Trong cuộc thảo luận bàn tròn ở thành phố Pasig (Philippines), chuyên gia này cho biết bà sẽ nghiêng về một cơ chế “tiểu đa phương” thay vì bao gồm toàn bộ các nước thành viên ASEAN tham gia đối thoại với Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

anh_28321529_2562018.jpgHội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc ở Manila. Ảnh: AP
Bà Baviera chia sẻ: “ASEAN vẫn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề nhất định, song ASEAN nhìn nhận vấn đề Biển Đông như thế nào? Đây là một vấn đề Trung Quốc-ASEAN, chừng nào ASEAN còn quan tâm”. Theo chuyên gia Baviera, tranh chấp trên biển chỉ liên quan tới Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN.

Bà Baviera nhận định, các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý đã được thực hiện kể từ giữa những năm 1990, song đạt được rất ít tiến triển, kể cả khi Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thông qua hồi năm 2002.

Kể từ đó, bầu không khí trong khu vực đã thay đổi và những vấn đề mà các nước nỗ lực giải quyết thông qua bộ quy tắc không còn là mối quan ngại an ninh hàng đầu ở Biển Đông.

Bà Baviera chỉ ra rằng: “Mọi thứ mà Trung Quốc làm ở Biển Đông được điều khiển bởi chính nhận thức của nước này trước những gì Mỹ đang làm... Không còn thiết thực khi tiếp tục làm những việc tương tự, bởi những việc này vốn đã được chứng minh là thất bại trong quá khứ. Tôi tin rằng đó là sự thất bại của chủ nghĩa đa phương, và sự yếu kém của cấu trúc gây ra các vấn đề này”.

Trong khi Trung Quốc và ASEAN đàm phán về COC, Bắc Kinh và Manila cũng tiến hành một cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông.

Trong khi đó, Giáo sư Ben Schreer thuộc trường Đại học Macquarie (Australia), chỉ trích cách Trung Quốc tiếp tục biến Biển Đông thành “ao hồ” của mình.

Giáo sư Screer cho rằng, thế giới cần coi vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là một “sân khấu trên biển rộng lớn”, có liên quan tới nhiều khu vực khác của châu Á.