(Baonghean) - Lịch sử giữ nước của quốc gia Đại Việt có cương giới sách trời phân định, hoàn toàn trùng khít với quá trình tự khẳng định bản lĩnh, tâm thế của dân tộc Việt, đó là quá trình của một dân tộc bền bỉ tranh đấu tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ ngàn năm. Mãi đến năm 1804, Vua Gia Long mới đổi quốc hiệu Đại Việt  thành Việt Nam.
 
Từ nguồn cứ liệu rất phong phú của ông cha để lại, trong bài viết trước chúng tôi khẳng định: "Cách nay trên 5 thế kỷ, người Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa" (xem bài Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam).
 
Cương giới là do thiên định bao đời vẫn thế, nghĩa là vị thế địa lý của Đại Việt ta luôn "núi liền núi sông liền sông". Từ vị thế địa lí, cương giới của Đại Việt đất trời đã định vị, nên bao lần Đại Việt thảm cảnh sông máu núi xương, cũng bấy lần buộc Đại Việt phải đứng lên đẩy đuổi "thiên triều" ra khỏi cõi bờ. Ông cha ta luôn có tầm nhìn xuyên suốt địa lí-chính trị, định ra kế sách đúng đắn, phù hợp, thực hiện thành công kí thác của Danh tướng Lý Thường Kiệt "sông núi nước Nam Vua Nam ở".
 
Trong các yếu tố thiên thời-địa lợi-nhân hòa, thiên thời và địa lợi mang tính khách quan dường như không thay đổi. Cùng với việc thương nhau rào dậu cho kín, ông cha ta với phương châm lạt mềm buộc chặt, kiên định đấu tranh trên mọi mặt trận, đặc biệt là mặt trận ngoại giao, với mục đích tối thượng là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.
 
Thời kỳ nhà Nguyễn trị vì đất nước, ngày đó các chúa Nguyễn đã lập hải đội Hoàng Sa để bảo vệ vùng lãnh hải, đặc biệt là bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Để khẳng định Hoàng Sa là chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam, trong 18 năm trị vì (1802-1820), Vua Gia Long dù bộn bề công việc vẫn phái quân ra giữ quần đảo này, cụ thể là năm Gia Long thứ 14 (1815) “Tháng 2, sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển"; Năm Gia Long thứ 15 (1816) “Tháng 3, sai thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để thăm dò đường thủy”.

766532_small_64031.jpg
 Bản dập Mộc bản nói về vua Gia Long cho mộ dân bổ sung vào đội Hoàng Sa.


 Bản dập mộc bản nói về vua Gia Long phái Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa dò xét đường biển.


 Bản dập Mộc bản nói về vua Gia Long phái thủy quân ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình.


 Bản dập Mộc bản phản ánh nội dung vua Minh Mạng phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa.

Giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia là nhiệm vụ cao cả thiêng liêng của mọi người dân Việt. Trong thời gian trị vì, vua Minh Mạng quan tâm đặc biệt công cuộc giữ gìn bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, vua cho lập đền thờ trồng cây trên đảo để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này. Vua phái Phạm Hữu Nhật chỉ huy một đội quân ra Hoàng Sa để cắm mốc chủ quyền. Mọi hoạt động gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo đều được vua cho thể hiện minh bạch qua Mộc bản triều Nguyễn-kho tư liệu còn nóng hổi bài học lịch sử, và thông qua Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 165, cho ta biết những việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa không còn là việc riêng của một cá nhân hay của một nhóm người nào, mà là việc chung của vương triều, của toàn dân tộc.
 
Lạch luồng lịch sử liệt oanh của quốc gia Đại Việt, đến cả hồn oan của bao binh lính xâm lăng vĩnh viễn nằm lại đất này, cũng phải ngạc nhiên bởi trùng hợp thú vị về tinh thần hòa hiếm có ở các đấng minh quân Đại Việt. Ông cha ta kiên trì lấy hòa hiếu làm trọng. Cách nay 584 năm, ngày 10.12.1427 tại "Hội thề Đông Quan" bên bờ sông Nhị, Lê Lợi mở đường cho bại tướng Vương Thông đem bại binh về nước.
 
Tổ tiên ta "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo", luôn hòa hiếu nhưng không quỵ lụy. Tư tưởng hòa hiếu đồng hành cùng tinh thần yêu nước, trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. "Tinh thần yêu nước, cũng như các thứ của quý, có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày…" (Hồ Chí Minh)


Mai Thuận Ngôn