Việc Triều Tiên mới đây chọn tỉnh miền núi hẻo lánh Chagang làm Đặc khu Cách mạng Songun (tiên quân) làm dấy lên nghi ngờ rằng tỉnh này sẽ trở thành địa điểm quan trọng để cất giấu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, Telegraph ngày 24/5 đưa tin.
Tờ Daily NK chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên có trụ sở ở Seoul trước đó dẫn nguồn tin cấp cao từ Bình Nhưỡng cho biết các quan chức cấp cao thuộc Bộ An ninh quốc gia Triều Tiên hồi tháng 4 được thông báo rằng Chagang sẽ trở thành "cơ sở chiến lược cho quân đội khi xảy ra chiến tranh hiện đại".
Theo giới chuyên gia, Chagang nằm ở biên giới giáp Trung Quốc, có diện tích hơn 16.500 km2, trong đó 98% là đồi núi, rất phù hợp để xây những công trình ngầm nhằm che giấu vũ khí và phương tiện nghiên cứu hạt nhân của chính quyền Triều Tiên.
Báo cáo của Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) hồi năm 2013 cũng cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh chuyển các cơ sở công nghiệp quốc phòng xuống lòng đất để khỏi bị theo dõi và tấn công.
Phần lớn trong số 1.800 cơ sở sản xuất vũ khí của Bình Nhưỡng được đặt ở tỉnh Chagang và các vùng sâu vùng xa khác, một phần hoặc toàn bộ ở dưới lòng đất nhằm giảm thiểu thiệt hại trong chiến tranh.
Thông tin được Telegraph đưa ra chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố đã phá hủy xong bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chỉ mời các phóng viên quốc tế đến chứng kiến sự kiện mà không cho phép các chuyên gia tiếp cận hiện trường.
Việc phá hủy bãi thử Punngye-ri được coi là động thái thể hiện thiện chí của Triều Tiên trước thềm cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra ở Singapore ngày 12/6 để bàn về nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo. Ông Trump hôm 24/5 tuyên bố rút khỏi hội nghị, nhưng một ngày sau đó lại nói rằng cuộc gặp vẫn có thể diễn ra theo kế hoạch.