Ngồi bệt dưới nền gạch, hướng ánh mắt xa xăm về những lò ngói sừng sững, ông Lê Văn Lương (58 tuổi) bày tỏ luyến tiếc về những ngày huy hoàng của làng ngói Cừa. Người đàn ông 24 năm gắn bó với nghề làm ngói nói rằng, ông rất nhớ nghề, nhớ cái mùi đất sét, mùi khói nồng nặc bốc lên từ những ngọn lò cao chót vót.
Gần 3 năm nay, 200 lò ngói thủ công ở xã Nghĩa Hoàn phải dừng hoạt động, trong khi những lò sản xuất công nghệ cao “vẫn còn đang ở trên giấy”, cũng như nhiều người dân ở đây, ông Lương thất nghiệp. Để mưu sinh qua ngày, ông phải bươn chải đủ nghề. Những lúc rảnh rỗi, ông lại tìm ra những lò ngói cũ bỏ hoang. Nhiều khi chỉ là để ngắm nhìn, nhớ về những ngày còn nhộn nhịp kẻ mua, người bán, rồi lắc đầu thở dài...
Vang bóng một thời
Những ngày đầu sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Hoàng Quang Đán mang theo cậu con trai út từ quê nhà Hưng Yên rong ruổi khắp nhiều tỉnh tìm nơi lập nghiệp. Vốn liếng của cha con ông Đán lúc đó chỉ là tay nghề làm ngói Tây được tổ tiên truyền lại. Ở quê nhà đất chật, người đông, nguồn nguyên liệu ít, ông Đán đành phải đi tìm vùng đất mới. Năm 1976, ông Đán quyết định chọn làng Cừa, xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), làm nơi lập nghiệp.
“Sau khi đã rong ruổi nhiều nơi thì cụ quyết định chọn vùng đất này. Vì đặc điểm nguồn đất sét ở đây dồi dào, lại hội tụ đầy đủ yếu tố để làm nên những viên ngói đẹp và bền”, anh Hoàng Ngọc Bính (47 tuổi) kể. Anh Bính chính là cháu nội của người được coi như ông tổ nghề làm ngói ở làng Cừa. Cũng như nhiều con, cháu khác của ông Đán, anh Bính cũng theo chân cha, ông từ Hưng Yên vào Nghệ An rồi gắn bó với nghề làm ngói.
Anh Bính kể rằng, nghề làm ngói Tây được tổ tiên của anh học từ người Pháp vào thế kỷ XIX. Ngày đó, các cụ thường bị người Pháp ép phải đi phu, đắp đê sông Hồng. Sau những ngày cực nhọc đó, các cụ may mắn học được công nghệ làm ngói từ người Pháp. Đó chính là loại ngói mà sau này người dân vẫn thường gọi với cái tên “ngói Tây”.
Sau khi lò ngói đầu tiên được dựng lên ở làng Cừa năm 1976, trong vòng vài năm sau đó, lần lượt các con trai ông Đán như Hoàng Quang Kiếm, Hoàng Quang Tần... cũng theo cha từ Bắc vào huyện trung du xứ Nghệ lập nghiệp bằng nghề này.
Thời gian đầu, công việc này cũng chỉ giúp bố con ông Đán mưu sinh qua ngày, thu nhập chẳng khấm khá hơn so với làm ruộng là bao. Mọi công đoạn làm ngói ngày đó đều làm bằng thủ công. Đất sét được đào lên, giẫm bằng chân cho nhão nhoét, rồi cắt khuôn cũng bằng kéo thủ công. Vì thế, số lượng sản phẩm làm ra cũng ít.
Nhưng theo ông Bính, nếu làm ra nhiều cũng chẳng biết bán cho ai. Bởi ngày đó, đời sống người dân ở Nghệ Tĩnh nói riêng và miền Trung nói chung vẫn còn rất khó khăn sau hàng chục năm bị chiến tranh tàn phá; nhà dân chủ yếu được lợp bằng mái tranh. Cũng chính vì thế, trong thập niên 80 của thế kỷ trước, ở xã Nghĩa Hoàn chỉ có những lò ngói do cha con ông Đán làm chủ.
Mãi đến những năm cuối của thập niên 80, sau khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, đời sống người dân dần được cải thiện. Kể từ đó, nhu cầu về ngói tăng cao, công việc của gia đình ông Đán cũng vì thế mà “ăn nên làm ra”. Thấy cha con người Bắc vào làm ngói có “của ăn, của để”, người dân địa phương mới bắt đầu đến học nghề.
Năm 1992, sau 16 năm ông Đán vào đây lập nghiệp, lò ngói đầu tiên của người dân Nghĩa Hoàn mới được dựng lên. Kể từ đó, người dân Nghĩa Hoàn gần như “chỉ sống nhờ ngói”. Thời kỳ huy hoàng, ở đây có đến gần 200 lò ngói với gần 130 hộ sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Có năm, ở đây sản xuất đến gần 100 triệu viên ngói, đủ để sử dụng cho hàng chục nghìn ngôi nhà cấp 4. Trong kê khai thuế, lợi nhuận của nghề làm ngói ở đây có năm lên đến 120 tỷ đồng. Nhiều hộ có lợi nhuận mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Những năm đó, ngói làng Cừa gần như độc quyền ở thị trường 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, thậm chí còn được xuất khẩu qua Lào. Làng Cừa cũng chính là làng sản xuất ngói lớn nhất miền Trung.
Ông Nguyễn Đình Hưng – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn kể rằng, giai đoạn thịnh vượng nhất bắt đầu từ năm 2006, khi ở đây được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, đồng thời với việc HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ gạch ngói Cừa ra đời.
“Giai đoạn đó, lần lượt những căn biệt thự đồ sộ được cất lên. Người dân thì đổ xô đi sắm ô tô. Tôi nhớ có lần kỷ niệm ngày thành lập HTX, đoàn xe ô tô hơn 70 chiếc của những chủ lò ngói nối đuôi nhau đi thị uy khắp huyện”, ông Hưng nhớ lại. Nhưng cũng chính những người đó, ít năm sau lại trở thành con nợ, có người thậm chí phải bán nhà đi làm thuê. Tất cả chỉ vì đấu đá nội bộ trong HTX.
Những căn nhà bỏ hoang
Khi chúng tôi tìm đến xã Nghĩa Hoàn, khung cảnh đầu tiên đập vào mắt là những căn nhà cổ kính, với lối kiến trúc của thập kỷ trước. Nếu so với những xã trung du khác, nhìn thoáng qua dễ dàng nhận ra sự thịnh vượng của xã Nghĩa Hoàn thông qua những căn biệt thự này. Tuy nhiên, bên trong khuôn viên của những căn nhà đó bây giờ là một khung cảnh đìu hiu, yên lặng đến đáng sợ.
“Họ đi làm thuê hết rồi. Không có ai ở nhà cả. Có nhiều người thậm chí phải bán nhà để trả nợ ngân hàng vì trước đây đã trót vay đầu tư vào làm ngói”, anh Hoàng Ngọc Bính – người cũng sở hữu một căn biệt thự đồ sộ đang dở dang nhiều năm nay nói. Như nhiều người khác, anh Bính cũng lâm vào cảnh nợ nần kể từ khi các lò ngói dừng sản xuất.
Nói về lý do làng nghề ra nông nỗi như bây giờ, ông Võ Văn Cầu (64 tuổi) kể rằng, kể từ khi HTX ra đời năm 2006, ông Nguyễn Văn Hạnh làm chủ nhiệm còn ông Cầu là phó chủ nhiệm. Giai đoạn đầu, việc sản xuất diễn ra thuận lợi.
Đến năm 2014, ông Hạnh nghỉ, ông Cầu lên làm chủ nhiệm. Nhận được thông tin các lò ngói thủ công sẽ bị xóa bỏ, ông Cầu liền kêu gọi thành viên góp vốn để dần chuyển đổi mô hình sản xuất ngói công nghệ cao.
Theo ông Cầu, khi các thành viên đã góp được hơn 20 tỷ đồng, đồng thời được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thì ông Nguyễn Văn Hạnh làm đơn khiếu nại để đòi mặt bằng. Ông Hạnh lúc đó còn thành lập thêm 1 HTX khác. 2 phía liên tiếp khiếu kiện nhau. Một thời gian sau, 2 HTX được sáp nhập lại với nhau, nhưng mâu thuẫn vẫn không được giải quyết.
Các thành viên trong HTX liên tiếp gửi đơn thư khiếu kiện, từ cấp xã đến cấp tỉnh. Thanh tra cho đến công an cũng đã vào cuộc điều tra sau những khiếu nại, tố cáo nhưng các tranh chấp, mâu thuẫn vẫn không được giải quyết triệt để.
Đến cuối năm 2017, thực hiện chủ trương của Chính phủ, 200 lò ngói thủ công ở Nghĩa Hoàn buộc phải dừng hoạt động. Nhưng vì đấu đá nội bộ, dự án sản xuất ngói công nghệ cao vẫn chưa được triển khai. Chính vì thế, lò thủ công không còn, lò công nghệ cao chưa có, hàng nghìn lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Nhiều chủ lò đã trót đầu tư hàng tỷ đồng, nay vỡ nợ. Cho đến nay, dự án này vẫn đang là mớ hỗn độn.
"Nguyên nhân chính vẫn là trình độ quản lý yếu kém của các lãnh đạo HTX. Nhưng dù ai sai, ai đúng thì đáng ra một bên cần phải nhường nhịn, không để ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân khác. Đằng này cứ tranh chấp dai dẳng. Xã cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc làm việc nhưng vẫn không giải quyết được, bó tay”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn nói.
Anh Hoàng Ngọc Bính, một trong những chủ lò sản xuất ngói lớn nhất xã Nghĩa Hoàn bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sớm xử lý mâu thuẫn của HTX để dự án được triển khai. “Nếu không thì cũng mong chính quyền cấp mặt bằng để những hộ có tiềm lực họ tự mở doanh nghiệp sản xuất ngói công nghệ cao, không liên quan gì đến HTX nữa”, anh Bính nói. Mặt bằng mà anh Bính nói đến chính là nơi đang có 200 lò ngói thủ công bỏ hoang gần 3 năm nay. Đất này do xã quản lý. Tuy nhiên, khi có chủ trương xóa bỏ lò ngói thủ công, các hộ dân không chịu đập phá để trả lại đất.