Thành quả từ sự nỗ lực
Ông Đặng Văn Minh - Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phấn khởi cho hay: “Trong thời gian qua, các cấp chính quyền trong toàn tỉnh đã thực sự quan tâm đến công tác phòng chống bệnh dại, đặc biệt là tuyến cơ sở trước đây thường “bỏ ngỏ” cho lực lượng thú y thì nay đã quán triệt, chỉ đạo các ban, ngành cùng phối hợp vào cuộc, chung tay loại trừ bệnh dại ra khỏi cộng đồng”.
Bệnh dại dần được đẩy lùi, các ca bệnh người tử vong do bệnh dại giảm dần theo từng năm và rất đáng mừng là từ đầu năm đến nay chưa phát sinh trường hợp tử vong; số người bị tử vong do bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021 là 33 người, giảm 14 trường hợp so với giai đoạn 2013 - 2016. Nhận thức của người dân về quản lý đàn chó nuôi cũng dần thay đổi, bà con cơ bản đã xác định được chó nuôi là mối nguy cơ cao dẫn đến bệnh dại ở người, từ đó nâng cao ý thức trong phòng, chống bệnh dại, tiêm phòng, quản lý đàn chó nuôi; người khi bị chó cắn đi tiêm phòng ngay, hạn chế tối đa các biện pháp sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại.
Vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Nghệ An hiện có 485.765 con chó, trong đó trên 85% được nuôi ở vùng nông thôn. Thực tế, chó là đối tượng vật nuôi phổ biến ở các hộ gia đình, đặc biệt vùng nông thôn, miền núi; chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, tận dụng với mục đích giữ nhà là chính, chưa hình thành chăn nuôi theo hình thức tập trung mà thường thả rông; việc nuôi chó, mèo cảnh đang dần trở nên phổ biến tại một số địa phương như thành phố Vinh, TX Thái Hòa, TX Cửa Lò.
Trong khi đó, một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của tiêm phòng, còn lơ là, chủ quan cho rằng hiện không có ổ dịch dại, và chỉ khi nào có dịch mới tiêm phòng hoặc chỉ tiêm phòng cho chó vào thời điểm nắng nóng, nhất là tại các huyện miền núi, vùng dân cư thưa thớt, vì thế tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại chó đạt rất thấp.
Trong khi thực tế, những trường hợp chó phát dại đều chưa được tiêm phòng vắc-xin hoặc đã tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch. Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm như không tiêm vắc-xin, không đeo rọ mõm… chỉ mới được nhắc nhở, chưa áp dụng nghiêm chế tài xử phạt.
“Với những điều kiện nuôi thực tế trên địa bàn tỉnh, trong nhiều năm tới, nguy cơ tiềm ẩn và xảy ra dịch bệnh vẫn đang ở mức cao do vi rút dại vẫn đang lưu hành, tồn tại trong môi trường và vật nuôi”.
Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp
Xác định tiêm phòng là giải pháp ưu tiên hàng đầu để tạo miễn dịch chủ động, hạn chế dịch bệnh bùng phát và lây lan nên công tác này luôn được Nghệ An chú trọng. Mỗi năm, toàn tỉnh có hai đợt tiêm phòng tập trung, ngoài ra tiêm bổ sung cho chó mới nhập đàn, mới sinh. Tuy nhiên, kết quả tiêm phòng đang ở mức rất thấp, từ 16-30%. Trong giải pháp nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại, những năm tới, Nghệ An tiếp tục nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin bệnh dại. Theo đó, đề nghị Trung ương hỗ trợ vắc-xin cho các xã thuộc khu vực miền núi khó khăn, UBND tỉnh hỗ trợ vắc-xin cho vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao đối với bệnh dại, vùng tập trung đông dân cư, vùng du lịch.