Nếu như những ngày giáp tết, bà con ngư dân hối hả với những chuyến biển cuối năm đầy ắp tôm cá thì không khí chuẩn bị ra khơi trong những ngày đầu năm cũng không kém phần nhộn nhịp. Người tất bật chuẩn bị nước, đá lạnh, xăng dầu, người nhanh tay vá lại những tấm lưới, gia cố cho con tàu hay trang bị thêm ngư cụ cần thiết để sẵn sàng cho mùa biển mới.
Ngay từ sáng mồng một Tết bà con ngư dân xã Diễn Ngọc- Diễn Châu lại tay nải đồ lễ lên chùa Thiện, sang đền Ông để cúng cầu yên cho một năm mới. Và lễ hội cầu ngư gắn liền với buổi xuất quân ra khơi tìm "lộc" đầu năm là tục lệ có từ lâu đời của bà con ngư dân.
Ông Nguyên Văn Châu (xóm Ngọc Văn), người có kinh nghiệm hơn 50 năm đi biển cho biết: Lễ hội cầu ngư là dịp để ngư dân kính cáo trời đất, thể hiện khát vọng được bình yên trong cuộc sống. Bởi theo người xưa, việc thờ phụng Cá Ông ở đây không chỉ là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của làng cá.
Họ luôn tin tưởng rằng khi gặp bất trắc trên biển khơi, cá Ông sẽ dựa thân mình vào thuyền để đưa thuyền vào bờ. Sau buổi lễ, bà con sẽ chọn ngày tốt để mở đầu cho năm bám biển. Năm nay, theo kinh nghiệm của các ngư dân thì mồng 4 Tết được xem là ngày đẹp nhất cho "xuất hành" đầu năm.
Mới 7h sáng nhưng bến cá Lạch Vạn đã đông nghịt lượng người mua bán, từng đôi tàu sau mấy ngày bám biển tìm nguồn cá trở về neo đậu trải dài suốt cầu cảng với những khoang chứa đầy hải sản. Chủ tàu Nguyễn Văn Hải ở xóm Đồng Lộc (Diễn Ngọc- Diễn Châu) đang khiêng cá dưới tàu lên cân nói lớn: "sau Tết chúng tôi đã 3 lần xuất bến, mỗi chuyến thu về gần 30 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu gia đình thu lời gần 20 triệu đồng/chuyến. Nếu khi nào cũng gặp may, trúng mùa như đầu năm ni thì ngư dân đỡ vất vả hơn. Đây là tín hiệu mừng cho nghề biển.
Các thuyền dã ốc, dã ruốc niềm vui cũng tràn đầy. Chủ thuyền số hiệu NA 2763-TC Nguyễn Văn Phúc vừa dọn lại đống lưới, bơm thêm nhiên liệu chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới vừa trò chuyện: "Thời gian đánh bắt chưa đầy 2 tuần nhưng không tàu thuyền nào thua lỗ tiền dầu mô, thuyền nào cũng đánh được 7-8 tạ cá trở lên đó!.
Những ngày này biển êm, nhờ vậy mà chẳng cần mất trọn cả ngày kể từ khi rời bến, nhưng thuyền nào khi cập bến cũng đầy cá. Như thuyền tui xuất bến từ 4h sáng, 5h chiều nay đã nhập hết hàng". Khảo sát một vòng tại bến cá "dư âm" thị trường Tết không còn ảnh hưởng đến tình hình mua bán hải sản nơi đây nhưng nhìn chung giá cả vẫn đang cao hơn ngày thường.
Theo chị Nguyễn Thị Thu, chủ vựa thu mua hải sản thì: "Từ mùng 2 tết đến nay, ngày nào cũng có tàu thuyền cập bến ; thường việc mua bán những chuyến hàng đầu năm rất nhanh gọn vì ai cũng thoải mái với tâm lí "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt", nhưng phải đến hết tháng Giêng, khi các tàu đánh bắt xa bờ trở về thì việc mua bán mới trở lại bình thường.
Những ngày tiếp theo tình hình giá cả chưa thể ổn định do nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu". Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch Hội nông dân xã Diễn Ngọc cũng cho biết: Tết năm nay bà con ngư dân ăn tết khá đàng hoàng, bởi năm 2010 là một năm thắng lợi cả về sản lượng và chủng loại đánh bắt hải sản. Tổng sản lượng khai thác đạt trên 13.000 tấn (vượt kế hoạch hơn 1.000 tấn), chiếm hơn 1/3 sản lượng đánh bắt cả huyện Diễn Châu.
Trong đó, tôm cá xuất khẩu đạt 1.960 tấn, cá chượp 3.765 tấn, cá chợ 4.500 tấn, hơn 1.000 tấn ruốc, ghẹ ốc và chế biến nước mắm đạt 2 triệu lít... Giá trị sản xuất đạt 159 tỷ đồng.
Trong những ngày đầu năm 2011, toàn xã đã đánh bắt được gần 400 tấn hải sản, chỉ tính riêng ngày xuất quân đầu tiên (ngày mùng 4 tết) xóm Ngọc Minh (Diễn Ngọc) đã đánh bắt được 180 tấn tôm cá các loại...
Nhiều hộ đã tập trung đầu tư nâng cấp công suất, trang bị máy thăm dò cá, lắp hệ thống tời dã vừa thuận lợi vận hành lại cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Nay xu hướng chung của nghề cá là giảm phương tiện lắp máy công suất nhỏ- tăng phương tiện lắp máy công suất lớn chống chọi với sóng to gió lớn, mở rộng ngư trường vươn ra khơi xa để bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ.
Tại cảng cá Nghi Thuỷ (Cửa Lò) hiện có khoảng 400 tàu thuyền lớn nhỏ đang hoạt động. Và ngay từ mùng 2 Tết, nhiều ngư dân phường Nghi Thuỷ đã có những chuyến "xông biển" thắng lợi. Nhiều tàu thuyền sáng đi chiều về đã có ngay sản phẩm đầu xuân.
Anh Võ Văn Tuất, phó chủ tịch phường Nghi Thuỷ cho biết: Tới ngày 29 Tết Tân Mão phần lớn ngư dân Nghi Thuỷ mới rời biển để về đón Tết, vui xuân cùng gia đình nhưng đến sáng ngày mùng 2 Tết nhiều ngư dân đã làm lễ xuất hành ra khơi đầu năm.
Các năm trước, chuyến đi đầu năm của ngư dân chỉ chủ yếu là lấy ngày chứ không hy vọng nhiều về thu nhập, nhưng năm nay hầu hết các chuyến "mở hàng" của ngư dân đều cho tín hiệu khả quan; những mẻ lưới đầu năm mà các chủ tàu trúng đậm là tôm, cá chim... đặc biệt là con ruốc. Từ ngày 2-12 ÂL, ngư dân Nghi Thuỷ đã đánh bắt được hơn 100 tấn ruốc; điển hình như tổ thuyền của anh Nguyễn Văn Châu (ở khối 9) đi te ruốc, dã ruốc đạt 6-7tấn ruốc/ngày, thu nhập hơn 10 triệu đồng, tổ thuyền anh Võ Văn Phúc có chuyến biển đạt hơn 3 tạ tôm, 5 tấn cá chim én, ruốc... thu về trên 50 triệu đồng/ngày.
Thời tiết từ đầu năm đến nay có gió mùa đông bắc nhẹ, biển êm, là dấu hiệu dự báo "được mùa" nên hầu hết các chủ tàu đều tận dụng thời gian này để tăng sản lượng đánh bắt.
Theo thống kê, đến nay toàn phường đã có 2/3 số tàu thuyền ra khơi bám biển, khai thác được hơn 500 tấn hải sản các loại, giá trị sản xuất đạt trên 600 triệu đồng. Nghi Thuỷ hiện có khoảng 1.000 lao động nghề cá với 196 tàu thuyền các loại, trong đó có 27 phương tiện có công suất lớn có thể đánh bắt xa bờ.
Năm qua nhiều tổ thuyền thường xuyên trúng lớn, bình quân lao động được chia gần 40 triệu đồng/người/năm; với thu nhập đó đã cải thiện đáng kể đời sống người dân trong phường. Bên cạnh đó, địa phương đã du nhập thêm các khai thác mới như dã cao tốc, rê xù, bóng ghẹ... Cùng với phát triển hệ thống dịch vụ nghề cá như chế biến mắm, cá khô, moi khô xuất khẩu đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Với không khí khẩn trương cho chuyến biển đầu năm cũng làm cho cảng cá Cửa Lạch Quèn trở nên nhộn nhịp hơn những ngày thường. Những năm qua, Cảng cá cửa Lạch Quèn được Nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng nạo vét, xây dựng cầu cảng, bãi neo đậu để tàu thuyền của các xã Tiến Thuỷ, Quỳnh Dị, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long về đây đưa tôm cá lên bờ và chuẩn bị xăng dầu, nhu yếu phẩm cho những chuyến vươn khơi. Đây là điểm cuối cùng của sông Mai đổ ra cửa Lạch Quèn nên cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu là đánh bắt hải sản và làm dịch vụ biển.
Trên cảng cá chan hoà ánh nắng đầu xuân, chúng tôi được chứng kiến những gia đình ngư dân ăm ắp niềm vui vì đã có những chuyến biển đầu năm thắng lợi. Gặp ngư dân Hồ Văn Thắng (xã Quỳnh Dị), ông vui vẻ tâm sự: "Mấy ngày tết nhà nào cũng dư thịt, dư mỡ. Thuyền của tôi đi trong ngày chỉ kiếm được dăm chục kg cá nhỏ, nhưng tươi roi rói thế này bán rất được giá.
So với cùng kỳ các năm, đây là lần ra khơi chúng tôi có thu nhập cao nhất. Hy vọng năm nay làm ăn sẽ thuận lợi". Không giống như các địa phương khác là đi biển quanh năm, ngư dân Quỳnh Dị chỉ ra khơi vào tháng 1, tháng 2 và tháng 11 ÂL.
Vì đó là thời điểm đánh bắt được số lượng cá cơm, tôm, tép nhiều nhất để phục vụ cho làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi của địa phương. Năm nay, lễ hội cầu ngư ở Quỳnh Dị được tổ chức vào ngày mùng 5tết để kịp cho bà con ngư dân đi chuyến biển đầu năm. Tham gia lễ hội không chỉ đem lại niềm vui cho mỗi người dân mà qua đó còn giúp ngư dân vùng biển yên tâm hơn với những chuyến vươn khơi, bám biển để đem đất liền về những vụ mùa bội thu.