(Baonghean) - Bài “Chi trả dịch vụ môi trường rừng theo NĐ 99/CP: Quá nhiều bất ổn” đăng trên Nhật báo ngày 26/12 của nhóm tác giả Lân- Long- Chuyên là bài viết được bình chọn hay nhất của tuần 4 tháng 12:
1. Chưa thực tâm
Bài viết “Chi trả dịch vụ môi trường rừng theo NĐ 99/CP: Quá nhiều bất ổn” của nhóm tác giả đi sâu tìm hiểu kỹ về chủ trương, chính sách, đến việc thực hiện chính sách và những sai sót, hạn chế, bất cập trong quá trình thực thi trong thực tiễn. Chính phủ đã ban hành chính sách này từ tháng 9/2010 và bắt đầu thực hiện chi trả vào cuối năm 2011. Đến nay đã hơn 2 năm, vậy nhưng cả về nguồn kinh phí, lẫn ý nghĩa xã hội lại chưa được thực hiện nghiêm túc, rừng đầu nguồn vẫn bị chặt phá, người dân vùng cao biên giới vẫn đói khổ?
Trong bài viết, các tác giả cũng chỉ rõ, vẫn còn một số đơn vị chậm đóng quỹ bảo vệ phát triển rừng, tuy nhiên, đến cuối năm 2013 tổng số quỹ bảo vệ phát triển rừng của tỉnh cũng đã có hơn 70 tỷ đồng, trong khi đó đến nay còn tồn hơn 55 tỷ đồng chưa được chi trả. Và theo ông giám đốc Quỹ thì nguyên nhân chính là do “...Quỹ mới thành lập thời gian chưa lâu (từ ngày 16 tháng 11/2011 - PV), làm được như vậy cũng là tốt, không thể yêu cầu cao hơn”?.
Ngoài chi trả chậm, còn chi trả sai, tùy tiện, chưa đúng đối tượng, áp đặt, không chia lâm phần cho dân rõ ràng, nhưng vẫn chi trả kinh phí !? Chưa kể, làm như vậy còn tạo ra nghịch lý, người muốn nhận rừng thì không được nhận, người không nhận rừng lại vẫn được chia tiền, rồi dẫn đến tranh chấp sau này khi có nguồn lợi từ rừng.
Nguy hiểm hơn là, người có trách nhiệm lại “hồn nhiên” cho rằng họ làm như vậy là thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên? Tiếc rằng, cấp trên đang còn được “bí mật”.
Chưa hết, nguồn quỹ đóng được một khoản kinh phí chưa phải lớn, nhưng cũng không hề nhỏ, nhưng mới chi trả cho người dân trực tiếp thực hiện dịch vụ môi trường rừng chỉ là một phần nhỏ, mà nguồn kinh phí tồn dư lại tới hơn 55 tỷ đồng !?
Tóm tại, với bài viết, chúng ta có thể nhìn nhận một cách thấu suốt rằng: Hoạt động của quỹ phát triển môi trường rừng chưa hiệu quả và đang còn “Quá nhiều bất ổn” như đầu đề của bài báo đã nêu. Cũng từ bài báo đã góp thêm hồi chuông cảnh báo về một bộ phận cán bộ thiếu trách nhiệm trước công việc, trước người dân; vô cảm trước môi trường, không chăm lo, thực tâm trước nhiệm vụ công tác được giao, cụ thể ở đây là công tác tái sinh, bảo vệ rừng đầu nguồn!?
2. Chủ trương đúng, thực hiện chưa trúng
Cũng bài viết trên nhưng một bạn đọc đã bình phẩm ở góc nhìn khác:
Trong khuôn khổ một bài báo, nhưng nhóm phóng viên đã phản ánh khá thuyết phục và đầy đủ về vấn đề chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện quá chậm và có nhiều vấn đề còn vướng mắc. Hoạt động của Quỹ được triển khai từ năm 2011 thế nhưng đến cuối năm 2012 mới khởi động. Việc thực hiện còn rất mâu thuẫn, lúng túng, chi trả không đúng quy định, chưa làm tốt công tác bàn giao trên thực địa, dẫn đến một số trường hợp đã nhận tiền rồi mà không biết diện tích rừng mình được giao bảo vệ ở chỗ nào, rộng bao nhiêu, ranh giới đến đâu. Ngoài ra, một số trường hợp đủ điều kiện nhận khoán lại không được nhận khoán, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến tình trạng người làm người phá.
Các tác giả cũng đã tuyên truyền được cơ bản về nội dung Quy định tại Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ như: Các nhà máy thủy điện phải chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện.
Người dân và các tổ chức chăm sóc bảo vệ rừng là các đối tượng được thụ hưởng từ dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, cũng đề cập một cách chi tiết, cụ thể về những lúng túng, bị động, thậm chí là đã để xẩy ra sai sót trong công tác quản lý, chi trả nguồn quỹ này. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng rất phù hợp đối với việc khuyến khích người có rừng sống được bằng nghề rừng, giúp họ bảo vệ rừng hiệu quả, song những bất cập trong việc chi trả hiện nay thì người dân chưa thể sống được bằng nghề rừng. Qua bài viết ta có thể thấy: Chủ trương thu phí và xây dựng quỹ dịch vụ môi trường rừng là đúng, nhưng thực hiện chưa trúng.
Bài viết cũng đã nêu lên được thực tế, hiện nay người dân các địa phương có rừng đã ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, người được khoán rừng của các tổ chức cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa đơn vị chủ rừng với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng. Thu nhập từ rừng của người dân vùng có rừng cũng từng bước được cải thiện. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực áp dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giảm đáng kể. Việc thu tiền phí để chi trả dịch vụ môi trường rừng đang có tác động tốt đến các chủ rừng.
Tuy nhiên, một trong những việc cần phải làm hiện nay là phải chi trả đúng người cung ứng dịch vụ. Do đó, để các địa phương không bị lúng túng trong việc triển khai thực hiện, cần có hướng dẫn cụ thể, sự chỉ đạo thường xuyên trực tiếp từ các cơ quan chức năng. Trước mắt các bộ, ngành cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ theo Nghị định 99/2010/NÐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và thông tư hướng dẫn Nghị định số 05/2008/NÐ-CP ngày 14/1/2008 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó cũng cần rà soát, ra các văn bản hướng dẫn về công tác giải ngân, thanh quyết toán nội dung kinh phí quản lý của các chủ rừng là tổ chức, cơ chế về thanh tra, kiểm soát, thủ tục hồ sơ thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng. Có như vậy, việc triển khai thực hiện công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng mới đạt hiệu quả, khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Người Xây Dựng