Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành ngày 26/12/2018. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Theo kế hoạch, sau khi công bố chương trình các môn học mới, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết số 88 Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng sách giáo khoa để kịp thời triển khai chương trình mới bắt đầu đối với lớp 1 năm học 2020 -2021.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định xây dựng đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ lớn và quan trọng của ngành. Trong chương trình mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học.
Để chương trình triển khai hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị đội ngũ nhà giáo từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý cần phải nỗ lực, nâng cao trình độ, sắp xếp lại bộ máy sao cho hợp lý và đúng với yêu cầu thực tiễn. Song song với đó, phải chú trọng cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục.
Tại hội nghị, sau khi nghe kế hoạch trong triển khai thực hiện, một số tỉnh, thành cũng có đặt ra những thách thức trong tiếp cận chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, chia sẻ một số vấn đề sẽ gặp khó khăn trong triển khai thực hiện nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp trong thực hiện chương trình GD phổ thông mới.
Dự kiến, chương trình Giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.