Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay”. Ảnh: Thành Cường Sáng 15/9, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay”.
Tham dự hội thảo có đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội cho UBND tỉnh Nghệ An; PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An; PGS.TS Nguyễn Hoài Lê - Viện trưởng Viện nghiên cứu con người.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Bùi Đình Long -Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các hội khoa học, kỹ thuật trong tỉnh.
Tham dự và tham luận tại hội thảo có đại diện các viện nghiên cứu Trung ương, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Thành Cường Lắm tài, nhiều tậtXứ Nghệ luôn luôn được xác định là một tiểu vùng văn hóa độc đáo của Việt Nam. Trong đó, nổi bật là con người Nghệ với những phẩm chất và tính cách nổi trội, độc đáo. Những giá trị, tính cách, phẩm chất nổi trội của người Nghệ có thể kể đến gồm: cần kiệm, trung dũng, khẳng khái, quyết liệt, tư duy phản biện...
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có những phát biểu tập trung vào việc nhận diện lại những nét tính cách nổi trội của người Nghệ; đánh giá giá trị của những nét tính cách đó trong điều kiện hiện nay.
Đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội cho UBND tỉnh Nghệ An nói về những giá trị, tính cách nổi trội của người Nghệ. Ảnh: Thành Cường
Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội cho UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội thảo cho rằng: Tính cách của người Nghệ là sự kết tinh của 2 yếu tố cơ bản là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và vùng phên dậu của Tổ quốc. Hai yếu tố này hun đúc nên tính cách người Nghệ. Đó là sự thẳng thắn, cương trực, tính kiên cường, bất khuất và tinh thần chịu khó, chịu khổ cùng với đó là sự gắn kết quê hương.
Bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp, trong tính cách người Nghệ cũng tồn tại những nhược điểm nhất định, đó là sự bảo thủ, đố kị, “giàu ghét, đói khinh, thông minh không sử dụng”, cực đoan, cứng nhắc, thô vụng, thiếu mềm dẻo trong giao tiếp, dễ bị kích động, kéo bè, kéo cánh, “níu áo nhau”, tư duy “tiểu nông”…
Nhiều điểm chưa thích ứng bối cảnh mới
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những biến đổi trong tính cách người Nghệ và những yếu tố tác động làm biến đổi những tích cách đó, trên cơ sở đó chỉ ra những biến đổi tích cực và tiêu cực. Cụ thể: Người Nghệ đã có ý thức về liên kết trong ngoài mạnh mẽ hơn, đã bớt đi sự bảo thủ, co cụm. Người Nghệ An vẫn giữ được tinh thần chịu khó nhưng không chịu khổ nữa; tư duy phản biện vẫn đậm đặc nhưng “bệnh sỹ” và “tính gàn” đã giảm đi; người Nghệ đã linh hoạt hơn và đề cao khả năng thích ứng, tinh thần sáng tạo.
Dẫu có nhiều biến đổi tích cực song vẫn còn đó những điều “đáng buồn” trong tính cách Nghệ, chưa thích ứng với trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đơn cử, đã có giai đoạn các doanh nghiệp trong nước từ chối tuyển dụng người Nghệ, thậm chí ngay cả đi xuất khẩu lao động thì một số công ty nước ngoài ở Nhật Bản cũng không mặn mà với lao động Nghệ.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An phân tích những hạn chế của tính cách người Nghệ trong bối cảnh mới. Ảnh: Thành Cường
Bên cạnh đó, hiện nay, tính cách Nghệ vẫn đang “kìm hãm” sự phát triển của địa phương. PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng: Tính cách người Nghệ đặc sắc, người Nghệ đi ra ngoài thì phát triển... nhưng Nghệ An vẫn đang là tỉnh nghèo. Đây là một mâu thuẫn.
Rõ ràng, những cách nhìn, tư duy, thậm chí là cơ chế đang trói buộc chúng ta. Người Nghệ An vẫn đang bảo thủ, thiếu sự sáng tạo. Người Nghệ An phải mở ra không gian sáng tạo, thoát khỏi tư duy thầy đồ. Để địa phương phát triển, Nghệ An cần đặt ra những bài toán khó, thách thức, tạo điều kiện người giỏi phát huy.
Để người Nghệ ngày càng thích nghi, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội mới
Từ việc phân tích, đánh giá, chỉ ra những ưu và nhược điểm của tính cách người Nghệ trong quá trình biến đổi, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu đã đề xuất những giải pháp đồng bộ và căn bản để phát huy điểm mạnh, khắc chế, hạn chế điểm yếu trong tính cách người Nghệ, để không chỉ bảo tồn các giá trị tốt đẹp của người Nghệ, mà còn làm cho người Nghệ ngày càng thích nghi, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế - xã hội mới.
Những điều người Nghệ cần làm đó là, cần phải biết khắt khe với chính mình, thay đổi lối làm việc theo kiểu tình thân... Và không ai có thể giúp người Nghệ bằng chính người Nghệ. Đầu tiên là cá nhân mỗi người, sau đó là gia đình và cộng đồng xã hội. Tài nguyên xứ Nghệ chính là con người.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Á đề xuất 3 hướng chiến lược sử dụng nhân tài xứ Nghệ. Ảnh: Thành Cường
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Á đề xuất: Cần phải xem tính cách người Nghệ là chìa khóa mở cửa tài năng người Nghệ để phát triển địa phương. Ba hướng chiến lược sử dụng nhân tài xứ Nghệ là tập trung người tài Nghệ An cho khoa học và công nghệ để sinh ra những phát minh mở đường mang tầm nhân loại; dồn người tài Nghệ An cho quản trị; coi trọng việc làm giàu ngang với việc học và việc quản trị, dồn người tài Nghệ An cho việc làm giàu.
Gạn đục, khơi trong, xây dựng con người mới
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Nghệ An thay mặt chủ trì hội thảo đã tiếp thu những ý kiến, phát biểu, tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Đồng chí Bùi Đình Long cho rằng: Việc nghiên cứu bài bản về tính cách người Nghệ trong bối cảnh mới có ý nghĩa thực tiễn để làm căn cứ cho việc hoạch định và thực thi các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của vùng đất. Từ việc nhìn nhận những phẩm chất đáng quý và những hạn chế trong tính cách, chúng ta sẽ xây dựng con người Nghệ theo hướng “gạn đục khơi trong”.
Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thay mặt chủ trì hội thảo đã tiếp thu những ý kiến, phát biểu, tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Ảnh: Thành Cường
Những giải pháp để phát huy các giá trị của tính cách người Nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và con người trong thời đại mới là: Tăng cường truyền thông về phẩm chất và tính cách Nghệ, đặc biệt chỉ rõ những thói hư, tật xấu, những tính cách không phù hợp, cản trở hội nhập và phát triển; đưa nội dung người Nghệ, phẩm chất và tính cách vào chương trình giáo dục địa phương ở các cấp học một cách phù hợp. Mục đích là để các cháu học sinh sớm tự nhận biết cái hay, cái dở của tính cách người Nghệ, để tự điều chỉnh, sửa đổi mình.
Nghệ An cần tìm mọi cách mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa tỉnh với cả nước và quốc tế; đưa Nghệ An ra với cả nước và thế giới, đưa thế giới và cả nước về Nghệ An. Giao lưu bên ngoài chính là tác nhân quan trọng nhất buộc người Nghệ phải thay đổi theo hướng tích cực.
Ngoài ra, Nghệ An cần bảo tồn và phát huy những phẩm chất đáng quý trong tính cách người Nghệ trong điều kiện mới; xây dựng mô hình tính cách người Nghệ, với các tiêu chí mong muốn phù hợp, phát triển con người Nghệ đáp ứng với yêu cầu thời đại mới.
Sau cuộc hội thảo này, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục thu nhận ý kiến, nhận xét của cả các học giả, chuyên gia ngoài Nghệ An nhưng có vốn hiểu biết sâu sắc về con người và văn hóa xứ Nghệ, để xây dựng chiến lược phát triển con người Nghệ mới, vừa giữ cốt cách tinh hoa cũ vừa có những phẩm chất hiện đại./.