bna__bac_si_ck2_trinh_xuan_nam__truong_doan_cong_tac_anh_thanh_cuong2152317_1492020.jpgBác sĩ CK2 Trịnh Xuân Nam - Trưởng đoàn công tác y tế Nghệ An tăng viện cho Đà Nẵng. Ảnh: Thành Cường
P.V:Bác sĩ có thể cho biết lịch trình và những phần việc cụ thể mà đoàn công tác của Sở Y tế Nghệ An hỗ trợ cho TP. Đà Nẵng chống dịch Covid-19 thực hiện thời gian qua?
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam:Đoàn công tác cán bộ y tế Nghệ An đã có 24 ngày có mặt tại TP. Đà Nẵng để giúp địa phương này chống dịch Covid-19. Ngày 20/8/2020, đoàn khởi hành từ Nghệ An. Một ngày sau khi vào TP. Đà Nẵng, đoàn được chia làm 2 nhóm đến nhận nhiệm vụ ở 2 trong 3 bệnh viện dã chiến của thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, một nhóm gồm 10 cán bộ được tăng cường đến bệnh viện dã chiến của Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang; nhóm 6 cán bộ còn lại được tăng cường cho Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Tại 2 bệnh viện này, tùy theo chuyên ngành, năng lực chuyên môn mà các cán bộ y tế của Nghệ An được phân chia vào các khoa, phòng tương ứng.
Cán bộ y tế Nghệ An tham gia phòng, chống dịch tại TP. Đà Nẵng được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Ảnh tư liệu Hoàng Yến
Các đoàn công tác đến hỗ trợ TP. Đà Nẵng vào đúng thời điểm “đỉnh dịch”. Lúc này, tình hình dịch bệnh đã vượt quá khả năng kiểm soát của TP. Đà Nẵng. Ổ dịch hầu hết nằm ở các bệnh viện nên rất nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền và thường rất nặng. Chính điều này đã gia tăng tỷ lệ tử vong... Trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, điều kiện làm việc rất áp lực, song các đoàn cán bộ y tế hỗ trợ cho TP. Đà Nẵng, trong đó có Nghệ An đã không quản ngại vất vả để chung tay tham gia phòng, chống dịch bệnh.
P.V:Hiện nay tình hình dịch Covid-19 ở TP. Đà Nẵng diễn biến như thế nào thưa bác sĩ? Còn có những nguy cơ dịch Covid-19 tồn tại ở địa phương này hay không?
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam:Có thể khẳng định, chúng ta đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch Covid-19 tại TP. Đà Nẵng. Thành phố này đã dỡ bỏ dần các biện pháp cách ly, trả lại cuộc sống thường ngày. Tuy vậy, có thể vẫn còn đó những ổ dịch nhỏ lẻ trong cộng đồng mà chúng ta chưa thể phát hiện được.
Bên cạnh đó, một số người bệnh nhập cảnh từ nước ngoài về mà chúng ta chưa làm tốt trong công tác xác định, quản lý, cách ly. Nguy cơ nữa nằm ở nhóm bệnh nhân Covid-19 sau khi ra viện song vẫn có thể dương tính trở lại vì chưa có các nghiên cứu để khẳng định các trường hợp này có nguy cơ lây nhiễm hay không. Đây chính là 3 nguy cơ cần quan tâm và được kiểm soát tốt ở TP. Đà Nẵng trong thời gian tới.
Cán bộ y tế Nghệ An tham gia phòng, chống dịch tại TP. Đà Nẵng. Ảnh tư liệu Hoàng Yến
 P.V:Qua chuyến công tác này, ngành Y tế Nghệ An nói chung và đoàn công tác nói riêng đã thu nhận được những bài học kinh nghiệm nào trong công tác chống dịch, điều trị cho bệnh nhân?
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam:Qua đợt công tác này, chúng ta cũng học hỏi được rất nhiều về bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh của TP. Đà Nẵng.
Thứ nhất, công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly tại các bệnh viện cần được coi trọng. Đặc biệt là đối với các bệnh nhân có bệnh lý nền ở Khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân suy thận mạn, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân tim mạch, đái tháo đường và những người cao tuổi. Đây là những nhóm bệnh nhân khi mắc Covid thường rất nặng và nguy cơ tử vong cao.
Thứ hai, việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến tại TP Đà Nẵng được thực hiện rất tốt. Thành công ở đây xuất phát từ việc các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng rất quyết tâm. Ví dụ như với Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang khi được quyết định trở thành bệnh viện dã chiến, thì sau 4 ngày TP. Đà Nẵng đã hoàn tất mọi yêu cầu về chuyên môn để đưa vào sử dụng như đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận nhân tạo, nhà mổ được làm mới.
Hoạt động phòng, chống dịch tại các bệnh viện dã chiến của TP. Đà Nẵng diễn ra rất vất vả, căng thẳng. Ảnh Hoàng Yến
Thứ ba, việc huy động nguồn lực, nhân lực và việc bố trí nhân lực trong quá trình vận hành bệnh viện dã chiến cần được chú trọng. Ở bệnh viện dã chiến được bố trí tỷ lệ 1 - 1,2 cán bộ phục vụ cho 1 giường bệnh, tuy nhiên, trong thực tế thì ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang có lúc lên đến 2,5 cán bộ/1 giường bệnh. Tỷ lệ được nâng lên song sự vất vả vẫn diễn ra với cán bộ y tế. Do nguồn nhân lực được huy động từ nhiều nơi, trình độ không đồng đều nên việc bố trí, điều động, sắp xếp hợp lý là rất cần thiết, để bệnh viện hoạt động suôn sẻ, nhịp nhàng.
Thứ tư, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong điều trị Covid-19, tránh lây nhiễm chéo và nhiễm trùng cơ hội đối với bệnh nhân, nhân viên y tế, trong cộng đồng có tầm quan trọng đặc biệt.
Thứ năm, công tác hậu cần cũng hết sức quan trọng. Nguồn lực để phòng, chống, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đòi hỏi rất lớn. Đặc thù bệnh nhân Covid-19 là cán bộ y tế phải chăm sóc, phục vụ hoàn toàn, kể cả trong sinh hoạt. Vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị tốt nguồn lực. TP. Đà Nẵng đã huy động được một nguồn lực rất lớn từ các nhà hảo tâm, người dân để hỗ trợ nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày cho nhân viên y tế và bệnh nhân.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tặng hoa, cảm ơn đoàn công tác y tế Nghệ An. Ảnh Hoàng Yến
Thứ sáu, cần lưu ý giám sát tốt bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi ra viện. Tại TP. Đà Nẵng, tỷ lệ bệnh nhân tái dương tính sau khi ra viện chiếm tỷ lệ 1% tổng số bệnh nhân được điều trị. Chúng ta cần phải quan tâm, theo dõi, giám sát, lấy mẫu định kỳ để cách ly và tiếp tục điều trị cho người bệnh.
P.V:  Theo bác sĩ, từ bài học Đà Nẵng, Nghệ An cần phải có sự chuẩn bị như thế nào để có thể đương đầu với những ca mắc Covid-19 trong cộng đồng có thể xảy ra ở địa phương?
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam:Theo tôi nghĩ, trong giai đoạn này, nguy cơ các ca bệnh bị mắc Covid trong cộng đồng vẫn có thể xảy ra. Nghệ An chúng ta không được phép chủ quan. Để ứng phó tốt với dịch Covid-19.
Thứ nhất, chúng ta cần làm tốt công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly các đối tượng nguy cơ tại các bệnh viện và công dân từ vùng dịch trở về (kể cả từ nước ngoài).
Tập huấn phòng, chống Covid-19 ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Ảnh: Bệnh viện HNĐK tỉnh Nghệ An
Thứ hai, chúng ta phải xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể, chi tiết, khoa học để đối phó khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt khi xuất hiện hàng loạt ca bệnh.
Thứ ba, khi dịch bệnh xảy ra cần chú trọng việc điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Trong điều trị thì chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế việc lây chéo cho nhân viên y tế và nhiễm trùng cơ hội ở nhóm bệnh nặng.
Thứ tư, chúng ta phải triển khai tổ chức, vận hành các bệnh viện dã chiến một cách khoa học, nhịp nhàng và thuần thục.
Thứ năm, chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết, hiểu, phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
P.V:Thời điểm này, tình hình sức khỏe của đoàn công tác ra sao? Bác sĩ có thể chia sẻ kỷ niệm trong chuyến công tác đáng nhớ này không? 
Bác sĩ Trịnh Xuân Nam:Hiện nay, đoàn cán bộ y tế Nghệ An đã được cách ly phòng, chống dịch tại 1 khách sạn ở thị xã Cửa Lò. Tất cả 16 thành viên trong đoàn đều có tình trạng sức khỏe tốt, kể cả thể chất lẫn tinh thần. Mọi người đều rất phấn khởi với sự đóng góp của đoàn cho TP. Đà Nẵng cũng như sự đón tiếp, chu đáo, tận tình, đầy tình cảm của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. 
Khách sạn ARMY (thị xã Cửa Lò ) được lựa chọn là địa điểm cách ly chống dịch cho đoàn công tác. Ảnh: Hoàng Yến
Trong quá trình hoạt động ở Đà Nẵng, kỷ niệm và những cảm xúc đáng nhớ thì rất nhiều song chúng tôi vẫn luôn nhớ rõ cái cảm giác “không mong muốn” khi phải mặc lên người bộ quần áo bảo hộ, hay phải chứng kiến người bệnh ra đi trong sự bất lực của bản thân.
Tuy nhiên, cũng có những niềm hạnh phúc, đó là lúc chứng kiến những biểu lộ tươi vui, phấn khởi của người bệnh trong thời khắc được thông báo khỏi bệnh và được ra viện. Chính những kỷ niệm, cảm xúc đó đã là động lực để chúng tôi quyết tâm, cố gắng hơn để vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ giúp cho người dân vượt qua đợt dịch Covid-19 này.
P.V:  Xin cảm ơn bác sĩ!