Hội nghị thượng đỉnh quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về vấn đề phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6.
Tuy nhiên, hôm 24/5 Trump đã hủy hẹn, lấy lý do là “sự thù địch công khai” từ phía Triều Tiên. Song sau cử chỉ hòa giải của Bình Nhưỡng và vai trò trung gian của Seoul, Trump cho biết hội nghị thượng đỉnh có thể diễn ra như kế hoạch.
“Tôi biết rằng 2 phía sẽ gặp nhau tại Singapore vào ngày 29/5 và tổ chức các cuộc tham vấn về các vấn đề thực tế như ngày cụ thể diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, địa điểm, lễ tân và an ninh”, nguồn tin giấu tên nói trên cho biết.
Các cuộc đàm phán theo kế hoạch tại Singapore đang diễn ra song song với các cuộc tham vấn độc lập tại làng biên giới liên Triều Panmunjom.
Tại Panmunjom, 2 phía được cho là đã thảo luận các phương pháp và lịch trình phi hạt nhân hóa, cũng như các cách để bảo đảm an ninh của Triều Tiên. Các đoàn đàm phán do Đại sứ Sung Kim - từng là trưởng đặc phái viên về hạt nhân của Mỹ và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui dẫn đầu.
Ông Kim, cùng với cấp dưới của mình, rời khỏi khách sạn tại Seoul trong một chiếc xe mui kín ngoại giao vào sáng 29/5, khiến người ta phỏng đoán rằng ông có thể sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Triều Tiên sau vòng đầu tiên hôm 27/5.
Giới quan sát nói rằng sau các cuộc đàm phán cấp công tác, Kim Yong-chol - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có thể gặp nhau để tham vấn lần cuối, nhiều khả năng là tại Washington.
Hiện vẫn chưa rõ 2 bên đã đạt được tiến triển ra sao trong các nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách về phương pháp phi hạt nhân hóa.
Washington đã kêu gọi cách tiếp cận phi hạt nhân hóa nhanh, nghiêm ngặt để ngăn Triều Tiên kéo dài đàm phán và đòi hỏi những lợi ích không thích đáng. Bình Nhưỡng lại ủng hộ giảm dần chương trình hạt nhân của nước này, đổi lấy các lợi ích trong quá trình đó.
Trong cuộc điện đàm hôm 28/5, Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định “tầm quan trọng chung của việc đạt được dỡ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn các vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học cùng chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên”. Đây là một tín hiệu khác cho thấy lập trường cứng rắn của Washington trên mặt trận phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, Trump đã nhiều lần đưa ra viễn cảnh các ưu đãi kinh tế để thôi thúc Bình Nhưỡng đang do dự tiến vào quá trình phi hạt nhân hóa.
“Tôi thực sự Triều Tiên có tiềm năng tuyệt vời và sẽ là một cường quốc tài chính và kinh tế vào một ngày nào nó. Kim Jong-un đồng ý với tôi về điều này. Nó sẽ xảy ra!”, Trump viết trên Twitter hôm 27/5.
Washington cũng đã tìm cách tái bảo đảm với Bình Nhưỡng rằng an ninh của nước này sẽ được giữ vững kể cả sau khi giải trừ quân bị. Bình Nhưỡng rõ ràng tỏ ra thận trọng rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể bị đảo ngược sau sự thay đổi trong chính phủ Mỹ, như được chứng kiến qua các động thái của Trump nhằm đảo ngược thỏa thuận hạt nhân đa phương với Iran đạt được dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.