Theo Bộ GD-ĐT, chuẩn này nhằm giúp giáo viên tự đánh giá từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; làm cơ sở để nhà trường đánh giá, xếp loại năng lực nghề nghiệp giáo viên từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên thường xuyên, liên tục.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông là hệ thống các yêu cầu cơ bản đối với giáo viên phổ thông về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học; năng lực xây dựng môi trường giáo dục dân chủ và năng lực phát triển quan hệ xã hội.
Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất nghề nghiệp
Giáo viên phải yêu thương, tôn trọng, thân thiện với học sinh; giữ gìn đạo đức, uy tín, lương tâm nhà giáo.
Tiêu chí 1 - Mẫu mực với học sinh: Lối sống lành mạnh, văn minh, chuẩn mực, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, ứng xử thân thiện với học sinh.
Tiêu chí 2 - Phẩm chất đạo đức nhà giáo: Lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo.
Tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin
Có kiến thức, kĩ năng về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo và yêu cầu dạy học, giáo dục.
Tiêu chí 3 - Năng lực chuyên môn: Vận dụng và phát triển trình độ chuyên môn được đào tạo trong dạy học và giáo dục
Tiêu chí 4 - Năng lực sử dụng ngoại ngữ: Sử dụng ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số) trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.
Tiêu chí 5 - Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin: Ứng dụng được công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn và giáo dục.
Tiêu chuẩn 3: Năng lực nghiệp vụ sư phạm
Có kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ sư phạm đáp ứng yêu cầu của hoạt động dạy học và giáo dục.
Tiêu chí 6 - Năng lực lập kế hoạch, tổ chức quá trình dạy học và giáo dục: Vận dụng được các phương pháp và kĩ thuật trong việc lập kế hoạch, tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục.
Tiêu chí 7 - Năng lực sáng tạo và dạy học hiệu quả: Thiết kế, áp dụng được các phương pháp, khai thác, phát triển học liệu, phương tiện dạy học hiệu quả, phù hợp đối tượng học sinh.
Tiêu chí 8 - Năng lực đánh giá học sinh: Thiết kế, sử dụng được các công cụ, phương pháp đánh giá học sinh đúng quy định, hỗ trợ học sinh tiến bộ trong quá trình học tập và rèn luyện.
Tiêu chí 9 - Năng lực tư vấn và hỗ trợ học sinh: Am hiểu học sinh, tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và hướng nghiệp.
Tiêu chuẩn 4: Năng lực xây dựng, thực hiện môi trường giáo dục dân chủ
Thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bản thân, xây dựng và phát triển môi trường dân chủ trong nhà trường.
Tiêu chí 10 - Năng lực thực hiện quy chế dân chủ: Thực hiện đúng vai trò được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra của giáo viên trong hoạt động của nhà trường.
Tiêu chí 11 - Năng lực phát huy quyền dân chủ của học sinh và đồng nghiệp: Tạo dựng được môi trường học tập dân chủ, thân thiện, bình đẳng, hợp tác, khuyến khích sự sáng tạo
Tiêu chí 12 - Năng lực phát huy quyền dân chủ của cha mẹ học sinh và tổ chức, cá nhân có liên quan: Tạo dựng được môi trường dân chủ, thân thiện, bình đẳng, hợp tác thân thiện với cha mẹ học sinh và các tổ chức, cá nhân có liên quan
Tiêu chuẩn 5: Năng lực xây dựng các quan hệ xã hội
Sẵn sàng phục vụ, hợp tác và thân thiện với các bên liên quan trong và ngoài nhà trường.
Tiêu chí 13 - Năng lực xây dựng mối quan hệ với học sinh: Hợp tác, hỗ trợ học sinh phát triển, thúc đẩy hoạt động giáo dục và đào tạo.
Tiêu chí 14 - Năng lực xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên: Xây dựng mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ đồng nghiệp và cấp trên, tạo môi trường văn hóa trong trường học.
Tiêu chí 15 - Năng lực xây dựng mối quan hệ với cha mẹ học sinh, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mỗi giáo viên được đánh giá theo từng tiêu chí và đánh giá chung.
Mỗi tiêu chí được đánh giá theo các mức “Đạt”, “Khá”, “Tốt” và “Không đạt”.
Đối với mức “Đạt”, “Khá”, “Tốt” của tiêu chí: giáo viên cần đáp ứng yêu cầu của mức đó kèm theo minh chứng phù hợp.
Đối với mức “Không đạt”: giáo viên không đáp ứng được yêu cầu mức đạt của tiêu chí hoặc không có minh chứng để chứng minh.
Căn cứ vào kết quả đánh giá từng tiêu chí, giáo viên sẽ được xếp loại đánh giá chung các mức độ “Đạt”, “Khá”, “Tốt” hoặc “Không đạt”.
Mức Đạt: Toàn bộ các tiêu chí phải được đánh giá từ mức đạt trở lên;
Mức Khá: Có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức đạt trở lên, trong đó đảm bảo tối thiểu 12/15 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 3 được xếp ở mức khá trở lên;
Mức Tốt: Có tất cả các tiêu chí được đánh giá từ mức khá, trong đó đảm bảo tối thiểu 12/15 tiêu chí đạt từ mức tốt, trong có các tiêu chí ở tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 3 được xếp ở mức tốt;
Mức Không đạt: Có từ 1 tiêu chí trở lên không đáp ứng yêu cầu của mức đạt.
Theo định kỳ hằng năm, giáo viên tự rà soát, đánh giá vào mỗi cuối năm học để tự xác định mức độ đạt được theo Chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo định kỳ 3 năm/lần nhà trường tổ chức đánh giá giáo viên theo Chuẩn.
Dự thảo này được Bộ GD-ĐT tham khảo ý kiến góp ý đến hết ngày 25/5/2018.