6 sự thật bạn cần biết về bệnh dại
(Baonghean.vn) - Mặc dù bệnh dại không phổ biến nhưng là mối đe dọa nguy hiểm. Bệnh dại được xem như bệnh truyền nhiễm cấp tính từ động vật; có thể lây từ động vật sang người hoặc từ người sang động vật. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 55.000 người chết vì bệnh dại… Nhận biết nguồn lây nhiễm, tiêm dự phòng, xử trí đúng cách sẽ giúp bạn phòng bệnh dại hiệu quả.
07/04/2019 - 10:46
Theo các bác sỹ, virus dại có thể lây truyền khi tiếp xúc với nước bọt của động vật mắc bệnh qua vết xước hoặc vết thương hở; mặc dù hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn. Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian từ khi con vật bị nhiễm bệnh cho đến khi những dấu hiệu và triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ ràng. Thời gian trung bình từ khi bị chó cắn đến khi phát bệnh dại là 2 - 6 tháng, rất ít trường hợp phát bệnh sớm hơn; hoặc cá biệt có những ca sau vài năm mới phát bệnh. Do đó, các nạn nhân vẫn sinh hoạt bình thường cho tới khi phát bệnh và chết. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại có 2 thể bệnh chính. Ở thể viêm não, người bệnh khởi đầu có cảm giác bồn chồn, sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió. Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước, có những cơn co thắt hầu họng… thường tử vong trong vòng 1 tuần từ khi phát bệnh. Ở thể liệt, người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân lên tay, đến khi liệt cơ hô hấp bệnh nhân sẽ tử vong… Ở cả hai thể, bệnh nhân dại sẽ tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết chứ không bị điên dại như nhiều người lầm tưởng. Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh dại là bệnh gây bởi virus dại lây truyền từ các loại động vật như chó, mèo,… sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể. Hầu hết trường hợp gây bệnh dại ở người tại Đông Nam Á là do chó cắn, tuy nhiên, trên thế giới có một số báo cáo về bệnh dại ở người là do vết cắn của mèo, dơi, cáo, chó sói và các loại động vật có vú ăn thịt khác. Các trường hợp tử vong do bệnh dại hầu hết do không đi tiêm vắc xin/huyết thanh kháng dại. Nguyên nhân chủ yếu là do không hiểu biết đúng về bệnh dại nên chủ quan cho rằng chó nhà nuôi, khi cắn chó bình thường, vết thương nhẹ, chỉ trầy xước da… chắc không sao. Một khi người bị chó cắn đã lên cơn dại thì không thể cứu được, vì hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị. Tỷ lệ tử vong do bệnh dại là 100%. Hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc xin dự phòng sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại, nghi ngờ bị dại cắn. Để phòng chống bệnh, người dân cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ, cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan.