Sáng 9/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chương trình Giáo dục địa phương tỉnh Nghệ An trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ, giáo viên và đông đảo đội ngũ tri thức của tỉnh nhà.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Trần Đình Thuận - Cố vấn nội dung Giáo dục địa phương, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục địa phương tỉnh Nghệ An đã cho biết: Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là một trong số các nội dung mới được ban hành và như là một bộ phận “cấu thành” của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong đó, ở cấp Tiểu học, giáo dục địa phương được tích hợp chủ yếu trong hoạt động trải nghiệm và một số môn học khác như: Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý… Ở cấp Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT), nội dung giáo dục địa phương được quy định với thời lượng 35 tiết/năm học.
Nội dung giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,… của địa phương, bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc địa phương, xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Để đáp ứng các mục tiêu đã đề ra, việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương cần phải được cân nhắc và lựa chọn kỹ càng. TS.Trần Đình Thuận cũng cho rằng: Với đặc thù riêng, việc xây dựng chương trình Giáo dục địa phương là một thách thức mới vì Nghệ An có tất cả các vùng miền với nhiều dân tộc khác nhau. Hơn thế, Nghệ An là tỉnh có nhiều nét đặc sắc, tiêu biểu nên cần phải xem xét kỹ càng khi lựa chọn các nội dung để xây dựng chương trình.
Phát biểu tại hội thảo nhiều ý kiến cũng khẳng định: Việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương là cần thiết để góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh, đó là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.
Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống và biết vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường của đất nước và ở địa phương.
Tuy nhiên, để việc triển khai hiệu quả thì chương trình giáo dục địa phương không nên ôm đồm, nặng về kiến thức hàn lâm mà cần phải có tính khái quát, chọn lọc kỹ càng. Chương trình cũng cần được xây dựng theo hướng mở để dễ học, dễ hiểu, mang đặc thù của từng địa phương để dàng vận dụng ở mọi vùng miền, mọi đối tượng và quan trọng nhất là phải phát triển được năng lực học sinh theo như mục tiêu đã đề ra.