Học sinh học trực tiếp qua hình thức trực tuyến
Trong tuần này, học sinh trên toàn địa bàn của huyện Nam Đàn đã phải nghỉ học để phòng tránh dịch Covid - 19, trong đó có cả học sinh THPT. Về phía các nhà trường, việc nghỉ học sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, nhất là khi trên toàn tỉnh, lịch học của học sinh THPT vẫn diễn ra bình thường.
Tại Trường THPT Kim Liên, dù đã nghỉ học nhưng từ 2 ngày nay, giờ dạy của giáo viên vẫn được tổ chức bình thường. Có khác chăng, nếu như trước kia giáo viên dạy tại lớp thì nay được chuyển về phòng hội đồng. Học sinh trước kia học trực tiếp nay chuyển sang trực tuyến. Đồng hành với giáo viên trên bục giảng là các thầy, cô giáo trong tổ bộ môn cùng 1 chiếc máy quay.
Tiết học đầu tiên môn Ngữ văn của cô giáo Phạm Thị Hằng bắt đầu từ sáng nay. Lần đầu đứng trước máy quay, dẫu khá hồi hộp nhưng chị đã chuẩn bị chu đáo từ hình ảnh đến nội dung bài học. Các cô trong tổ bộ môn cũng thống nhất, khi lên bục giảng tất cả sẽ mặc áo dài để vừa tôn vinh hình ảnh Việt Nam, vừa tạo sự gần gũi với học trò. Về phía các học trò, trước sự chuẩn bị chu đáo của giáo viên, các em cũng có ý thức hơn và lên lớp đầy đủ.
Tại buổi học sáng nay, cô giáo Hằng cũng đã kéo dài tiết học từ 45 phút lên 120 phút với bài học “Ôn tập kỹ năng làm phần đọc hiểu trong đề thi THPT Quốc gia” - một bài học rất thiết thực với học sinh cuối cấp. Trong toàn bộ tiết dạy, dù là học trực tuyến nhưng việc tương tác của giáo viên và học trò khá thuận lợi. Cô giáo Hằng cũng rất vui, khi một số học sinh khen cô dạy dễ hiểu, hay và khi lên hình, cô đã “nói chậm hơn bình thường”.
Chia sẻ thêm về giờ dạy của mình, cô Hằng cho biết: Việc dạy học trực tuyến rất bị động với giáo viên và các nhà trường. Vì thế, trước khi triển khai, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, đó là dạy nội dung gì và dạy như thế nào. Để triển khai hiệu quả, tổ chuyên môn chúng tôi đã phải bàn bạc, thống nhất rất kỹ càng và lựa chọn những nội dung các em đã học để củng cố, bồi bổ thêm kiến thức giúp các em ôn tập tốt, chuẩn bị cho Kỳ thi THPT Quốc gia. Khi soạn giáo án chúng tôi cũng phải trăn trở để làm sao có một tiết học phù hợp với mọi đối tượng học sinh và các em phải dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Cho đến thời điểm này, Trường THPT Kim Liên là ngôi trường đầu tiên tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trực tiếp một cách khá bài bản khi có sự hỗ trợ kỹ thuật của máy quay chuyên dụng. Giáo viên, trong quá trình giảng dạy có sử dụng micro nên việc thu âm khá rõ và học sinh dễ dàng tiếp thu như khi nghe giảng trên lớp. Tại nhà em Nguyễn Cẩm My - lớp 12C1, chỉ cần một chiếc ipad và một phòng học kín em đã có thể học tập trung, theo dõi sát bài giảng của cô giáo. Nữ sinh lớp 12 đang chuẩn bị đăng ký vào Trường Đại học Ngoại Thương cũng cho biết: Hiện nay, trên mạng có khá nhiều kênh tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh. Nhưng, nếu được thầy, cô giáo của mình trực tiếp dạy thì hiệu quả hơn và nội dung dạy cũng sát với nguyện vọng của học sinh.
Để tổ chức dạy trực tuyến với sự hỗ trợ của máy quay chuyên nghiệp, Trường THPT Kim Liên cũng đã phải trích khá nhiều kinh phí. Trong đó, nguồn là từ nhà trường và một phần hỗ trợ của phụ huynh. Tuy nhiên, khi phát các chương trình khá dễ dàng vì nhà trường chỉ cần phát trực tiếp qua trang facebook của trường và mọi học sinh đều có thể dễ dàng theo dõi.
Thầy giáo Dương Văn Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: Việc dạy trực tuyến sẽ khó khăn hơn và đòi hỏi sự đầu tư khá nhiều cả về công sức và kinh phí. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, thì đây là điều cần thiết, vì so với các trường khác trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã phải học chậm chương trình. Trước mắt, chúng tôi sẽ ưu tiên ôn tập cho học sinh cuối cấp với 4 tiết/tuần (các môn Ngữ Văn, Toán, tiếng Anh) và 2 tiết/tuần (các môn Lịch sử, Hóa, Sinh học, Vật lý, Địa lý). Qua 2 ngày triển khai, có khoảng hơn 70% học sinh tham gia và nhà trường sẽ có giải pháp để phụ đạo thêm cho những học sinh không có điều kiện học trực tuyến.
Nhân rộng mô hình dạy học trực tuyến
Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc dạy học trực tuyến đã được nhiều trường triển khai với nhiều hình thức khác nhau như qua ứng dụng tin nhắn Facebook, Zalo... Bên cạnh đó, một số trường cũng đã kỳ công để thu các bài giảng và phát lại trên một số ứng dụng công nghệ thông tin.
Qua hơn 1 tháng triển khai, việc dạy học trực tuyến đã có nhiều ý kiến trái chiều. Phụ huynh Nguyễn Thị Thanh Huệ, có con đang học tiểu học nói rằng: Tôi thấy việc giáo viên ra bài cho học sinh qua tin nhắn rồi để các cháu tự làm và soi với đáp án chỉ là giải pháp tình thế. Còn hiệu quả thì vẫn còn bỏ ngỏ vì không phải bài tập nào của học sinh cô giáo cũng có thể kiểm tra hết, thậm chí không kiểm tra. Nếu nghỉ học dài ngày, nhà trường nên tổ chức dạy trực tuyến, có giáo viên giảng bài thì các cháu sẽ hiểu bài hơn và không quên các bài học cũ trên lớp.
Tại thời điểm này, hầu hết học sinh THPT trên địa bàn tỉnh vẫn đang học bình thường. Tuy nhiên, với học sinh tiểu học, THCS và cả học sinh THPT ở một số địa phương thì vẫn đang nghỉ học và nếu dịch diễn biến phức tạp thì nguy cơ nghỉ học dài ngày vẫn có thể diễn ra.
Hiện, một số tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Đồng Nai cũng đã tiến hành dạy trực tuyến trên truyền hình. Tại Nghệ An, qua trao đổi, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: Hiện Sở cũng đang xem xét việc dạy trực tuyến trên truyền hình. Tuy nhiên, nếu triển khai thì bước đầu chỉ mới có thể ôn tập cho học sinh cuối cấp lớp 9 và lớp 12.