Bắt mạch tìm nước

Chúng tôi đến nhà khi anh Trần Công Hướng vừa trở về từ Đắc Lắc, sau chuyến đi “tìm nước” cho người dân huyện K’rông Ana.

Được cha truyền dạy lại kinh nghiệm và cộng với một chút năng lực đặc biệt, những năm qua, anh Hướng đã dùng biệt tài của mình giúp người dân khắp nơi tìm ra mạch nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Trần Công Hướng, con trai thứ 7 của ông Hoàng là người kế tục nghề bắt mạch tìm nước ngầm. Anh xác định độ nông - sâu của mạch nước bằng đồng hồ đeo tay và những viên sỏi. Ảnh: Thanh Phúc
 Anh Hướng cho biết: “Khả năng “thăm nước” đặc biệt này có từ đời ông nội tôi là Trần Trạch. Ngày trước, ông cụ dùng 10 đồng tiền xu, xâu chúng lại vào một sợi dây, sau đó buộc sợi dây vào cổ tay, kéo rê các đồng xu trên mặt đất, nếu dưới đất có mạch nước thì đồng xu sẽ kéo về hướng đó. Cách làm này khá chính xác nhưng công phu và mất nhiều thời gian. Đến đời cha tôi là ông Trần Huy Hoàng đã có cách để tìm ra mạch nước đơn giản, nhanh và chính xác hơn”.
Cách mà ông Hoàng tìm mạch nước ngầm là dùng 2 thanh sắt nhỏ, hình chữ L dài khoảng 50cm, ngoắc 2 thanh sắt đó trên ngón tay trỏ, giữ cho thanh sắt thăng bằng, khi có mạch nước ngầm, 2 thanh sắt sẽ chuyển động dần đều, việc của ông là điều chỉnh người đi theo hướng thanh sắt chuyển động, đến khi gặp đúng mạch nước, ngay lập tức thanh sắt đứng yên, không còn lắc qua, lắc lại nữa.
Lúc còn sống, ông Hoàng, bố của anh Hướng đã lặn lội ra Bắc, vào Nam tìm mạch nước ngầm giúp dân. Ảnh: Tân Bảo

Ban đầu, ông chỉ giúp người thân, người làng tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Sau đó, “tiếng lành đồn xa”, khả năng đặc biệt của ông lan xa, người trong Nam, ngoài Bắc đều tìm đến ông nhờ ông tìm nguồn nước. Mặc dù sức khỏe yếu (bệnh tim mạch, huyết áp) nhưng mỗi khi có người cần đến, ông không nề hà chuyện đường xa, cũng chẳng để tâm đến chuyện công sá mà chỉ tâm niệm làm việc thiện giúp người.

Người dân ở các địa phương vùng hạn như Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tương Dương… đều biết đến tên ông, mang ơn ông khi tìm giúp họ nguồn nước sinh hoạt mà bấy lâu, khi thuê thợ khoan, đào đều bó tay. Ông cũng từng nhận lời mời của lãnh đạo một khu công nghiệp ở Đồng Văn (Hà Giang) tìm nguồn nước sinh hoạt cho công nhân khai thác thiếc; tìm ra nguồn nước tưới cho vùng cà phê ở Tây Nguyên, vùng trồng Thanh Long ở Bình Thuận, nước sinh hoạt cho các đơn vị bộ đội ở Hòa Bình.
Video tư liệu về quá trình tìm nước của ông Trần Huy Hoàng lúc còn sống. Clip tư liệu: Tân Bảo

Bà Nguyễn Thị Thuân, vợ ông cho biết: "Gần 30 năm hành nghề tìm nước, ông nhà tôi đã giúp hàng nghìn gia đình, đơn vị, tập thể có nước sinh hoạt, công sá chẳng tính toán gì, người ta gửi chừng nào nhận chừng đó, những gia đình khó khăn quá thì thôi, coi như là giúp họ… Đến giờ, đã mất gần 2 năm, nhưng tiếng tăm của ông vẫn được lan truyền, nhiều người vẫn gọi vào số điện thoại của ông với mong muốn được ông tìm nước giúp".

Giữ nghề để giúp người

Hiện tại, 2 trong 7 người con của ông Hoàng là anh Trần Công Hướng (con trai thứ 7) và chị Trần Thị Hòa (con gái út, hiện đang ở Sài Gòn) là có khả năng đặc biệt giống cha mình, những người con còn lại dù được cha truyền đạt kinh nghiệm, thử tập luyện và làm nhiều lần nhưng độ chính xác không cao. 

Anh Hướng cho biết: “Việc bắt mạch nguồn nước ngoài kinh nghiệm, đòi hỏi người làm phải có sự tập trung cao độ, sự tĩnh tại trong tâm thì mới đạt được độ chính xác cao nhất. Bởi mỗi lần thực hiện việc tìm nước, nó hao tổn khá nhiều sức lực, tinh thần. Theo cha tôi lý giải thì vì mạch nước nằm trong lòng đất, chưa qua khí trời nên hút thanh sắt di chuyển, nếu có sự tập trung, dồn sức lực, tâm trí thì sẽ xác định được đúng nơi có mạch nước. Lúc cha tôi mất, trăng trối của ông là có người giữ lấy nghề, tìm cách để đo được độ nông sâu của mạch nước nhằm giúp người khi cần…”.

Đó cũng chính là lý do mà anh Hướng tìm cách giữ và phát triển nghề dù rằng công việc kinh doanh của anh hết sức bận rộn. “Sau khi cha tôi mất, chúng tôi vẫn giữ số điện thoại của ông, nhiều người ở các vùng quê khác nhau vẫn thường gọi đến khẩn thiết nhờ ông tìm nguồn nước. Nghe lời khẩn cầu, hiểu được sự cấp bách, cần kíp của họ khi thiếu nước sinh hoạt, tôi thu xếp việc kinh doanh, đi tìm mạch nước ngầm giúp họ”.

Niềm vui của người dân khi có nước sinh hoạt được cha con ông Hoàng tìm mạch giúp. Ảnh: T.P

Qua quá trình vừa làm vừa thử nghiệm, mày mò cuối cùng anh Hướng đã tìm ra cách đo chính xác độ nông sâu của mạch nước. Anh sử dụng một chiếc đồng hồ đeo tay buộc vào một sợi chỉ dài, sau đó cuốn sợi chỉ vào tay, khi đưa đến điểm có mạch nước ngầm, chiếc đồng hồ sẽ xoay vòng, thả những viên sỏi vào lòng bàn tay có buộc đồng hồ cho đến khi đồng hồ ngừng xoay, đếm số viên sỏi có trong tay, mỗi viên tương ứng với 1m. Có bao nhiêu viên sỏi trong tay thì mạch nước sâu bấy nhiêu mét.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đoàn Văn Cánh – Chủ tịch Hội địa chất Thủy văn Việt Nam lý giải: Khả năng của ông Trần Huy Hoàng ở Nghệ An là có thật. Ở đây, ông Hoàng dùng 2 thanh sắt, còn những trường hợp khác lại sử dụng những phương tiện khác như gậy cao su, đồng hồ kim, đồng tiền xu… để nhận biết vị trí của mạch nước ngầm. Nhưng cho đến bây giờ, là nhà nghiên cứu địa chất thủy văn mấy chục năm nay rồi nhưng chúng tôi chưa khẳng định được cơ sở khoa học của phương pháp ấy. Đó là khả năng đặc biệt của một con người. Với những phương pháp này, đã giúp bà con tìm được nguồn nước phục vụ cuộc sống thì đó là điều nên khuyến khích.