Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành báo cáo kiểm toán chuyên đề công tác quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020(gọi tắt là đề án 911).
Đề án được Chính phủ thông qua năm 2010 với mục tiêu đào tạo 23.000 giảng viên tiến sĩ, tổng kinh phí 14.000 tỷ đồng (94% từ ngân sách nhà nước).
Ở giai đoạn kiểm toán (năm 2012-2016), tổng chỉ tiêu đào tạo là 12.800 nghiên cứu sinh. Tuy nhiên, báo cáo từ cơ quan kiểm toán cho thấy, đến hết năm 2016, tổng số nghiên cứu sinh trúng tuyển và nhập học là 4.024, đạt 31,4%. Số nghiên cứu sinh tốt nghiệp và được cấp bằng là 787, đạt 6%.
Ở cả ba hình thức đào tạo trong nước, hoàn toàn ở nước ngoài và liên kết đào tạo giữa đại học Việt Nam và trường nước ngoài, Bộ đều không đạt mục tiêu đã đặt ra.
Về chất lượng đào tạo tiến sĩ, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, các nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công và được công nhận tốt nghiệp theo đề án 911 ở hình thức đào tạo trong nước "không khác biệt nhiều so với đào tạo tiến sĩ đại trà".
Số lượng 238 nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp và trở lại giảng dạy ở cơ sở đào tạo không làm thay đổi về cơ cấu giảng viên hay tác động lớn đến công tác giảng dạy chung của các nhà trường. Con số 542 tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài về lại trường giảng dạy cũng chưa làm thay đổi nhiều cơ cấu giảng viên.
Về kinh phíphân bổ qua các năm của đề án, Kiểm toán Nhà nước cho rằng chưa phù hợp với nhiệm vụ chi, phải hủy dự toán hoặc chuyển năm sau, trong khi kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn hạn hẹp.
"Với kinh phí cấp thừa như trên, nếu đi vay với lãi suất 5% sẽ phải trả chi phí vốn tương đương 66.950 triệu đồng. Học phí thu của nghiên cứu sinh không sử dụng từ nhiều năm, không hoàn nộp ngân sách số tiền tương đối lớn 38.850 triệu đồng, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí", báo cáo viết.
Việc nghiên cứu sinh bỏ học hoặc không quay về cơ sở cử đi học nhưng chưa bồi hoàn ngân sách nhà nước, tỷ lệ cao nghiên cứu sinh bảo vệ tốt nghiệp chậm (chiếm 61%) cũng làm giảm hiệu quả đầu tư kinh phí của đề án 911. Đặc biệt, một số trong 9 trung tâm đào tạo tiến sĩ được thành lập và cấp kinh phí đầu tư theo đề án phê duyệt hoạt động không hiệu quả, không đúng chức năng, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Với kết quả không đạt mục tiêu nêu trên của đề án 911, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính đối với Bộ Giáo dục tổng số tiền hơn 53 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 50 tỷ đồng từ các khoản: chi sai chế độ không đúng quy định, kinh phí chi cho nghiên cứu sinh bỏ học và chủ yếu là học phí của nghiên cứu sinh tại Cục Hợp tác Quốc tế đã hết nhiệm vụ chi đến 30/7/2017.
Bộ Giáo dục đồng thời phải hủy dự toán nguồn kinh phí đề án hơn 2,8 tỷ đồng, giảm kinh phí quyết toán năm 2016 hơn 48 triệu đồng. "Kiến nghị Bộ Giáo dục chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách tiền, tài sản của nhà nước", báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Các bộ, ngành kiểm tra đối chiếu cũng được đơn vị này kiến nghị xử lý tài chính hơn 6,3 tỷ đồng liên quan đến đề án 911.
Tháng 11/2017, Bộ Giáo dục lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030. Đề án này thay thế cho đề án 911 được Bộ đánh giá "nếu tiếp tục gia hạn và khắc phục hạn chế vẫn không thể đạt mục tiêu".
Mục tiêu của đề án mới là đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỷ lệ 35% tổng số giảng viên cơ sở giáo dục đại học, tương đương 9.000 người. Trong đó, 5.000 giảng viên sẽ được đào tạo ở các trường đại học có uy tín trên thế giới. Khoảng 500 giảng viên sẽ được đào tạo tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết giữa các đại học Việt Nam và trường nước ngoài. 2.000 giảng viên sẽ được đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học, đến làm việc tại các đại học của Việt Nam.