Thời gian gần đây, trên Báo Nghệ An đã đăng tải một số bài báo nói về cây mía, cây chè, cây cao su, cây cam, nuôi nhím và nghề đan lát của bà con dân tộc Khơ mú. Đây là những bài báo thoạt đọc qua thì thấy cũng không có vấn đề gì to tát cả. Nhưng đọc kỹ để nghĩ thì lại thấy có chuyện để bàn và nhất là để làm. Làm để góp phần dù là nhỏ thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp ở địa phương và rộng hơn là chung cả tỉnh. Sau đây là mấy điều xin được nói thêm, bàn thêm.
Với cây mía: Mía là một trong ba, bốn cây công nghiệp chủ lực của Nghệ An. Mía đã được trồng thành vùng tập trung - gắn liền với các nhà máy đường Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích mía lớn của cả nước. Với cây mía hiện tại và tương lai vấn đề cốt tử nhất, quyết định nhất đối với cả người trồng mía lẫn nhà máy đường là phải bằng nhiều cách nâng năng suất mía từ 50 tấn/ha (bình quân) lên 70, 80 tấn/ha và cao hơn.
Năng suất ngày một tăng sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho cả người trồng lẫn người chế biến - tức là hiệu quả kinh tế cuối cùng của cây mía sẽ ngày một cao hơn. Năng suất mía ngày một tăng cho phép giảm bớt diện tích trồng mía cho các cây khác, có thể cho hiệu quả kinh tế cao hơn và giải quyết được bài toán về tranh chấp đất giữa mía với các cây khác.
Một: có bộ giống tiềm năng về năng suất cho vùng bãi, vùng ruộng và vùng đồi đặc biệt là cho vùng đồi.
Hai: làm tốt việc dự báo và phòng trừ dịch bệnh trên cây mía nhất là có phương cách trừ tận gốc bệnh chồi cỏ.
Ba: từng bước, tạo nguồn nước tưới cho mía nhất là ở vùng đồi, vùng bãi cao.
Bốn: nhất thiết phải bố trí một diện tích luân canh để khôi phục độ màu mỡ của đất. Với vùng đồi có độ dốc lớn cần có cây phủ đất, chống xói mòn giữa hai luống mía, và bố trí các luống mía theo đường đồng mức.
Năm: nâng cao trình độ thâm canh cho người trồng mía đi đôi với tăng đầu tư cho thâm canh bằng tăng lượng phân hữu cơ, phân vi sinh để bù đắp đủ lượng các dưỡng chất đã cung cấp cho mía. (nên nhớ rằng để có năng suất 50 - 60 - 70 - 80... tấn/ha, cây mía phải rút rất nhiều dưỡng chất từ đất. Nếu không bù đắp đủ đất trồng mía rất nhanh bị tàn kiệt).
Sáu: tổ chức Hiệp hội những người trồng mía để trước hết hỗ trợ, giúp đỡ nhau có hiểu biết nhiều hơn về các biên pháp thâm canh, có thêm vốn để thâm canh. Kế đó, Hiệp hội thay mặt cho thành viên quan hệ trực tiếp với các nhà máy làm cho quan hệ giữa hai nhà này gắn bó chặt chẽ, dựa vào nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển, cùng nâng cao lợi ích.
Bảy: các hộ trồng mía (hoặc liên kết nhiều hộ) cần kết hợp trồng mía với nuôi trâu bò, để vừa tận dụng nguồn thức ăn từ cây mía, vừa có thêm nguồn phân hữu cơ bón cho mía.
Tám: các nhà máy đường qua ban (hay phòng, tổ) nông vụ của mình để: tìm chọn giống mía có tiềm năng về năng suất cung ứng cho nông dân, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch bệnh nâng cao tay nghề cho người trồng mía. Việc này có thể kết hợp với tổ chức khuyến nông của huyện, xã.
Cuối cùng: tổ chức đảng, chính quyền, hội nông dân, hội làm vườn ở các địa phương có trồng mía xác định nội dung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn người trồng mía và đóng vai trò trọng tâm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng mía với nhà máy đường và các đơn vị khoa học - kỹ thuật tạo sức mạnh chung.
Khả năng mở rộng diện tích trồng mía của tỉnh ta là không còn, thậm chí giữ được diện tích hiện có không phải là dễ. Trong lúc đó khả năng nâng cao năng suất mía có thể nói là còn lớn - ít ra là gấp đôi năng suất bình quân của cả tỉnh hiện nay (đưa từ 50 tấn/ha lên 100 tấn/ha). Do đó, đưa năng suất cao lên là con đường duy nhất có thể, đồng thời là con đường duy nhất để cả người trồng mía lẫn các nhà máy đường tồn tại và phát triển.
Với cây chè: Cùng với mía, chè là cây công nghiệp có diện tích khá lớn, được trồng tập trung gắn với các nhà máy chế biến do Công ty đầu tư phát triển chè quản lý. Nếu cây mía, vấn đề năng suất là cốt tử, thì với chè vấn đề lại là ở chất lượng chè nguyên liệu và chất lượng chế biến thành sản phẩm cuối cùng.
Về chè nguyên liệu, chất lượng không chỉ ở các chỉ số về hàm lượng trong chè, mà hiện nay và cả tương lai, thị trường chè đòi hỏi độ an toàn thực phẩm cao nhất, nói cách khác là phải đảm bảo yêu cầu "sạch" một cách cao nhất - nếu không nói là gần như tuyệt đối.
Muốn có chè nguyên liệu "sạch" phải hạn chế đến mức thấp nhất việc bón phân hóa học, và việc sử dụng thuốc trừ sâu mà vẫn có năng suất ở mức có thể chấp nhận được. Nói khác đi chúng ta phải trồng chè theo một quy trình khác với cách trồng chè lâu nay. Nếu chậm trễ, cây chè Nghệ An khó mà vượt qua được những rào cản về mức an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế.
Để hiểu thêm về điều này, cần lưu ý rằng cho đến nay, sản phẩm chè chế biến của Nghệ An, chủ yếu vẫn xuất sang các thị trường được coi là "dễ tính". Muốn xâm nhập được vào thị trường "khó tính" chè Nghệ An trước hết phải "sạch" và ngay sau đó phải được chế biến theo công nghệ phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường này. Cũng cần lưu ý rằng: thị trường "dễ tính" đi liền với giá thấp. Thị trường "khó tính" đương nhiên giá cả sẽ cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần.
Tóm lại, để mở rộng thị trường xuất khẩu và đi đôi với đó là để nâng cao hiệu quả cuối cùng của chè không có con đường nào khác, ngành chè Nghệ An phải tạo bước đột phá cả trong trồng và chế biến chè để chè Nghệ An đạt đến chất lượng mà các thị trường "khó tính" đang và tiếp tục đòi hỏi.
Khác với cây mía, có nhiều "ông chủ" chế biến. Cây chè chỉ có một "ông chủ" duy nhất: Công ty đầu tư phát triển chè Nghệ An. Rất mong lãnh đạo tỉnh và nhất là Công ty đầu tư phát triển chè sớm hoạch định một chiến lược mới cho cây chè Nghệ An.
Với cây cam nói chung và cam Xã Đoài nói riêng
Nghệ An nổi tiếng với cam Xã Đoài - với Cam Vinh. Trên một số vùng đất thích hợp, nhất là trên đất Bazan, cho đến nay. Cam vẫn là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Doanh thu 1ha cam không phải là con số chục triệu mà là con số trăm triệu, cá biệt có gia đình có doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng/ha. Song, cây cam lại không phải là cây "dễ ăn", càng không phải là cây "làm chơi, ăn thật".
Cam là cây cực kỳ khó tính. Thế giới đã kết luận rằng: Cây cam là cây của vùng giàu, đất giàu và người giàu. Nói đến đất giàu là nơi đất màu mỡ, đất tốt. Nói người giàu là nói người có vốn để đầu tư và có vốn tri thức, vốn kinh nghiệm.
Theo thông tin cũng trên Đài truyền hình Việt Nam, thì các đồn điền lớn trồng cam ở mấy bang phía Nam nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ về một loại bệnh ở cây cam. Các nhà khoa học Mỹ hiện đang "vò đầu bứt tai" trước bệnh này. Họ cảnh báo về một tương lai ảm đạm với cây cam ở Mỹ nếu không tìm ra được phương thuốc nào khả dĩ trị được bệnh này.
Biết vậy để mà tính chuyện trồng cam ở Nghệ An ta, để mà quy hoạch cho sát, cho đúng và cho hiệu quả đối với cây cam. Cũng theo thông tin trên đài truyền hình thì các nhà khoa học Việt Nam khuyên các nhà trồng cam chớ có trồng cam thuần mà nên trồng xen cam với ổi.
Theo các nhà khoa học này thì cây ổi sẽ giúp cho cây cam chống đỡ được căn bệnh quái ác mà hiện nay chưa có phương án cứu chữa. Những điều nói thêm ở trên là muốn lưu tâm các nhà lãnh đạo kinh tế, đồng thời cũng lưu tâm các nhà trồng cam. Bởi trong bài toán "Về Đồng Trung gặp "vua cam"" (Nghệ An cuối tuần ngày 9-1-2011) có đoạn viết: "14 ha trồng rặt cam, không trồng xen một số cây gì khác, vì sợ sâu bệnh xâm nhập" làm tôi giật mình và tự hỏi: ai là người nói đúng đây?
Cam nói chung là vậy. Còn cam Xã Đoài thì sao: Xưa nay Cam Xã Đoài nức tiếng bởi hương và vị của nó. Nhưng nên nhớ rằng lượng cam Xã Đoài vô cùng hạn chế và là giống cam mà năng suất không cao. Nếu so sánh cam Xã Đoài với bưởi Phúc Trạch thì cam Xã Đoài hạn hẹp hơn rất nhiều. Số xã trồng được bưởi Phúc Trạch mà vẫn giữ được phẩm cấp nhiều hơn so với cam Xã Đoài. Cứ ra khỏi Xã Đoài là cam không giữ được phẩm cấp Xã Đoài nữa rồi!
Thế mới biết cam Xã Đoài quý không chỉ ở hương ở vị của nó mà còn quý bởi nó hiếm. Nói khác đi khả năng thích ứng của cam Xã Đoài là cực kỳ hạn hẹp. Phải chăng trên đất Xã Đoài, ấy có một vài yếu tố vi lượng nào đó đem lại cái hương, cái vị cho trái cam Xã Đoài.
Cam là cây khó tính, cam Xã Đoài càng khó tính hơn. Bởi thế, số hộ dân ở cái đất gốc của cam Xã Đoài trồng cam là không nhiều. Hiện nay, ở Nghi Diên đang thực hiện chương trình phục tráng giống cam Xã Đoài, do 1 viện nông nghiệp làm chủ dự án. Cách làm dự án này có thể có điều gì đó chưa thật phù hợp nên hiệu quả chưa rõ ràng. Đây là ý kiến của ông Phó Chủ tịch UBND phụ trách kinh tế của xã cho chúng tôi biết.
Thiết nghĩ với cam Xã Đoài trước hết phải phục tráng giống cam này, kế đó trồng chính trên đất Xã Đoài. Cố làm được như thế đã.
Về nuôi nhím và nghề đan mây.
Một số hộ ở Quế Phong nuôi nhím để bán cả nhím giống, lẫn nhím thương phẩm. Nghề này cho thu nhập cao do nuôi nhím không khó lắm. Thịt nhím lại có giá và đang là đặc sản của đặc sản. Những thông tin như vậy là rất chính xác.
Bài báo sau đó phản ánh rằng: Các hộ nuôi nhím này khi đi bán đang bị kiểm lâm làm khó dễ bởi kiểm lâm cho nhím là con vật hoang dã cần được bảo vệ, cấm săn bắt, cấm vận chuyển, cấm buôn bán. Chuyện này có thể có bởi các cán bộ kiểm lâm quá sách vở mà quên mất rằng mọi địa phương đều đã có người nuôi nhím. Nghề nuôi nhím đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin và khuyến khích.
Còn trên mục: "Chuyện nhà nông" của chương trình "Chào buổi sáng" chuyên gia Nguyễn Lân Hùng đã không ít lần tư vấn cách nuôi nhím cho quảng đại nông dân. Có nhím vận chuyển, có nhím bán đâu phải chỉ có duy nhất là săn bắt mới có. Người ta nuôi cả đàn ấy chứ
! Bài báo lại cũng cho biết đồng chí lãnh đạo cao nhất của huyện khi biết điều này nhưng chỉ có một phản ứng duy nhất là phàn nàn kiểm lâm gây khó cho dân. Xin được mạn phép góp với đồng chí một điều rằng: Đồng chí hãy mời kiểm lâm huyện, cần thì cả kiểm lâm tỉnh đến tận các hộ nuôi nhím. Rồi đề nghị kiểm lâm cấp giấy phép cho họ để họ nuôi, họ bán. Thế là xong! Huyện nhà sẽ nhờ đó có thêm 1 nghề mới để xóa đói giảm nghèo.
Báo Nghệ An số 8599 ra ngày 11-01-2011 có bài "Giải quyết bài toán về nguyên liệu" phản ánh bà con ở 2 bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 xã Hữu Kiệm huyện Kỳ Sơn có nghề truyền thống đan mây, làm ghế từ mây tre. Cái khó ở đây là mây trong rừng cạn kiệt. Đào gốc mây về trồng thì mây chết. Dân không có nguyên liệu để làm nghề. Không rõ lãnh đạo xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn có đọc bài báo này không? Việc trồng mây có gì là khó đâu. Cần thì về mấy xã ở Nghi Lộc, ở đó ương giống mây. Mua giống về, hướng dẫn cho dân trồng.
Cao hơn thì học cách ương giống từ hạt để chủ động về cây giống. Nên nhớ thêm rằng bà con ta mới quen vào lấy của rừng sẵn có. Còn trồng nó bà con chưa quen, thậm chí chưa biết. Nên phải bày vẽ đến nơi đến chốn rồi cùng bà con làm mới được.
Đôi lúc ta quen miệng cứ hỏi trồng cây gì? Nuôi con gì? Làm nghề gì? Mà chưa quen nghĩ phải làm thế nào để cây ấy, con ấy, nghề ấy đem lại hiệu quả cao hơn!