(Baonghean) – Đúng 6h sáng 6/5, con tàu HQ 996 cập cảng. Trời, biển Trường Sa mùa này xanh đến ngỡ ngàng. Trong nắng, gió, những hàng cây phong ba, bàng vuông, cây tra… vẫn xoả cành ôm ấp hòn đảo nhỏ giữa đại dương mênh mông. Ở nơi xa xôi khắc nghiệt này, một cô bé vừa mới chào đời: bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân.
Sau 46 giờ rẽ sóng, vượt hơn 500 cây số trên đại dương, rạng sáng 6/5, khi mặt trời đang từ từ nhô lên khỏi mặt biển, có ai đó hét lên: Kia! Trường Sa kia rồi! Cả tàu thức dậy. Cái háo hức của bao ngày chờ đợi khiến mọi người nhào hết lên boong. Ai cũng nhanh chân muốn được nhìn thấy Trường Sa hiện dần lên từ phía chân trời. Đúng 6h tàu cập cảng. Trời, biển Trường Sa mùa này xanh đến ngỡ ngàng. Trong nắng, trong gió, trong bão tố những hàng cây phong ba, cây bàng vuông, cây tra… vẫn vẫn xoả cành ôm ấp hòn đảo nhỏ giữa đại dương mênh mông.
Bước chân lên đảo, chúng tôi được biết một em bé vừa mới chào đời: bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân.
Bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân trong vòng tay mẹ
PV Công Sáng với vợ chồng anh Thi - chị Thúy
Chúng tôi đến thăm, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân vừa tròn tháng tuổi. Cha của bé, anh Nguyễn Tấn Thi đang tất bật chuẩn bị cho buổi tiệc mừng chẵn tháng. Anh Thi cho biết cháu sinh ngày 4/4 (ngày bộ đội ta giải phóng đảo Trường Sa). Đáng lẽ phải làm chẵn tháng cho cháu từ ngày hôm trước, nhưng phần phải chờ chuyến tàu trong đất liền ra để gửi những thứ mà ở đảo không có, phần còn nấn ná chờ mấy chú bộ đội là ân nhân của gia đình đi công tác về, cho buổi tiệc được trọn vẹn. Anh giải thích, ngay cái tên của cháu cũng đã hàm chứa trong đó sự biết ơn, kính trọng: Ngọc là tên bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, Viện Quân y 175 công tác tại Đảo - người khám cho 2 mẹ con chị Thúy trong suốt kỳ thai nghén, còn Xuân là tên lót của bác sĩ Hồ Xuân Lãng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa - người trực tiếp phẫu thuật đưa bé chào đời ngày 4/4 vừa qua. Hơn thế, vợ chồng anh Thi còn muốn cháu là mùa xuân trường tồn nơi đảo xa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Dõi mắt ra cửa, ngoài ấy biển vẫn miên man vỗ sóng…, rồi anh kể tiếp: Khi đưa vợ đi khám, anh được bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc cho biết chị Thúy mang thai ngôi ngang, nhau quấn cổ, bác sĩ Hà Ngọc điện ngay vào đất liền xin ý kiến, chỉ đạo cách giải quyết. Đến gần ngày sinh của Thúy, do điều kiện sức khỏe không thể theo tàu về đất liền để sinh nở được, mà bệnh xá của Đảo lại không có chuyên môn về sản khoa, nên bác sĩ Hồ Xuân Lãng (bác sĩ sản khoa của bệnh viện Khánh Hòa) được cử ra đảo giúp chị Thúy “vượt cạn”. Sau 3 ngày chịu đựng sóng gió trên biển, đến đảo mặc dù đang mệt nhoài bác sĩ Lãng khám ngay cho sản phụ và chẩn đoán phải mổ. Ngày mổ, một cầu truyền hình được thiết lập để ca mổ được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ đất liền của 3 phó giám đốc Bệnh viện 175 là Thiếu tướng Hoàng Thanh Bình, Đại tá Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Bá Sơn và Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cùng 10 bác sĩ chuyên khoa khác. Đúng 10 giờ 40 phút ngày 4/4, bé Trường Xuân cất tiếng khóc chào đời. Cả Đảo vỡ oà trong tiếng reo mừng. Anh Thi đã khóc, nhiều người cùng khóc… Những giọt lệ chào đón một sinh linh của Đảo ra đời, một mầm xanh đã nhú giữa đại dương mênh mông .
Tặng quà các cháu trên Đảo
Những chủ nhân tương lai của Đảo
Trong Đoàn công tác ra Đảo lần này có đại tá Nguyễn Hồng Sơn, người đã trực tiếp chỉ đạo phía đầu cầu trong đất liền ngày 4/4. Gặp ân nhân, anh Thi rối rít, nắm chặt tay bác sỹ rất lâu như không muốn rời. Anh vội vàng mở tủ lạnh lấy ra chai nước mát mời bác sỹ cùng chúng tôi. Giữa đại dương bạt ngàn nắng gió, được uống cốc nước ướp lạnh quả là một điều thú vị bất ngờ. Vẫn biết ở đảo đã có các dự án điện sạch chạy bằng sức gió, năng lượng mặt trời, nhưng tôi nghĩ chỉ đủ thắp sáng, xem ty vi giải trí, giờ mới biết nguồn điện còn chạy được cả tủ lạnh, cả tủ đá bảo quản thức ăn. Điều này đã giải đáp thắc mắc của tôi, trong chuyến đi này đoàn công tác của Tập đoàn Cao su Việt Nam mang theo mấy tủ cấp đông để tặng các chiến sĩ ở đảo. Thượng tá Nguyễn Hữu Lục - Đảo trưởng kiêm Chủ tịch huyện đảo Trường Sa, cho biết: Cuộc sống trên đảo Trường Sa lớn nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung đang thay đổi từng ngày. Chỉ cần sau 1 tháng trở lại là sẽ cảm nhận được sự đổi thay. Trường Sa đang gần với đất liền hơn trước sự chăm sóc, đùm bọc của đồng bào cả nước.
Thấy có khách chị Thúy bế Trường Xuân ra chào. Không bụ bẫm, nhưng Trường Xuân khá cứng cáp, như các anh các chị Trà My, Minh Nguyệt, Chinh Sy, My Sen… những đứa trẻ theo cha mẹ từ trong đất liền ra đảo. Đặc biệt, nụ cười xinh xinh luôn nở trên môi bé làm các chú các bác đã ghé thăm là nhớ mãi. Tôi lỳ xì cho bé để mong cháu hay ăn chóng lớn, rồi xin phép anh chị ra thăm vườn rau. Chỉkhoảng hơn 10 mét vuông nhưng xanh mỡ màng, đủ loại, nào rau cải, rau muống, mùng tơi, có cả ớt, húng quế..., tôi xin phép anh Thi ngắt một ngọn, đưa lên miệng. Vị thơm nồng lan tỏa khiến tôi cay cay nơi khóe mắt. Gió biển lướt trên làn da mặt đang nóng bừng, một cảm xúc rất lạ về cuộc sống mới nơi đảo xa đang dâng trào.
Lớp học trên Đảo
Nhà bên chợt vọng sang tiếng phát thanh viên của VTV1, nhà kia lại mở VTV6, rồi lại nghe ríu rít các cuộc gọi điện thoại di động... Phải rồi, Viettel đã phủ sóng khắp đảo, đất liền không còn xa nữa. Tháng 5 năm ngoái, Chùa Trường Sa được khánh thành, thêm một điểm để bà con lui tới thắp hương trong ngày rằm, đầu tháng. Vong linh Tiên Tổ lại về....
Rau xanh Đảo còn là cảm hứng sáng tác ảnh nghệ thuật
Anh Thi mong sao đến một ngày nào đó giữa Trường Sa - Khánh Hòa có được tuyến du lịch để anh đưa Trường Xuân về thăm họ hàng, dòng tộc và những bạn bè cùng trang lứa.
Ngày đó sẽ đến !