“Cơ quan chủ quản lâu nay làm việc rất à ơi, nghe thì rất hoành tráng nhưng cuối cùng không chịu trách nhiệm gì, chỉ giống như kiểu “đười ươi giữ ống”, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT nói.
 
Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí lại một lần nữa được bàn thảo tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí vừa diễn ra ở Hà Nội.
 
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT thẳng thắn nhận định: “Cơ quan chủ quản lâu nay rất à ơi, nghe thì rất hoành tráng nhưng cuối cùng không chịu trách nhiệm gì, chỉ giống như kiểu “đười ươi giữ ống”. Khi có sai phạm thì các nhà báo, phóng viên phải chịu trách nhiệm chính, còn tổng biên tập, cơ quan chủ quản chỉ chịu trách nhiệm liên đới khi bị xử phạt”.
 
“Phải trở lại Sắc lệnh 282 năm 1956, trong đó quy định rõ: trong mọi trường hợp vi phạm, chủ nhiệm (tức là chủ quản), chủ bút phải chịu trách nhiệm chính, còn người viết liên đới chịu trách nhiệm. Chúng ta cần tiếp thu và đưa tinh thần này vào dự thảo Luật Báo chí mới”, ông Đỗ Quý Doãn đề xuất.
 
images1189992_infonet_ts_doan.jpgÔng Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự án Luật Báo chí sáng 10/7 ở Hà Nội. Ảnh: B.M
 
Cũng theo ông Đỗ Quý Doãn, cơ quan chủ quản phải cử ra người chịu trách nhiệm cụ thể nếu xảy ra các vấn đề cần xử lý. Có thể là thủ trưởng cơ quan chủ quản hoặc người được cơ quan chủ quản ủy quyền. Nếu chỉ để chịu trách nhiệm chung chung thì cuối cùng không ai chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, cơ quan chủ quản có 5 lãnh đạo, khi có vấn đề sai phạm, lẽ nào xử cả 5 lãnh đạo này(?).
 
Đồng quan điểm nêu trên, GS. Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên nhi đồng phân tích: “Hiện nay, Nhà nước không kiểm duyệt báo chí nên trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo sự đúng đắn của nội dung thông tin trên báo chí đương nhiên là trách nhiệm của cơ quan chủ quản cơ quan báo chí. Dự thảo Luật Báo chí đã quy định rằng tổng biên tập, phó tổng biên tập, nhà báo phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin. Tuy nhiên, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản vẫn chưa được quy định cụ thể trong dự thảo.
 
Phần lớn tồn tại trong hoạt động báo chí thời gian qua không phải từ những bất cập trong luật mà nguyên nhân là những bất cập trong công tác quản lý của cả cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí chứ không chỉ của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Cần nghiên cứu kỹ hơn về quy định trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan chủ quản về nội dung thông tin trên báo chí”.
 
“Có người nói rằng người đứng đầu, cơ quan chủ quản rất nhiều việc, khó có thể chịu trách nhiệm về tất cả những nội dung thông tin đăng trên báo chí. Tuy nhiên, lý lẽ này không thuyết phục.
 
Các cơ quan chủ quản chỉ xin ra tờ báo, sau đó khoán cho tổng biên tập, cái đó là không đúng. Sở dĩ phải sinh ra cơ quan chủ quản là để thay mặt Nhà nước kiểm tra, kiểm soát nội dung. Trên thực tế, các cơ quan chủ quản rất ít phát huy tác dụng trong việc này.
 
Đề nghị cơ quan chủ quản nào muốn sinh ra tờ báo thì phải tìm cho được người có chuyên môn nghiệp vụ để quản lý, chỉ đạo. Tốt nhất là phải chọn nhà lãnh đạo có năng lực trình độ về báo chí, am hiểu lợi ích của báo chí để chỉ đạo tổ chức bộ máy cho tốt. Người lãnh đạo chỉ chỉ đạo, lãnh đạo mà không chịu trách nhiệm gì khi có vấn đề bất cập xảy ra thì không nên”, GS. Trần Thị Tâm Đan khuyến nghị thêm.
 
Theo Infonet