(Baonghean) - Ban Bí thư Trung ương vừa ban hành Công văn số 178-CV/T.Ư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức tốt các hoạt động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (2014).
 
Một trong những nội dung của công văn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận đó là “Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên”. Phải nói rằng, đây là một chủ trương hợp lòng dân, được lòng dân, nhưng đồng thời nó cũng nhận được không ít sự ái ngại về câu chuyện “nói thì dễ, làm lễ thì… khó”. 
 
Ai cũng biết rằng, chúc tết, tặng quà tết là một phong tục đẹp của nhân dân ta từ ngàn đời nay. Sau một năm miệt mài lao động, tết là dịp để những người thân gặp gỡ thăm hỏi lẫn nhau, và một chút quà  thể hiện tình cảm âu cũng là phải đạo. Tuy nhiên, cùng với thời gian, trong không ít trường hợp, những món quà đã dần mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Cái “hàm lượng” tình cảm trong mỗi lần “đi tết” có lẽ nhỏ hơn rất nhiều so với mục đích (thậm chí "âm mưu") của người tặng quà. Nhiều năm nay, việc chúc tết, tặng quà tết dường như đã trở thành “thông lệ” khá phổ biến trong quan hệ công tác.
 
Mỗi độ xuân về khắp nơi nườm nượp chen nhau gặp... xếp. Người chai rượu, kẻ phong bì, quà tết bỗng trở thành thước đo sự “biết điều” của cấp dưới đối với cấp trên, giữa cấp trên với cấp... trên nữa. Giá trị của mỗi món quà tỷ lệ thuận với những “thông điệp không lời” của chủ nhân biếu tặng, mà ở đó người nhận quà chắc chắn đã coi như... "nợ" người... chúc tết. Tuy nhiên, thật khó cưỡng lại được sự hấp dẫn của những món quà tết. Nó vừa "phóng đại" giá trị chức vụ của người nhận, lại cũng vừa có giá trị (đôi khi không nhỏ) về vật chất. Do đó, việc “cai” quà tết làm sao mà dễ cho được, nếu gặp phải “cấp trên” không gương mẫu, thiếu bản lĩnh?
 
Có lẽ thời điểm này chưa phải là lúc mà chúng ta bàn câu chuyện lỗi thuộc về ai, mà nên hướng đến việc thực hiện vấn đề này như thế nào. Đành rằng là khó, nhưng không phải là không thể. Không nói đâu xa, ngay trong tỉnh ta đã từng ghi nhận không ít những đồng chí lãnh đạo "nói không" với phong bì... Cũng đã từng có đồng chí dùng số quà ấy để tặng cho đối tượng khó khăn hơn. Đấy là những dấu hiệu khẳng định rằng không phải ai cũng xấu, đấy cũng là dấu hiệu để mỗi chúng ta tin tưởng rằng, nếu chúng ta quyết tâm, nếu chúng ta triển khai nó không chỉ bằng cơ chế, bằng kiểm tra mà cả bằng sự gương mẫu thì chắc chắn sẽ thực hiện được.   
 
Còn nhớ mới đây thôi, khi bắt đầu triển khai thực hiện "chỉ thị mười bảy" của Tỉnh ủy về  cấm công chức uống rượu vào buổi trưa, không ít người nghi ngờ sự thành công của chủ trương này. Giờ thì đã khác, giờ thì đã bắt đầu "ngấm", và nó nhận được sự ủng hộ của đa phần cán bộ. Quả thực, ban đầu hơi khó chịu một chút vì chưa quen, nhưng hiệu ích mà nó mang lại quả là tích cực. Giờ thì hình như ai cũng "khoái" nó vì khỏi phải chúc, khỏi phải uống, khỏi phải say, khỏi phải bị ép... hình ảnh công chức ngấm men rượu tại công sở dường như đã ít đi, đáng vui hơn là nhiều nơi không còn nữa. Nhân dân tin tưởng và thiện cảm.
 
Giờ đến lượt câu chuyện chúc tết và quà tết, hy vọng cũng vậy, đã có người băn khoăn "chẳng nhẽ chúc tết bằng tay không à?". Không, không phải là tay không, mà là tình cảm, mà là tấm lòng, điều ấy nghe có vẻ hơi xa lạ nhưng chắc chắn nếu có thì đó mới chính là những thứ không mua được bằng... quà!
 
Anh Đào