Không kết hôn và sinh con quá muộn
Gần 1 tuổi nhưng cháu Phan L. ở xã Hòa Sơn (Đô Lương) yếu và có biểu hiện của bệnh động kinh nên không sinh hoạt bình thường như những bạn cùng trang lứa. Trước đó, mẹ của L. đã sinh 3 người con và tất cả đều bình thường nên chị không rõ vì sao cậu bé cuối cùng sinh ra lại yếu hơn dù biểu hiện thai nghén của chị không có nhiều khác biệt.
Điều duy nhất chị có thể giải thích đó là vì chị sinh cháu khi tuổi đã khá cao, ngoài 40 tuổi nên có thể chị không có điều kiện sức khỏe tốt nhất để sinh con. Trên thực tế, trong quá trình mang thai đứa con út, chị cũng luôn cảm thấy mệt mỏi và nhiều lần xuất hiện các tình trạng như đau khớp, giãn tĩnh mạch và huyết áp không ổn định.
Qua nhiều năm công tác trên lĩnh vực sản nhi, bác sỹ chuyên khoa I Hoàng Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng: “Với việc sinh con thì phụ nữ không nên sinh con ở độ tuổi sau 30, đặc biệt là sau 35 vì ở độ tuổi này sức khỏe và các hoạt động nội tiết của phụ nữ không ở giai đoạn lý tưởng nhất. Thế nên, nếu sinh con có thể dễ xảy ra nhiều tai biến sản nhi và sức khỏe của trẻ sơ sinh cũng không tốt, tỷ lệ trẻ bị dị dạng cấu trúc thai nhi nhiều.
Liên quan đến độ tuổi sinh con, nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy, nếu phụ nữ mang thai ở độ tuổi từ 35 - 40 sẽ có nguy cơ bị bệnh tiểu đường thai kỳ cao gấp 3 lần so với phụ nữ tuổi 20, bởi quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn, khả năng ổn định đường huyết của cơ thể cũng giảm theo độ tuổi. Mặt khác, đến gần thời kỳ tiền mãn kinh, hiện tượng rụng trứng ở phụ nữ tuổi 35, 40 xảy ra bất thường, dẫn tới khả năng mang đa thai cao hơn. Điều này làm tăng biến chứng thai kỳ, cũng như sức khỏe em bé sau sinh.
Bên cạnh đó, việc sinh con sau tuổi 35 cũng sẽ vất vả hơn khi nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhau tiền đạo (nhau thai che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, có thể gây chảy máu ồ ạt nếu sinh thường) hoặc không có cơn co tử cung, suy tim thai và đa phần đều phải sinh mổ. Đặc biệt, nếu người mẹ sinh con ngoài tuổi 35 tuổi nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh thiếu tháng, thai nhẹ cân cũng sẽ tăng lên”.
Mặc dù việc sinh con muộn đã được cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, nhưng gần đây xu hướng này lại gia tăng.
Xu hướng sinh con ngoài tuổi 30 ở khu vực thành phố thường cao hơn khu vực nông thôn và miền núi, bởi ở lứa tuổi này ở các vùng đô thị thường phải chịu nhiều áp lực về việc làm, về kinh tế. Vì thế, thường phải khi ổn định phụ nữ mới nghĩ đến chuyện lấy chồng sinh con. Ngoài ra, gần đây, nhiều bạn trẻ lại có xu hướng lập gia đình muộn nên việc sinh con muộn là điều tất yếu.
Do xu hướng kết hôn muộn đang ngày càng gia tăng nên việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi vừa được đưa vào trong Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện Tổng cục Dân số - KHHGĐ cũng đã cho ý kiến về vấn đề này và khẳng định, việc đưa ra quyết định này được căn cứ trên rất nhiều văn bản pháp lý, các căn cứ khoa học, các nghiên cứu thực tế. Đáng chú ý, với trẻ em, việc chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ.
Lý do chính bởi người mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards...
Cụ thể, người mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1.250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30...Với những lý do trên, việc khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi; phụ nữ sinh con thứ 2 trước tuổi 35 với mục đích là nhằm hướng thanh niên trước tuổi 30 kết hôn, sau đó sẽ sinh con, để vừa đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, vừa góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp.
Tiếp tục giảm sinh để đạt mức sinh thay thế
Quyết định số 588/QĐ-TTg về "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 - 2,2 con).
Ngay khi quyết định này đưa ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Chính phủ đang khuyến khích thanh niên kết hôn sớm và sinh con sớm. Đồng thời, có thể sinh nhiều hơn 2 con, nhất là với những tỉnh có mức sinh thấp. Tuy nhiên, tại Nghệ An, việc khuyến khích sinh con vẫn đang cần phải hiểu đúng, hiểu đủ.
Thực tế, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế và liên tục giữ vững tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức dưới 2,1 con hơn 10 năm qua. Nhưng Nghệ An hiện vẫn là 1 trong 10 tỉnh có mức sinh cao nhất cả nước (đứng thứ 2, sau Hà Tĩnh) và chưa đạt mức sinh thay thế và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn cao. Chính vì thế, trong khi công tác dân số cả nước đã chuyển từ Dân số - KHHGĐ sang Dân số và Phát triển thì Nghệ An vẫn đang phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ.
“Với mức sinh hiện nay của chúng ta khoảng 2,7 con/phụ nữ thì dự báo đến năm 2029 tỉnh ta mới đạt mức sinh thay thế. Trong khi đó, Nghệ An lại đang đối diện với việc tiềm ẩn nguy cơ tăng nhanh mức sinh trở lại, bởi hiện cứ 1 phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ có 2,5 phụ nữ bước vào. Trong bối cảnh trên, song song với nhiệm vụ của cả nước tập trung vào nâng cao chất lượng dân số thì ở Nghệ An việc giảm mức sinh để tiến tới mức sinh thay thế vẫn là một nhiệm vụ quan trọng”.
Liên quan đến Quyết định 588, nhiều vấn đề khác cũng được đề cập, trong đó có các quy định đảm bảo sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích...; đặc biệt là yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đặc biệt là các quy định xử lý vi phạm chính sách dân số hiện hành... Tin rằng, những sự điều chỉnh này cũng sẽ giúp cho công tác dân số trong thời gian tới có những chuyển biến tích cực và ngày càng sát với thực tiễn.