(Baonghean) - Chiều buông xuống Thà Lạng. Dưới ánh hoàng hôn, những ngôi nhà sàn thấp thoáng bên dãy núi Pù Tẻn Tao trông thật nhẹ nhõm, ấm áp. Nhịp sống miệt rừng dường như chậm lại...

Giữa cái nắng oi ả của miền rẻo cao Kỳ Sơn, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất nghèo khó của xã Bảo Thắng. Con đường từ ngã ba Xiêng Thù vào tới trung tâm xã nay đã được rải nhựa gần 30 km. Xe bon bon chạy như mang theo niềm vui của biết bao nhiêu người đã được thỏa nguyện về một tuyến giao thông khang trang thuận lợi, cho dù, con đường này mới chỉ nhựa hóa đến trung tâm bản Cha Ca 1 chứ chưa vào đến các bản xa sâu khác. 

images1655991_bna_57af288890587.jpgBản Thà Lạng.

Chúng tôi “hành quân” sang bản Thà Lạng, nơi được anh Phạm Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng giới thiệu là một trong những bản khó khăn nhất hiện nay. Còn nhớ mùa mưa năm 2007, chúng tôi có dịp vào Bảo Thắng. Từ thị trấn Mường Xén bắt xe lai vào mà không có bất cứ ai nhận chở dù khách chấp nhận trả giá cao. Thời điểm đó, chiếc xe máy đi vào Bảo Thắng đều tự trang bị một chiếc xích quấn xung quanh lốp như một giải pháp giảm trơn trượt.. 

Bây giờ, qua một chuyến theo chân anh Phó Chủ tịch xã trẻ vào Thà Lạng chúng tôi mới thấm thía vì sao cánh xe lai, xe ôm lại nguầy nguậy lắc đầu. Trời không mưa nhưng cũng khiến người cầm lái xe máy phải mướt mồ hôi vì con đường gồ ghề những dốc là dốc. Hơn 8 cây số thôi, nhưng chúng tôi cũng mất khoảng một giờ đồng hồ mới đặt chân tới được bản Ca Da. Chúng tôi mệt nhoài còn anh phó chủ tịch xã trẻ cười vui vẻ: “Các anh thấy cái khổ của Bảo Thắng chưa? Cũng may là các anh vào sớm chứ vào đúng mùa mưa thì có muốn đi bộ cũng chịu”. 

Dân bản bóc bon bo để bán.

Dọc đường, chúng tôi gặp mấy lán trại của dân bản Thà Lạng. Ghé vào xin cốc nước, ông Xeo Phò Thắng bảo rằng: “Dân bản ở đây chưa khi nào uống nước đun sôi cả, các anh thông cảm uống nước suối cho mát”. Người gầy đen nhưng ông Xeo Phò Thắng nom còn tráng kiện lắm. Ông cùng các con mình lập ra cái gia trại này cũng hơn 30 năm để chăn nuôi và làm rẫy...

Đi thêm chừng 1 cây số, chúng tôi đặt chân tới bản Thà Lạng. Bản nằm sau những tán cây rừng bên bờ khe Còm. Xa xa, trong ánh hoàng hôn, nom Thà Lạng thật đẹp và quyến rũ. Làn khói mơ tan tỏa lên bên những ngôi nhà sàn, nhiều nhà đang tranh thủ luộc những mẻ quả bon bo vừa lấy từ trên rừng về để kịp phơi bán cho thương lái. Bên bậu cửa, mấy người phụ nữ luống tuổi ngồi ăn trầu, quấn thuốc hút và xì xầm nói chuyện. Phụ nữ Khơ mú có đặc điểm là vào độ trung niên hầu như ai cũng biết hút thuốc. Những cây thuốc lá trồng trên rẫy cao đem về phơi khô, thái nhỏ ra rồi quấn giấy hút. Đàn ông và phụ nữ đều như nhau, ai thích hút thuốc lá thì hút, thích ăn trầu thì ăn, và họ coi như đó là thú vui hàng ngày.

Trên ngôi bản có những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau, những cư dân nơi đây quần cư từ bao đời nay. Họ lên rẫy gieo cây lúa, nuôi con trâu, con bò để mưu sinh qua ngày. Ở nhà thì có thêm con lợn, con gà nuôi dưới gầm nhà sàn. Lợn đen của người Khơ mú ở Thà Lạng từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon, chỗ ở của chúng cũng là nơi ở của người nuôi. Người Khơ mú Thà Lạng chăn nuôi chỉ để tự cung tự cấp. 

Phơi bon bo.

Anh Xeo Văn Thắng – Trưởng bản Thà Lạng bảo rằng: “Bản bây giờ đã khởi sắc đôi chút nhưng khổ nỗi con đường chưa có nên sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp. Con lợn, con trâu nuôi được để làm cúng là phần nhiều. Còn các sản phẩm từ cây trồng thì chẳng có gì hết. Không biết bao giờ người dân nơi đây mới có một con đường để vận chuyển hàng hóa ra tận trung tâm xã”.

Chăn nuôi bò là hướng đi chủ yếu của Thà Lạng.

Ấy vậy mà năm nào ông trời cũng làm cho người dân Thà Lạng phải lo lắng. Qua mấy đợt nắng hạn, lúa trên rẫy chết hàng loạt, cái đói trước mắt đến rất gần. Ngồi bóc quả bon bo vừa luộc cạnh đứa con trai mới hơn 6 tuổi, anh Moong Văn Nghệ bảo: “Chắc sang năm gia đình không có cái ăn rồi. Năm ngoái thì chuột cắn lúa chết nhiều nhưng gieo lại rồi còn đỡ, năm nay vừa gieo hơn 3 yến lúa giống vậy mà chết hơn nửa rồi”.

Sáng dậy, từ khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, cả vợ chồng, con cái nhà anh rủ nhau lên rừng lấy quả bon bo. Đầu mùa thì còn kiếm được kha khá chứ bây giờ đi sang đến tận đất Mường Lống rồi mà vẫn chẳng được là bao. Mỗi ngày cứ trời nhá nhem mặt người mới trở về, cả mùa mới kiếm được hơn triệu bạc.

Chăn lợn đen bên nhà sàn.

Thế vẫn còn may, dù sao ông trời cũng còn thương dân Thà Lạng khi cho núi Pù Tẻn Tao này bao nhiêu là quả bon bo và măng rừng. Giá mỗi cân bon bo phơi khô được thương lái mua với giá 27.000 đồng, còn măng rừng thì đắt hơn. Cứ đến mùa này người dân lại nô nức rủ nhau vào rừng để kiếm thêm thu nhập. Tuy vất vả nhưng cũng bù lại được đôi phần do lúa chết.

Ngồi trầm ngâm bên điếu thuốc vừa quấn, ánh Lò Phò Dậu cho hay, năm ngoái dịch bệnh làm trâu bò nhà anh chết hết. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt đổ vào đấy thế là hết. Rồi năm nay lúa rẫy lại chết mất phân nửa, ăn sợ còn không đủ lấy gì mà cho 2 đứa con còn đi học. Bây giờ chỉ còn hy vọng đàn lợn con kịp lớn trước khi bọn trẻ vào năm học mới để mua cho chúng bộ quần áo tươm tất đến trường. Nỗi lo của người cha Khơ mú đã cho thấy đã có những đổi thay trên mảnh đất Thà Lạng này.

Phó Chủ tịch xã Phạm Văn Hòa cho biết thêm: “Thà Lạng là một trong những bản nghèo nhất của Bảo Thắng mà Bảo Thắng là một trong những xã nghèo nhất Kỳ Sơn. Cái khó khăn nhất bây giờ là đường đi. Trong các chương trình hỗ trợ, cấp chính quyền đều xác định đầu tư để phát triển chăn nuôi là cơ sở để phát triển kinh tế cho bản”.

Một cơn mưa trút xuống. Chúng tôi vội bảo nhau trở ra may còn kịp. Thế đấy, ai lên thẻo rừng này chắc cũng thế thôi. Thà Lạng dần khuất, chơi vơi giữa đất trời. Không biết cơn mưa hôm ấy có kéo dài?

Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN