Cố vấn Siegfried S. Hecker, cựu giám đốc của phòng thí nghiệm vũ khí Los Almos tại New Mexico, và hiện là giảng viên tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế Stanford, lập luận rằng điều tốt đẹp nhất mà Mỹ có thể hy vọng là một sự phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn.
Các bước thực hiện và lịch trình phi hạt nhân hóa đã được đưa ra trong một báo cáo vừa được lưu hành tại Washington do ông Hecker cùng hai đồng nghiệp tại Trung tâm Stanford biên soạn.
Trong báo cáo của mình, ê-kíp Stanford thấy ba giai đoạn trùng khớp trong hoạt động phi hạt nhân hóa mất tổng cộng 10 năm. Giai đoạn đầu tiên, kéo dài tới một năm, là chấm dứt các hoạt động tuyển dụng, công nghiệp và quân sự.
Giai đoạn thứ hai, mất khoảng 5 năm, là giảm dần các cơ sở, trang thiết bị và vũ khí. Giai đoạn cuối và cũng khó nhất, có thể kéo dài tới 10 năm, là phá hủy hoặc hạn chế các nhà máy và các chương trình.
Riêng việc khử độc và chấm dứt hoạt động của một nhà máy xử lý các nguyên liệu phóng xạ cũng có thể mất đến một thập kỷ hoặc hơn thế nữa.
Trong bài phỏng vấn hôm 27/5, Hecker cho biết, theo ước tính của cá nhân ông thì sự phi hạt nhân hóa phải mất khoảng 15 năm do những biến động về chính trị và công nghệ mà Mỹ cùng Triều Tiên sẽ phải đối mặt nếu muốn xúc tiến một thỏa thuận lịch sử.
Tiến sĩ Hecker lập luận rằng phương pháp an toàn duy nhất để tháo dỡ các đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên là yêu cầu chính những kỹ sư Triều Tiên đã chế tạo ta chúng làm điều này.
Chính quyền Trump chưa đưa ra chi tiết về các bước đi cụ thể mà họ xem xét đối với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, hay những đòi hỏi mà họ dự định đưa ra nếu ông Trump gặp ông Kim.
Trọng tâm của họ chỉ là phi hạt nhân hóa phải hoàn toàn, được kiểm chứng và không thể đảo ngược.