Kinh nguyệt không đều, khí hư nhiều, đau bụng khi có kinh, vv… là những “bệnh phụ nữ” rất phổ biến.
Tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng nếu bạn chủ quan, những bệnh này có thể gây ra những hậu quả khôn lường như: vô sinh, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng…
Chúng tôi, xin giới thiệu tới chị em những cách trị "bệnh phụ nữ" bằng những loại thuốc Đông y dễ tìm, dễ kiếm mà lại đem đến kết quả bất ngờ.
Kinh nguyệt không đều
Ở phụ nữ chu kỳ kinh nguyệt nếu ở khoảng từ 25 - 40 ngày thì bình thường. Ngoài chu kỳ đó có thể hai tháng mới thấy kinh một lần hoặc trong một tháng mà "bị" tới hai lần… đó là hiện tượng của kinh nguyệt không đều.
Kinh nguyệt không đều, có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như quá lo lắng hay xúc động, do mắc bệnh thiếu máu, thiếu dinh dưỡng, hoặc bị viêm hay bị u tử cung…. Hiện tượng này cũng hay xảy ra với các bé gái mới dậy thì hoặc ở phụ nữ gần đến thời kỳ mãn kinh. Nhưng nếu hiện tượng kinh nguyệt không đều kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sinh con sau này.
Có thể dùng bài thuốc dưới đây để trị bệnh này: (Chỉ dùng 1 bài thuốc)
Hoa giấy 15g, cây ích mẫu 18g, đậu đen 10g, đường đỏ 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 5 thang trước kỳ kinh 7 ngày.
Hoa thục quỳ 10g, ích mẫu 8g, nghệ đen 6g, ngải cứu 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, dùng 5 thang, trước kỳ kinh 8 ngày.
Hoa xu xi 5g, ích mẫu 15g, ngải cứu 10g. Ngày dùng 1 thang, chia 3 lần. Uống 5 thang, trước kỳ kinh 7 ngày.
Khí hư nhiều
Khí hư là chất nước nhầy trắng tiết ra từ âm đạo. Hiện tượng này thường thấy khi phụ nữ sắp đến kỳ kinh, hoặc sau kỳ kinh vài ngày. Tuy nhiên, khi khí hư ra nhiều đi kèm theo ngứa ngáy và có mùi hoặc màu bất thường thì đó có thể là dấu hiệu của các bệnh viêm nhiễm vùng kín. Với phụ nữ có thai, hiện tượng ra khí hư đi kèm ngứa âm đạo rất nguy hiểm cần được điều trị sớm.
Khi bị khí hư ra nhiều và có mùi hôi thì bạn cần nên kết hợp cả ba phương pháp chữa trị thông qua thuốc rửa, thuốc xông và thuốc uống thì mới nhanh khỏi bệnh được vì loại này chữa rất dai dẳng, khó dứt.
Thuốc rửa: Lá trầu không tươi giã lấy 100ml nước cốt, nước cốt củ tỏi 20ml và phèn chua phi 10g trộn lẫn. Dùng gạc thấm nước thuốc để rửa âm đạo rồi đóng băng vệ sinh, để qua đêm, sáng dậy bỏ đi và rửa lại bằng nước muối pha loãng ấm. Làm như vậy đến khi hết khí hư thì thôi.
(Cách làm phèn chua phi: đập nhỏ phèn, đặt chảo gang lên bếp cho nóng, rồi đổ phèn dàn trải trên đáy chảo, cho phèn sôi đến khi không thấy sôi nữa thì rút lửa để nguội, cạo bỏ lớp đen vàng bám xung quanh chỉ lấy phần trắng, đem giã vụn, lấy rây cho mịn để dùng)
Thuốc xông: Dùng lá bạc thau : 100g giã nhỏ, cho vào nước đun sôi rồi xông trực tiếp vào cửa mình
Thuốc uống: Lấy ké đầu ngựa, vỏ cây gạo, lá bạc thau mỗi thứ 20g cùng với 80g rễ bạch đồng nữ sắc lấy 200ml nước, ngày uống 2 lần.
Hoặc dùng lá vú bò một lượng vừa phải, nấu kỹ rồi lọc bỏ bã. Đem nấu cô lại đặc sền sệt là được. Mỗi ngày uống 3 lần, pha thêm đường cho dễ uống, mỗi lần 3 thìa canh, trước khi ăn cơm.
Đau bụng khi có kinh
Đau bụng kinh trong Đông y gọi là thống kinh. Có người bị đau trước, trong hay sau kỳ kinh. Về nguyên nhân thông thường nhất vẫn là do sự mất cân bằng hóc môn trong cơ thể đến kỳ kinh. Ngoài ra cũng có thể do một số bệnh lý như: đa nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung,... Tùy theo cơ địa của từng người mà có những biểu hiện đau khác nhau như đau âm ỉ, đau dữ dội, đau ít, đau nhiều...
Nếu bạn bị đau dữ dội trong kỳ kinh và đau kéo dài, thì cần uống thuốc để cân bằng lại nội tiết trong cơ thể hơn là dùng các loại thuốc giảm đau để tránh gây hại cho sức khoẻ. Còn nếu đâu bụng kinh thông thường, bạn có thể tham khảo bài thuốc Đông y sau:
Hương phụ 8g, ô dược 8g; sa nhân 6g; thanh bì 6g; ích mẫu 12g; ngưu tất 12g. Sắc uống 5 thang, mỗi ngày một thang trước kỳ kinh.
Hoặc: ích mẫu 60g cùng với 0,6g cỏ ấu đem sắc lấy nước ngày uống 2 lần.
Bế kinh
Kinh nguyệt vài tháng không có, sắc mặt vàng úa, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, thở ngắn, lưng đau... là những dấu hiệu của chứng kinh bế.
Nguyên nhân gây nên bế kinh: thường do ăn uống không điều độ, dinh dưỡng kém, lao động quá nhọc mệt làm tỳ vị hư, không sinh huyết. Bế kinh vài tháng, sắc mặt vàng, tinh thần mệt mỏi, tay chân lạnh, phù thũng, đầu choáng, hồi hộp, hơi thở gấp, đầy bụng, ăn kém, đại tiện lỏng.
Bài thuốc trị bế kinh: đảng sâm 20g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, ý dĩ 16g, kỷ tử 12g, hà thủ ô 12g, kê huyết đằng 12g, ngưu tất 12g, ích mẫu 16g, thục địa 12g. Sắc uống ngày một thang.
Hoặc lấy 50g ngải cứu cùng với 50g ích mẫu và 0,5g đường đỏ nấu lên uống mỗi ngày 2 lần.
Rong kinh
Là hiện tượng kinh nguyệt kéo dài có khi đến cả tháng. Thường kỳ kinh chỉ có từ ba đến năm ngày, nếu kéo dài từ hơn một tuần trở lên và thường xuyên thì có nghĩa là bị rong kinh.
Bài thuốc Đông y chữa rong kinh: Lấy 100g cỏ nhọ nồi, 100 củ cây gai, 50g trắc bách diệp. Đem sao vàng hạ thổ, mỗi tháng uống 1 thang khi có kinh. Hoặc bài thuốc: Ích mẫu 20g, đào nhân 10g, uất kim 8g, nga truật 8g, tóc rối đốt thành than 6g, bách thảo sương 14g, cỏ nhọ nồi 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Lưu ý:
Để tránh gặp phải những bệnh kinh nguyệt kể trên, chị em phụ nữ nên tư tưởng thoải mái, tránh căng thẳng và quá xúc động, để khí huyết khỏi rối loạn ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Tập luyện thể dục và lao động chân tay vừa sức, để tăng cường thể chất bảo đảm cho khí huyết lưu thông bình thường cần phải bổ sung dinh dưỡng bằng cách ăn nhiều loại thực phẩm có tác dụng bổ thận, bổ máu, hoạt huyết như ba ba, cá mực, sò, hến, tôm, cá, ếch, sơn tra, đào, táo...
Tuy nhiên, chị em phụ nữ khi thấy diễn biến bệnh ngày càng xấu đi hoặc xuất hiện những biểu hiện bất thường, cần phải đi thăm khám tại các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa về phụ sản để đề phòng những tai biến có thể xảy ra./.
Theo Alobacsi