Sự tồn tại của khái niệm “trang thông tin điện tử tổng hợp” trong Luật Báo chí có thể xem là một hình thức khuyến khích vi phạm bản quyền. Bởi vậy, nên dẹp bỏ khái niệm này trong Luật.
 
images1189478_trang_tin_dien_tu_tong_hop.jpgCác trang tin điện tử tổng hợp không được tự sản xuất nội dung, nên thường phải lấy nội dung từ các tờ báo khác, dễ vi phạm bản quyền báo chí. Ảnh minh họa: Nguồn: Internet.

Tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội (gọi tắt là UBVHGDTNTN&NĐ) tổ chức sáng 10/7/2015 ở Hà Nội, nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, thêm một lần nữa đau đáu trước vấn nạn “làm báo a dua và cắt dán” trong bối cảnh nở rộ các trang thông tin điện tử (website) tổng hợp.

Nhà báo Hữu Thọ phân tích: “Điểm 21 Điều 4 trong dự thảo Luật Báo chí quy định “trang thông tin điện tử tổng hợp” là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, có liên quan đến hoạt động báo chí do cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin báo chí và ghi rõ tên tác giả hoặc tên cơ quan báo chí, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.

Nhưng thực tế có tình trạng nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp lấy mỗi bài báo một ít rồi chế biến thành bài của mình. Các báo điện tử đứng đắn đều rất  đau lòng trước hiện trạng này, bởi đã phải mất rất nhiều công sức để làm tin bài nhưng ngay sau đó dễ dàng bị người khác cắt dán nội dung của mình mà khó có thể xử lý được.

Làm báo a dua và cắt dán đang là mối nguy hại rất lớn. Định nghĩa như trong dự thảo chưa hoàn chỉnh, chưa bao hàm được việc nghiêm cấm chuyện cắt dán nội dung thông tin. Dự thảo Luật Báo chí nên quy định chi tiết thêm để khống chế hành vi cắt dán đang rất phổ biến”.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Công ty Le Media nhấn mạnh: “Các trang thông tin điện tử tổng hợp đang là các đơn vị xâm phạm bản quyền báo chí nhiều nhất. Nguyên nhân là các trang thông tin điện tử tổng hợp được luật khuyến khích vi phạm bản quyền”.

Làm rõ hơn nhận định nêu trên, ông Lê Quốc Vinh nói: “Sự tồn tại của loại hình truyền thông trang thông tin điện tử tổng hợp trong dự thảo Luật Báo chí đã là sự bất hợp lý. Điều kiện để cấp phép cho phương tiện truyền thông này lại là “được phép sao chép ít nhất 5 cơ quan báo chí”. Nếu các trang thông tin điện tử tổng hợp được phép “xào nấu” lại các tác phẩm báo chí thì chỉ khuyến khích thêm vi phạm bản quyền.

Trên thực tế, không một cơ quan báo chí nào (trừ phi là cơ quan báo chí quá nhỏ bé) cho phép một website sao chép lại bài vở của họ, bởi như vậy thì một cách gián tiếp giảm bớt lượng đọc hoặc lượng truy cập vào chính tờ báo đó. Ngay cả khi được trả tiền tác giả thì thiệt hại cũng là rất đáng kể.

Các trang thông tin điện tử tổng hợp không được phép tự làm nội dung, sẽ nghiễm nhiên xào lại, cóp nhặt bài vở của các trang báo chí khác chứ không thể tồn tại chỉ với nội dung từ 5 tờ báo. Vì số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp quá nhiều nên khả năng ngăn chặn việc sao chép là rất khó. Nếu luật làm chặt, các trang thông tin điện tử tổng hợp lại phải tự làm nội dung, thì lúc đó lại vi phạm giấy phép”.

Với những lập luận nêu trên, ông Lê Quốc Vinh kiến nghị: “Cần cân nhắc dẹp bỏ hình thức “trang thông tin điện tử tổng hợp” trong dự thảo Luật Báo chí. Chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các trang thông tin điện tử có tính chất báo chí, cho dù đó là báo điện tử hay chuyên trang điện tử. Các loại website, kênh thông tin điện tử khác thuộc các tổ chức, cá nhân sẽ được xuất bản và điều chỉnh theo quy chế của các phương tiện truyền thông phi báo chí”.

Theo Infonet