú (xã Diễn Nguyên), Ngô Vương thượng đẳng chính thần của làng Thư Phủ (xã Diễn Thái), Bản cảnh Thông duệ tôn thần của làng Thư Phủ (xã Diễn Thái), Bản cảnh Thành hoàng Linh hựu của làng Thư Phủ (xã Diễn Thái), Hoa Lang Thái Tể Hồ Quốc công của làng Lý Trai (xã Diễn Kỷ)… Và hơn mười thần hiệu nữa mà chúng ta chưa xác định được của làng nào và thần tích cụ thể.
Hàng năm, ở đền Đệ Nhất có bốn kỳ đại lễ là: Thượng Nguyên (15/1 âm lịch), giỗ Sát Hải Đại Vương và Thanh Minh (15/3 âm lịch), Kỳ Phúc (15/6 âm lịch), Tạ cuối năm (15/12 âm lịch). Ngoài ra còn có các ngày lễ tiết theo truyền thống dân tộc và ngày sóc, vọng hàng tháng. Những kỳ lễ này đều được tổ chức trang nghiêm theo phong tục cổ truyền và duy trì đều đặn từ xưa đến nay, nhân dân về dự lễ rất đông và ngày càng nhiều.
Đền Đệ Nhất còn là nơi chứng kiến những biến đổi thăng trầm của lịch sử địa phương. Thời Cần Vương chống Pháp, đền Đệ Nhất là nơi hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đây là nơi in ấn tài liệu, tuyên truyền cách mạng, cắm cờ đỏ búa liềm, thành lập chi bộ Đệ Nhất. Trong cách mạng tháng 8/1945, đây là nơi giao nộp ấn tín, sổ sách của chế độ cũ cho chính quyền cách mạng, nơi tổ chức tuần lễ vàng, bầu cử quốc hội khóa I... sang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đền Đệ Nhất trở thành nơi cất giữ vũ khí, đạn dược, luyện tập dân quân tự vệ...
Đền Đệ Nhất là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân Diễn Nguyên nói riêng và cả vùng nói chung, phục vụ nhu cầu thăm viếng, tưởng niệm người có công với quê hương, đất nước, gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Việt, và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Đặc biệt, đây là một di tích đặc trưng cho Tam giáo đồng tôn: Có chùa thờ Phật, có đền thờ Thần, có Nhà Thánh thờ Thánh Sư; thể hiện sự phong phú về văn hóa, giao thoa về tư tưởng.
Đền Đệ Nhất được công nhận là di tích lịch sử sẽ tạo điều kiện cho việc kiến thiết trùng tu và khôi phúc các lễ, hội tại di tích đền nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đáp ứng kịp thời nguyện vọng và nhu cầu về tâm linh của các tầng lớp nhân dân địa phương.
Trần Cảnh Yên