(Baonghean) - Trong những ngày qua, báo chí liên tục đưa tin từ ngày 1 tháng 3 năm 2011, điện sẽ tăng giá. Giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều mặt hàng chiến lược khác như sắt thép, xăng dầu…tăng, và hàng loạt các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống cũng sẽ rục rịch tăng theo.

Cùng với thông tin tăng giá điện, Bộ Tài chính lại quyết định tăng lệ phí trước bạ xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi lên 20%, tức là ở mức kịch trần và cao nhất thế giới. Thông tin này khiến cho một số người có nhu cầu mua xe hơi đành phải “gác” lại hoặc mua xe cũ.

Lý giải về việc này, người ta cho rằng nâng lệ phí trước bạ để "Góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng, sở hữu tài sản", để điều tiết thu nhập của tầng lớp có nhiều tiền và để hạn chế sự gia tăng ôtô, giảm ùn tắc giao thông…

763617_small_60721.jpg
  Lưỡng lự mua hàng khi giá cả tăng cao.


 Dùng tạm hàng "đại hạ giá " vậy ! Ảnh: Thu Huyền

Không chỉ có vậy, người tiêu dùng lại được phen lo lắng khi giá sữa đồng loạt tăng. Cụ thể, tăng 10% đối với nhãn hiệu Friso (của công ty TNHH Friesland Campina Vietnam) và Ensure, Similac của hãng Abbott (do công ty dược phẩm 3A nhập khẩu và phân phối).

Ứng với mức tăng này, giá mỗi lon sữa hiện tại nhích lên trung bình từ 20.000 - 50.000 đồng so với trước. Sữa Ensure loại 900g lên 521.000 đồng (trước là 474.000 đồng/hộp); Similac 2 lên 204.000 đồng/hộp 400g (trước là 183.000 đồng); Friso 3 lên 350.000 đồng/hộp 900g (trước là 337.000 đồng).

Cách đây ít lâu nhãn sữa Anlene của công ty Fonterra Brands Việt Nam cũng vừa tăng giá nhẹ, thêm 10.000 đồng/hộp 400g và 15.000 đồng/hộp 800g.

Trong khi chưa có sự đồng ý của Cục quản lý giá, các nhà sản xuất, phân phối sữa đã tự ý tăng. Nguyên nhân của việc tăng giá sữa được giải thích là tỉ giá USD, các chi phí đầu vào như nguyên liệu sản xuất, giá nhân công tăng. Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân (đại diện truyền thông của Friesland Campina Vietnam) cho biết, tính đến trước ngày 8/2/2011, tỉ giá ngoại tệ đã tăng khoảng 13%, trong khi nguyên liệu sữa bột chủ yếu phải nhập khẩu; giá lon thiếc và bao bì carton cũng tăng giá từ 10-30%; chi phí nhân công tăng từ 11-18%... Một nhà nhập khẩu sữa lâu năm cũng tiết lộ rằng tỉ giá VNĐ/USD liên ngân hàng từ ngày 11/2 được điều chỉnh tăng ở mức 9,3% khiến nhiều đơn vị “không kịp trở tay” và “không chịu nổi”. Do đó, nhiều đơn vị buộc phải xem xét và điều chỉnh giá bán trong thời gian tới.

Khi giá hàng hóa tăng mà nguồn thu nhập không tăng, buộc người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng”, nghĩa là sức mua giảm vì “hầu bao” bị teo lại !

Ai sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng !?


Nguyễn Ngọc Đức